Sau khi cưới, nếu nhà trai có đủ số tiền thách cưới thì có thể đưa cô dâu về. Nếu không đủ, chàng trai phải ở rể cho đến khi nào gia đình trả hết nợ. Nếu đời cha không trả hết, đời con, đời cháu phải trả...

Đời cha cưới vợ, đời con cháu phải trả nợ thay

Một Thế Giới | 20/08/2014, 19:00

Sau khi cưới, nếu nhà trai có đủ số tiền thách cưới thì có thể đưa cô dâu về. Nếu không đủ, chàng trai phải ở rể cho đến khi nào gia đình trả hết nợ. Nếu đời cha không trả hết, đời con, đời cháu phải trả...

Trong nhiều lý do dẫn đến hầu hết đồng bào Xêtiêng mãi nghèo có một lý do là… cưới vợ. Mỗi lần lấy vợ, gả chồng của đồng bào Xêtiêng tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, khiến nhiều hộ càng nghèo hơn.

Không có tiền thì “bắt rể”

Đối với đồng bào Xêtiêng, những nghi thức cưới hỏi truyền thống đã ăn sâu vào máu thịt, lưu truyền từ bao đời nay. Từ trẻ nhỏ đến người già đều có thể trả lời răm rắp về những phong tục ấy.

Già làng Điểu Đố ở thôn Bù Môn, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) cho biết: Nghi thức cưới vợ của đồng bào cũng theo trình tự như người Kinh. Trước tiên là lễ dạm hỏi. Khi đi, cả dòng họ nhà trai sẽ đi cùng hai người làm mối, mang theo một con heo và bộ sính lễ gồm bông tai, dây chuyền, nhẫn... Mục đích chính của lễ dạm hỏi là xin ngày cưới cũng như nghe yêu cầu thách cưới của nhà gái.

Những lễ vật không thể thiếu trong sính lễ của đồng bào Xêtiêng và Mơnông là xà - lung, tố (hình đầu rồng), xà gạc, tố nhỏ, trâu, bò, heo... Trung bình mỗi đám cưới cần 2 xà - lung (hiện nay khoảng 40 triệu đồng / cái), 2 tố đầu rồng (khoảng 2 triệu đồng / cái), 10 tố nhỏ (khoảng 200 ngàn đồng / cái), 2 con trâu và 4 con heo...

Những lễ vật nhà gái đưa ra tương đương với giá trị mà cha cô dâu phải trả khi cưới mẹ của cô dâu. Thông thường thì nhà trai đều phải chấp nhận những yêu cầu đó. Sau khi thống nhất, hai bên sẽ làm thịt một con heo để cả dòng họ ăn mừng.

Ông Điểu Cường, Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) cho biết: Những sính lễ như tố, xà lung, xà gạc... hiện rất khó tìm nên nhà trai quy ra tiền để trả của. Giá trị của mà nhà trai phải lo cho một đám cưới khoảng 150 - 200 triệu đồng.

Sau khi cưới, nếu nhà trai có đủ số tiền thách cưới thì có thể đưa cô dâu về. Nếu không đủ, chàng trai phải ở rể cho đến khi nào gia đình nhà trai trả hết nợ. 
Đặc biệt, những món nợ cưới hỏi này, nếu đời cha không trả hết, đời con, đời cháu phải trả cho tới hết mới thôi.

3 mặt con mới trả được một nửa số nợ

Đã là phong tục thì khó thay đổi. Và vì những hủ tục ấy dẫn đến bao trường hợp dở khóc dở cười. Anh Điểu Ơm ở thôn Đắk Son, xã Phú Nghĩa lấy vợ được hơn 5 năm, đã có 3 mặt con nhưng đến nay gia đình anh mới trả được một nửa số nợ “thách cưới” cho nhà vợ.

Có gia đình 5 người con trai đều đến tuổi lấy vợ nhưng thu nhập của cả nhà chỉ trông vào 3 ha điều. Mỗi lần tổ chức đám cưới cho con là đem rẫy đi cầm, cầm tới cầm lui được vài năm thì bán đứt.

“Ngày cưới vợ nhà tôi nghèo lắm, không đủ tiền sính lễ. Nhà vợ dễ nên cho vợ chồng tôi ra riêng, không bắt ở rể. Nhưng nợ thì vẫn phải lo trả, mình không trả được để đến đời con lại khổ cho tụi nó”, vừa nhìn con gái lớn Điểu Ơm vừa tâm sự.

Em trai Điểu Ơm vừa lấy vợ, cùng nỗi khổ như Điểu Ơm nhưng có phần nặng nề hơn. Điểu Ơm kể: “Cưới vợ 2 năm nhưng mới trả của được một phần. Vì vậy nó phải ở rể.

Thế nhưng, theo phong tục của người Xêtiêng thì anh em anh Điểu Ơm vẫn còn may mắn. Một số nhà gái khó tính không chấp nhận hình thức “trả dần” nên nhiều nhà trai phải cầm cố vườn rẫy hay vay mượn với lãi suất cao để có tiền cưới vợ.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp nhà gái có tư tưởng tiến bộ, không làm khó dễ chàng rể và cho chính con gái mình.

Anh Điểu Sơn ở thôn Bù Cà Mau, xã Phú Nghĩa hiện là giáo viên trường Tiểu học Hoàng Diệu không cưới vợ theo phong tục truyền thống dù vợ là người Xêtiêng. Anh Sơn cho biết: “Nhà vợ hiểu nên mình không phải đặt lễ. Mình không có tiền, tại sao cứ phải chạy theo những hủ tục đó để phải chịu cảnh nợ nần?”.

Anh Nguyễn Văn Sơn buôn bán tại thôn Bù Ca Mau, hơn 20 năm nay sống cùng đồng bào Xêtiêng, cho biết: Mỗi lần đi đám cưới tôi đều góp ý nhưng không có kết quả. Tiệc cưới không phải chuyện riêng của gia chủ mà còn là chuyện của cả thôn sóc nên mỗi khi đám cưới là họ giết trâu đãi bà con, ăn uống thả cửa, còn có phần thịt trâu đem về.

Trong khi đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, mỗi lần đám cưới họ lại mổ trâu tiệc tùng linh đình nên nghèo khó cứ đeo bám dai dẳng.

Bí thư Đảng ủy Điểu Cường cho biết: Có gia đình 5 người con trai đều đến tuổi lấy vợ nhưng thu nhập của cả nhà chỉ trông vào 3 ha điều. Mỗi lần tổ chức đám cưới cho con là đem rẫy đi cầm, cầm tới cầm lui được vài năm thì bán đứt. Thế nên nghèo khổ trong đồng bào cứ dai dẳng.

Đảng ủy, UBND xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con, có người nghe nhưng đa số không đồng ý. Họ cứ làm theo hủ tục, ai muốn bỏ cũng khó.  
Doi cha cuoi vo, doi con chau phai tra no thay         Anh Điểu Ơm bên chiếc tố nhỏ của gia đình               

Theo Mỹ Dung (BPO)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đời cha cưới vợ, đời con cháu phải trả nợ thay