Một thời rộ lên phong trào săn cây cổ thụ mang về trồng để “ngắm”, cây càng to, càng hiếm thì càng đắt tiền, càng sang. Và cái thú “ngắm” ấy hiện diện khắp nơi, từ công viên cho đến công sở, từ nhà riêng cho đến quán cà phê, từ khách sạn cho đến khu nghỉ mát… tức là đồng nghĩa với rừng đang bị tàn phá, sinh thái đang bị mất cân bằng, môi trường sống đang bị hủy hoại.

Đốn hoa, phá rừng thì… tăng thuế môi trường để làm gì?

01/03/2017, 10:53

Một thời rộ lên phong trào săn cây cổ thụ mang về trồng để “ngắm”, cây càng to, càng hiếm thì càng đắt tiền, càng sang. Và cái thú “ngắm” ấy hiện diện khắp nơi, từ công viên cho đến công sở, từ nhà riêng cho đến quán cà phê, từ khách sạn cho đến khu nghỉ mát… tức là đồng nghĩa với rừng đang bị tàn phá, sinh thái đang bị mất cân bằng, môi trường sống đang bị hủy hoại.

Đào rừng ở Hà Nội

Hình như người Việt mình, từ quan chức cho đến những người trồng, buôn, chơi hoa, cây cảnh… có những ứng xử đầy mâu thuẫn. Giới nhà giàu thường sẵn sàng chi cả tiền triệu, tiền tỉ cho những cây hoa lạ, những loại bon sai kỳ quái để làm sang, tạo nét quý phái cho ngôi nhà, mảnh vườn của mình nhưng lại rất vô tình, hoặc cố ý tiếp tay cho những lưỡi cưa, lưỡi cuốc hung bạo vô cảm tàn sát, hạ gục những thân cây cổ thụ đang vươn cao tỏa mát hai ven đường hay những cội hoa già tuyệt đẹp đang bình yên thầm lặng khoe sắc, tỏa hương thơm ngát nơi rừng sâu bạt ngàn. Thậm chí, những dân chơi gọi là “sành điệu” còn thầm kháo nhau rằng những cổ thụ có nguồn gốc được trồng trong chùa có giá cao hơn… gấp nhiều lần!

Quả thật, những thú chơi rất nhân văn, tao nhã của người xưa gặp tư duy con buôn, trọc phú đời nay đều biến thành những thứ lố bịch, kệch cỡm. Nếu không có những rào cản về dân trí, văn hóa, đạo đức và pháp lý thì hệ lụy của những thú chơi kia là khôn lường, di hại lâu dài cho môi trường và xã hội.

Nhiều người “thành đạt” trong một sớm một chiều, lắm tiền nhiều của đã tìm cách hưởng thụ với tâm thế của kẻ đi buôn, ăn xổi, khoe mẽ là chính. Vì thế, đã có một thời rộ lên phong trào săn cây cổ thụ mang về trồng để “ngắm”, cây càng to, càng hiếm thì càng đắt tiền, càng sang. Và cái thú “ngắm” ấy hiện diện khắp nơi, từ công viên cho đến công sở, từ nhà riêng cho đến quán cà phê, từ khách sạn cho đến khu nghỉ mát… tức là đồng nghĩa với rừng đang bị tàn phá, sinh thái đang bị mất cân bằng, môi trường sống đang bị hủy hoại.

Rừng đã vậy, đô thị cũng không khá hơn là mấy. Trong năm 2015, hàng loạt cây xanh cổ thụ ở thủ đô bị đốn hạ trong một thời gian rất ngắn bởi sự tắc trách của cán bộ lãnh đạo địa phương khiến dân tình cả nước vô cùng bức xúc. Hà Nội, chỉ trong vài năm gần đây cơ sở hạ tầng phát triển đến chóng mặt với những cao ốc chọc trời san sát, với những tuyến tàu điện uốn lượn vòng vèo trên cao… nhưng để có được những hàng cây xanh đầy bóng mát như trước đây phải mất hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm mới có được, mà bao đời nay Hà Nội lãng mạn nhất, đẹp nhất vẫn là những hàng cây xanh, là mùa thu lá bay!

Mỗi nhát dao chặt vào thân cây, nhựa nó trào ra đỏ như màu máu. Người xưa thường nói cây, hoa đều có linh hồn; vận cây, vận hoa gắn với vận người trồng. Những người có thâm niên chơi cây cảnh thường bảo rằng cây có hồn khi được chăm sóc nâng niu từ lúc còn là cây con cho đến lúc trưởng thành, theo dõi từng bước phát triển của chúng. Còn những cây cổ thụ bứng từ rừng về chơi trong vườn nhà thì vô hồn, vô cảm, chẳng có ý nghĩa gì vì con người không hề bỏ công chăm sóc.

Đời sống hiện đại, sự chuyên môn hóa là điều cần thiết, việc xuất hiện càng nhiều những người làm vườn, kinh doanh cây cảnh chuyên nghiệp là điều không phải bàn cãi. Nhưng vài năm gần đây, hiện tượng người kinh doanh hoa tết liên tục lặp đi lặp lại việc dùng gậy đập phá những cành mai, đào không bán được vào sát thời khắc giao thừa trông thật phản cảm.

Muốn tiến tới văn minh thì mọi hình thức kinh doanh cũng cần mang tầm văn minh, cần cố gắng điều chỉnh việc buôn bán của mình theo cung cầu của thị trường thay cho cái tư duy tiểu nông “ăn không được phá cho hôi”… dẫn đến tàn nhẫn với cái đẹp của tạo hóa là một điều vô cùng đáng tiếc!

Ai cũng biết rằng đào rừng sắp tuyệt chủng, thế mà năm nay những nhánh đào rừng vẫn tràn ngập khắp các chợ hoa, tràn ngập khắp phòng khách đón tết của các đại gia, tức là rừng đào đang tiếp tục bị khai thác một cách vô tội vạ. Chỉ vì muốn thưởng thức chút sắc xuân trong vài ngày nơi xó nhà mà chúng ta để lại sự trơ trọi vài chục năm của cả một rừng đào cổ, vậy là chúng ta yêu hoa hay đang giết hoa, chúng ta đang bảo vệ rừng hay tiếp tay cho sự hủy diệt rừng?

Mỗi lần khám phá ra một rừng cây, rừng hoa nguyên sinh nào đó thì niềm vui, hạnh phúc đến với giới truyền thông, dư luận, những nhà bảo tồn thực vật, nhưng cũng thật sự nguy hiểm biết bao khi lòng tham trỗi dậy, nhiều kẻ bất chấp mọi thủ đoạn để đưa chúng về “làm đẹp” trong khuôn viên nhà mình!

Đốn hoa, phá rừng như vậy thì… thuế môi trường có tăng lên bao nhiêu cũng là điều vô ích.

Minh Phước

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
34 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đốn hoa, phá rừng thì… tăng thuế môi trường để làm gì?