Nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết thua lỗ lớn do chi phí lãi vay phải trả cho ngân hàng tăng mạnh nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Doanh nghiệp thua lỗ bởi giao dịch liên kết

Tuyết Nhung 26/01/2024 15:04

Nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết thua lỗ lớn do chi phí lãi vay phải trả cho ngân hàng tăng mạnh nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước.

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa cho biết nhiều doanh nghiệp phản ánh về sự bất cập của quy định quản lý thuế đối với giao dịch liên kết tại Nghị định 132. Cơ quan thuế coi giao dịch giữa các doanh nghiệp này với ngân hàng là giao dịch liên kết, từ đó loại trừ chi phí lãi vay vượt mức trần cho phép theo điều 5.2.d và điều 16.3.a của Nghị định 132.

Trong năm 2022 và 2023, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp vượt mức giới hạn cho phép. Trong hoàn cảnh đó, hai quy định trên tại Nghị định 132 khiến các doanh nghiệp chịu khó khăn kép, vừa phải trả lãi nhiều hơn cho ngân hàng, nhưng không được khấu trừ thuế cho phần chi phí này.

Vấn đề này tác động mạnh đến các doanh nghiệp sử dụng nhiều vốn trong các lĩnh vực như hạ tầng, sản xuất, chế biến, chế tạo... Lãi suất của khoản vay này tương ứng với mức bình quân của thị trường, hai bên không có biểu hiện cố tình nâng chi phí lãi vay để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.

Bộ Tài chính cũng đã nhận thấy vấn đề này và có văn bản lấy ý kiến về việc sửa đổi Nghị định 132 theo hướng loại trừ quan hệ liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại điều 5.2.d của Nghị định.

Tuy nhiên, quá trình sửa đổi nghị định có thể sẽ kéo dài và không thể sớm có hiệu lực. Trong khi đó, trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đang bị thanh tra, kiểm tra thuế cho các năm tài chính 2022 và 2023. Nếu không có biện pháp xử lý ngay có thể gây tác động rất tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự ổn định, nhất quán của môi trường đầu tư Việt Nam.

Do đó, VCCI đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định 132 theo đúng trình tự thủ tục, cần ngay lập tức ngưng hiệu lực điều 5, khoản 2, điểm d của Nghị định này, áp dụng cho các năm tài chính 2022 và 2023.

Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, biến động kinh tế vĩ mô, lãi suất trên thị trường tăng mạnh khiến chi phí lãi vay của nhiều doanh nghiệp tăng vượt mức 30%. Phần chi phí lãi vay vượt mức 30% này, doanh nghiệp vẫn phải trả cho ngân hàng nhưng không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng họ thua lỗ lớn do chi phí lãi vay phải trả cho ngân hàng tăng mạnh, nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng việc quy định khống chế trần tổng chi phí lãi vay không vượt quá 30% EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần) làm cho bức tranh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời; thậm chí có thể làm thiệt hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trung thực, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, bởi lẽ "chi phí lãi vay" phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là "chi phí hợp pháp" được quy định trong Luật Đầu tư 2020 và cả Luật Các tổ chức tín dụng 2010.

Về phía cơ quan sửa đổi nghị định, Bộ Tài chính cho biết đang đề nghị sẽ sửa đổi mục d, khoản 2, điều 5 theo hướng loại trừ việc xác định quan hệ liên kết khi tổ chức tín dụng không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc không cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn của một bên khác. Sửa đổi này phù hợp với khoản 1, điều 5 nhằm xác định rõ hơn bản chất của quan hệ liên kết và sẽ giúp tháo gỡ được bất cập như trên phản ánh.

VCCI cho rằng cách làm này không giải quyết được hết các trường hợp. Trong trường hợp hai bên ngân hàng và doanh nghiệp đi vay có quan hệ điều hành, kiểm soát, góp vốn nhưng giao dịch cho vay với lãi suất phù hợp với mặt bằng chung của thị trường vẫn sẽ bị khống chế bởi ngưỡng 30%. Điều này chưa thực sự phù hợp với mục tiêu cơ bản của Nghị định 132 là chống hành vi chuyển giá.

Trong trường hợp trên, hai bên không hề có hành vi thay đổi "bóp méo" lãi suất (giá của giao dịch cho vay) nhằm mục đích chuyển giá mà giao dịch này vẫn tuân theo nguyên tắc giao dịch độc lập. Việc không cho tính phần chi phí lãi vay vượt quá 30% trong một giao dịch thỏa mãn nguyên tắc giao dịch độc lập là bất hợp lý.

Bài liên quan
LS.Trương Thanh Đức: Khống chế lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là bất hợp lý
LS.Trương Thanh Đức cho rằng quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cần thiết. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý về nội dung khống chế lãi vay tại Nghị định 20 là không hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp thua lỗ bởi giao dịch liên kết