Chuyến thăm CHLB Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam tới nước Đức thống nhất (1990), đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2015).
Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao từ 23.9.1975, từ đó đến nay quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 10.2011 của Thủ tướng Đức Angela Markel, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra mục tiêu và các biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.
Về kinh tế, Đức luôn duy trì vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (chiếm 20% xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu). Kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2014 đạt 7,8 tỉ USD; 7 tháng đầu năm 2015 đạt 5,2 tỉ USD. Đức cũng là đối tác lớn và hiệu quả nhất của Việt Nam trong lĩnh vực KH-CN và lĩnh vực dạy nghề. Đức đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng một số trường dạy nghề kiểu mẫu ở nhiều địa phương, đặc biệt là dự án trường Đại học Việt - Đức. Hiện có khoảng 4600 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Đức.
Đức cũng là một trong những nước viện trợ ODA nhiều và thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỉ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính.
Cộng đồng người Việt tại Đức có khoảng 125 nghìn người, hoạt động tích cực và hội nhập khá thành công và hiện có khoảng 110 tổ chức, đoàn hội của người Việt với nhiều hình thức đa dạng như Hội Việt Nam, hội đồng hương, tổ chức từ thiện.