Dư luận xã hội cho rằng hệ quả của sự không công bằng, và kéo theo nó là sự không nghiêm minh của luật pháp, là đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, các loại tệ nạn xã hội ngày càng phát triển.

Pháp luật thiếu công bằng và nghiêm minh góp phần khiến xã hội suy đồi

24/02/2017, 10:52

Dư luận xã hội cho rằng hệ quả của sự không công bằng, và kéo theo nó là sự không nghiêm minh của luật pháp, là đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, các loại tệ nạn xã hội ngày càng phát triển.

Một người làm trong hệ thống truyền hình nhà nước, có dư luận rằng đã phạm lỗi về đạo đức ở một nơi công cộng nhưng vẫn được xuất hiện trước công chúng bằng việc dẫn chương trình. Đây là một trong những thí dụ về “một số không ít” trường hợp mà viên chức công quyền phạm lỗi hành chính và/hay lỗi pháp luật nhưng vẫn được nương nhẹ, bỏ qua. Người này xuất thân từ một gia đình có gốc gác trong ngành, do đó sự việc được bàn tán nhiều trong xã hội.

Các thảo luận nổi lên trên hai hướng chính: 1. Hướng chiếm đa số: không nên để một người có quá khứ như thế mà lên truyền hình dẫn chương trình. 2. Hướng ít người hơn: không nên khắt khe quá mà nên nhìn vào năng lực và nỗ lực của đương sự.

Bài này nhằm nêu lên kinh nghiệm các công ty đa quốc gia đã giải quyết những việc tương tự. Từ sự so sánh kinh nghiệm đó với thực trạng xã hội, hy vọng có thể gợi các suy nghĩ có ích, không chỉ hạn hẹp trong lĩnh vực truyền hình mà rộng ra nhiều lĩnh vực khác của cộng đồng, xã hội.

Một lỗi cần được phân biệt là lỗi về kỹ thuật làm việc hay lỗi về giá trị cốt lõi. Nếu lỗi về kỹ thuật làm việc thì lại phân ra lỗi do sơ ý hay lỗi do vi phạm quy trình làm việc.

Đương nhiên, lỗi nào cũng được xem xét theo mức độ tác hại mà nó gây ra. Thí dụ lỗi do làm thiệt hại 1.000 USD nhẹ hơn nhiều so với làm thiệt hại 20.000 USD.

Tuy nhiên lỗi do sơ ý đánh mất tiền của công ty nhẹ hơn lỗi cũng gây ra thiệt hại mức độ đó nhưng do cố ý vi phạm nguyên tắc hay quy trình làm việc bởi vì sự vi phạm cho thấy lỗi này dễ được lặp lại, và cũng cho thấy tính vô kỷ luật của nhân viên đó.

Cả hai lỗi nói trên thường được xem nhẹ hơn lỗi vi phạm giá trị cốt lõi. Đây là loại lỗi mà người ta xét nhiều về bản chất lỗi hơn là về mức độ gây thiệt hại. Tiếp theo thí dụ trên, nếu nhân viên gây thiệt hại ở cùng mức độ, nhưng sự thiệt hại do nhân viên ăn cắp bỏ túi riêng, thì rõ ràng bản chất của lỗi này khác hẳn trong 2 thí dụ trên, và sự việc phải được nhìn và xử lý một cách hoàn toàn khác!

Những thí dụ về lỗi vi phạm giá trị cốt lõi thường là lỗi ăn cắp, nói dối, vu khống... Những lỗi này, khi bị bắt quả tang hay có bằng chứng rõ ràng là nhiều công ty đã có thể xử lý ở mức cao nhất: cho thôi việc.

Dựa trên kinh nghiệm và nguyên tắc như trình bày trên, tôi so sánh với những trường hợp tham nhũng ở Việt Nam mà mức độ chưa tới mức ghê gớm lắm thì người phạm tội chỉ cần đền bù thiệt hại, được gọi là khắc phục hậu quả, là xem như không còn phải chịu xử lý kỷ luật nào nữa. Nếu dựa trên kinh nghiệm và nguyên tắc như trình bày trên, ta thấy làm như vậy là chưa theo tinh thần bản chất của sự việc. Lỗi ăn cắp, lỗi tham nhũng (được xem là ăn cắp của công), là phải xét xử theo bản chất sự việc. Tham nhũng 1.000 USD với tham những 200.000 USD có cùng bản chất với nhau. Bản chất này vi phạm nghiêm trọng tới giá trị cốt lõi nên cần có biện pháp nghiêm khắc.

Tại sao với loại lỗi này người ta xét tới bản chất sự việc chứ không phải độ lớn thiệt hại? Đó là vì bản chất sự việc quá quan trọng so với độ lớn thiệt hại. Thí dụ như tham nhũng. Khi một người tham nhũng trả lại số tiền cho công quỹ, nếu được xem là khắc phục được hậu quả, thì chỉ khắc phục được thiệt hại vật chất trước mắt trong khi thiệt hại “phi vật chất” lại lâu dài và lớn hơn rất nhiều. Thí dụ nó gây ra mất lòng tin trong cộng đồng, mất lòng tin với lãnh đạo, nó nêu gương xấu, khuyến khích người thiếu đạo đức tiếp tục vi phạm, và nếu không được xử lý đúng đắn thì sự mất lòng tin có thể góp phần gây rối loạn xã hội trầm trọng. Những thiệt hại “phi vật chất” đó, tích tụ tới ngưỡng sẽ gây thiệt hại vật chất cực kỳ lớn.

Cũng có ý kiến “nhưng khắt khe nó cũng vừa vừa, cho con người ta làm lại cuộc đời với. Nhìn vào năng lực và nỗ lực của tội đồ một tí”. Thực ra, có hai vấn đề cần nêu lên là: 1. Sự “khe khắt” đã đủ chưa, hay thậm chí trong nhiều trường hợp, đã được thực hiện chưa? 2. “Năng lực và nỗ lực” của đương sự đã được chứng tỏ chưa? Thông thường “năng lực và nỗ lực” phải được thể hiện trong quá trình chịu kỷ luật, và phải có thời gian đủ dài để chứng tỏ sự thay đổi của đương sự là thực lòng, do đó mới có thể tin vào sự không tái phạm.

Nếu những điều này không được giữ gìn và tuân thủ nghiêm túc thì e rằng kỷ luật của xã hội dần mất đi tính nghiêm minh, bởi vì nó không có tính công bằng. Phải chăng hệ quả của sự không công bằng, và kéo theo nó là sự không nghiêm minh của luật pháp, là đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, các loại tệ nạn xã hội ngày càng phát triển? Dễ nhận thấy rằng trong những năm gần đây các tệ nạn và tội phạm như trộm cắp, cướp bóc cứ ngang nhiên hoành hành. Các tệ nạn “hoàng hôn nhiệm kỳ” cứ nhởn nhơ trêu tức lương tâm xã hội, quốc nạn “tham nhũng” càng chống lại càng phình to…

Việt Nam có một nhà nước có quyền lực rất mạnh, trong một cơ chế tập quyền toàn diện, lại không thể chống và dẹp được các tệ nạn đó, phải chăng cũng có nguồn gốc từ tính kỷ luật không nghiêm minh như nói trên?

Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan
Đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo hướng khuyến khích sáng tạo
Ngành tư pháp đã nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan đề xuất những giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược
7 giờ trước Sự kiện
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Ba Lan, sáng 17.1, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm và phát biểu chính sách tại Đại học Tổng hợp Warsaw, nhấn mạnh về việc đưa quan hệ Việt Nam - Ba Lan lên tầm chiến lược, vì hòa bình và phát triển của hai khu vực Đông Nam Á và Trung Đông Âu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Pháp luật thiếu công bằng và nghiêm minh góp phần khiến xã hội suy đồi