Đầu tư gần 1.000 tỉ đồng vào xây dựng nhưng 6 năm nay, dự án Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi (Khu Kinh tế Hà Tĩnh) lay lắt và nay sắp phải khai tử.

Dự án thép ngàn tỉ “chết”: Ai chịu trách nhiệm?

Một Thế Giới | 25/05/2015, 05:09

Đầu tư gần 1.000 tỉ đồng vào xây dựng nhưng 6 năm nay, dự án Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi (Khu Kinh tế Hà Tĩnh) lay lắt và nay sắp phải khai tử.

Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh vừa có Văn bản số 647/KKT-QLDN “về việc chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi” gửi đến các ngân hàng đã cho chủ đầu tư dự án này vay tiền. Văn bản nêu rõ dự án có vốn đầu tư 1.764 tỉ đồng sẽ hoàn thành giai đoạn 1, cho sản phẩm phôi thép thương phẩm, gang thỏi vào tháng 8-2010 nhưng từ năm 2009 thì gặp vấn đề về nguồn lực, đến cuối năm 2010 phải dừng lại và bỏ hoang đến nay.

“Tiêu tùng” gần 1.000 tỉ đồng

Nhà máy Thép Vạn Lợi do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, xây dựng tại Khu Kinh tế Vũng Áng (xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Dự án khởi công vào năm 2008, công suất 500.000 tấn/năm. Dự kiến, năm 2010, nhà máy đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương.

Nha may Lien hop gang thep Van Loi
 Nhà máy Thép Vạn Lợi bị bỏ hoang trong gần 5 năm
Do bị bỏ hoang nhiều năm nên hiện nay, các hạng mục công trình, trang thiết bị máy móc nhập về đã bị hoen gỉ, xuống cấp. Trong biên bản làm việc ngày 30-1-2015 và 24-4-2015 gửi Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh cùng Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh, chủ đầu tư xác nhận không thể khởi động lại dự án. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng vốn đầu tư vào dự án này đã lên tới gần 1.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 750 tỉ đồng là vay của các ngân hàng, nhiều nhất là VDB với 620 tỉ đồng, Vietcombank 70 tỉ đồng, BIDV 50 tỉ đồng…
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 24-5, ông Đặng Văn Thành, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, cho biết: “Chúng tôi gửi văn bản tới các ngân hàng đã cho chủ đầu tư vay vốn thực hiện dự án để các ngân hàng có kế hoạch bảo vệ, thanh lý tài sản”.

Theo lãnh đạo một ngân hàng cho Nhà máy Liên hợp gang thép Vạn Lợi vay tiền thực hiện dự án thì việc thu hồi vốn hiện rất khó vì tài sản thế chấp nay chỉ là khối máy móc đã hư hỏng.

“Tỉnh không liên quan”

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, tình trạng dự án chậm triển khai đã kéo dài gần 5 năm. UBND tỉnh Hà Tĩnh, sở - ngành địa phương và các ngân hàng cho vay vốn đã phối hợp với chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn nhưng dự án vẫn không thể tái khởi động.

Về việc khi nào Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh mới có quyết định thu hồi dự án, ông Đặng Văn Thành cho biết tuần sau có thể có quyết định thu hồi chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động của dự án. Ông Lê Minh Đạo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh, lý giải thêm: “Tỉnh đã tạo điều kiện tối đa, nhiều lần chỉ đạo, tập trung tháo gỡ khó khăn để giúp chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ nhưng họ không làm được. Tỉnh đã làm hết sức rồi, nếu họ không thực hiện được thì phải thu hồi dự án”.

Chiều 24-5, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, cho biết nếu dự án bị thu hồi, việc ngân hàng thẩm định rồi cho chủ đầu tư vay thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm, tỉnh không liên quan. “Khi có quyết định thu hồi dự án, tôi nghĩ phần vốn của chủ đầu tư sẽ mất. Còn lại, các ngân hàng có thể bàn bạc với nhau theo hướng chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp khác để thu hồi vốn” - ông Tuấn nhận định.
Bên cho vay có nguy cơ trắng tay
Trả lời báo chí, đại diện một ngân hàng đặt chi nhánh ở Hà Tĩnh có cho chủ đầu tư vay tiền cho rằng hồi năm 2008, vì “nghe lời kêu gọi” của tỉnh nên các ngân hàng mới cho vay.
Chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển phân tích: Nếu tỉnh Hà Tĩnh bảo lãnh bằng cách phát hành trái phiếu đô thị hoặc trái phiếu chính quyền địa phương rồi lấy số tiền đó cho doanh nghiệp vay thì tỉnh phải chịu trách nhiệm. Còn trong trường hợp này, tỉnh bảo lãnh chủ yếu bằng “chủ trương động viên” là chính. Vì vậy, phải xem lại năng lực thẩm định của các ngân hàng, dù là dự án phát triển kinh tế - xã hội hay thương mại cũng phải chịu trách nhiệm về hiệu quả.
Luật sư Trương Thanh Đức (Ban Pháp chế - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng nếu không có bảo lãnh chính thức từ tỉnh thì các ngân hàng cho vay phải tự chịu trách nhiệm. “Nếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp, các ngân hàng có thể thu lại một phần vốn đã cho vay. Tuy nhiên, nếu tài sản thế chấp là dự án thì ngân hàng có nguy cơ mất trắng vì dự án giờ chỉ là đống sắt vụn” - luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận. 
T.Phương
Đức Ngọc/ Người Lao động
Bài liên quan
An Giang: Dự án nâng cấp đường tỉnh 948 gặp khó về giải phóng mặt bằng
Tuyến đường tỉnh 948 có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa hai huyện Tịnh Biên - Tri Tôn; kết nối hai thành phố Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) và tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là tuyến đường chính phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện nâng cấp, mở rộng khẩn cấp tuyến đường này hiện đang gặp khó về công tác giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự án thép ngàn tỉ “chết”: Ai chịu trách nhiệm?