Không giống như các chỉ số đánh giá xếp hạng quan trọng khác vốn thường chỉ mang tính tích cực, chỉ số xếp hạng danh sách các quốc gia hấp dẫn đầu tư nước ngoài lại là một chỉ số có tính hai mặt. Và không phải cứ cao thì đồng nghĩa với tốt.

Đứng đầu danh sách các quốc gia hấp dẫn đầu tư nước ngoài đáng mừng hay đáng lo?

Nhàn Đàm | 22/08/2016, 12:01

Không giống như các chỉ số đánh giá xếp hạng quan trọng khác vốn thường chỉ mang tính tích cực, chỉ số xếp hạng danh sách các quốc gia hấp dẫn đầu tư nước ngoài lại là một chỉ số có tính hai mặt. Và không phải cứ cao thì đồng nghĩa với tốt.

Báo cáo mới nhất của Hội nghị liên hiệp quốc tế về thương mại và phát triển đang khẳng định Việt Nam là một trong ba thị trường tiềm năng nhất thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh Myanmar và Ấn Độ. Cụ thể, trong tổng số 765 tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nước đang phát triển trong năm 2015, thì số vốn đầu tư FDI vào Việt Nam cùng Myanmar và Ấn Độ lên tới 541 tỉ USD. Trong đó Việt Nam chiếm khoảng gần 1/3 khi tổng vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế trong năm 2015 thống kê vào khoảng 130 tỉ USD.

Văn phòng thống kê FDI Intelligence thuộc tờ tạp chí nổi tiếng của Mỹ Financial Times thậm chí đang đưa Việt Nam lên mây xanh, khi văn phòng này xếp Việt Nam vào vị trí đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, không chỉ một mà đã là lần thứ hai liên tiếp. Nó là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tỏ ra hiệu quả hơn các quốc gia đang phát triển trong khu vực và trên thế giới trong vấn đề thu hút FDI. Nhưng, liệu đứng đầu danh sách này có gì đáng tự hào?

Cụ thể, theo thống kê của văn phòng FDI Intelligence thì Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với điểm số 6,45 – một điểm số khá cách biệt với các quốc gia xếp sau như Hungary được 4,32 điểm và Rumani với 3,48 điểm. Các quốc gia Đông Nam Á có tên trong danh sách này cũng bị Việt Nam bỏ khá xa về điểm số cũng như khoảng cách, cụ thể là Malaysia với 2,86 điểm và Thái Lan với 2,43 điểm.

Có thể thấy, con số thống kê này có vẻ như khá chính xác, khi tổng vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 đạt kỷ lục gần 130 tỉ USD. Điều này đang cho thấy chiến lược tổng hợp của Việt Nam trong việc hướng chuỗi chuyển dịch vốn đầu tư FDI đang tháo chạy từ Trung Quốc vào nền kinh tế của mình tỏ ra hiệu quả hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Cách đây không lâu, tờ The Economist cũng thừa nhận rằng độ mở của nền kinh tế Việt Nam linh hoạt và thông thoáng hơn nhiều so với các nền kinh tế khác trong khu vực. Điều này thậm chí được tờ báo nổi tiếng này ca ngợi như một thành tựu lớn mà các nước đang phát triển khác cần học tập.

Nhưng, vị trí đứng đầu trong danh sách có phần hơi khoa trương này, nhất là trong hai năm liên tiếp, thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam? Câu trả lời là: “Không nhiều”. Khác với các đánh giá xếp hạng quan trọng hàng đầu khác như năng lực cạnh tranh, tính minh bạch, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, pháp luật hoàn thiện… vốn được xem là những yếu tố quan trọng bậc nhất đối với một nền kinh tế, thì vị trí trong danh sách hấp dẫn thu hút đầu tư nước ngoài này lại không có nhiều giá trị. Nó chỉ cho thấy duy nhất một điều, đó làViệt Nam giỏi thu hút vốn đầu tư FDI hơn một số các quốc gia khác, nhưng bằng cách nào thì lại không được đề cập rõ ràng.

Có rất nhiều cách để thu hút đầu tư FDI, như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện pháp luật và giảm thủ tục hành chính; nhưng nó cũng có thể là nhượng bộ nhiều hơn, cam kết nhiều ưu đãi hơn, giảm điều kiện ràng buộc về chuyển giao công nghệ hay tiêu chuẩn môi trường… Nếu Việt Nam đứng đầu danh sách thu hút được nhiều vốn đầu tư FDI bằng các yếu tố cải cách, thì đó là một điều đáng mừng. Còn nếu nhờ các yếu tố nhượng bộ, thì đó là một điều đáng lo.

Vì vậy, không như các chỉ số đánh giá xếp hạng quan trọng khác vốn chỉ mang tính tích cực, chỉ số xếp hạng danh sách các quốc gia hấp dẫn đầu tư nước ngoài là một chỉ số có tính hai mặt. Và không phải cứ cao thì đồng nghĩa với tốt. Như khá nhiều nhà kinh tế đã chỉ ra, FDI là một con dao hai lưỡi, nếu được kiểm soát tốt thì đó sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế rất hiệu quả nhất là tại các nước đang phát triển; nhưng nếu thiếu kiểm soát nó sẽ biến quốc gia đó trở thành bãi thải công nghệ, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên. Chính vì vậy, việc thu hút được số lượng lớn các dự án đầu tư FDI không hẳn là một việc tốt, vì nó đồng nghĩa với việc thiếu chọn lọc và thiếu kiểm soát chất lượng dự án, và rất dễ rơi vào tình trạng bị lợi dụng. Việt Nam hiện nay đang có nhiều khả năng phải đối mặt với nguy cơ này, khi công tác kiểm định chất lượng dự án của chúng ta hiện nay đang khá tồi.

Vì thế, cần phải thận trọng trước những lời khen. Không phải lời khen nào cũng đồng nghĩa với điều tích cực, vì nó có thể xuất phát từ nhiều vị thế và góc nhìn khác nhau. Lời khen mà tờ The Economist dành cho Việt Nam cách đây không lâu, trong đó ví Việt Nam là con hổ tiếp theo của châu Á, ca ngợi sự mở cửa toàn diện nền kinh tế của Việt Nam là hình mẫu cho các nước đang phát triển khác, từ một góc nhìn khác đó hoàn toàn có thể là một lời khen mang tính chế giễu và mỉa mai. Tờ The Economist đưa ra dẫn chứng về lợi ích từ độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam bằng cách so sánh với Indonesia, và cho rằng việc yêu cầu khắt khe về nội địa hóa ở Indonesia là kém hơn việc Việt Nam cấm các quan chức buộc nhà đầu tư nước ngoài phải mua nguyên liệu và linh kiện đầu vào ở trong nước.

Quả thực, nếu xét trên khía cạnh thương mại tự do toàn cầu, thì việc Việt Nam không quá khắt khe về tỷ lệ nội địa hóa được xem là có lợi hơn cho thương mại tự do giữa các nền kinh tế. Nhưng nếu xét trên khía cạnh lợi ích quốc gia thì việc lơi lỏng về yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc lại là một tin tức không có gì tốt đẹp. Một trong những lợi ích chính mà các nước đang phát triển chờ đợi ở các dự án đầu tư FDI là chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ và sử dụng linh kiện sản xuất trong nước. Rõ ràng, việc không yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc sẽ khiến cho các lợi ích này giảm đi đáng kể.

Chính vì việc lơi lỏng trong yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa và bắt buộc sử dụng nguyên liệu và linh kiện trong nước, mà hậu quả là giờ đây ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam cực kỳ què quặt dù chúng ta đã thu hút đầu tư FDI được hàng chục năm qua. Chẳng hạn, theo số liệu thống kê của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thì tỷ lệ linh phụ kiện mua tại chỗ của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam từ các doanh nghiệp bản địa chỉ là 13,2%, tức là tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam chỉ là 13,2% - thấp hơn rất nhiều so với mức 64,7% ở Trung Quốc hay 55,5% ở Thái Lan.

Dĩ nhiên, không phải tờ The Economist nói dối hay đưa ra lời khen thiếu thiện chí đối với Việt Nam. Chỉ đơn giản là tờ báo kinh tế nổi tiếng này đứng ở một vị thế khác với Việt Nam, vì thế góc nhìn và tiếng nói cũng phải có sự khác biệt nhất định. The Economist cũng như các tổ chức kinh tế thế giới khác, có xu hướng khuyến khích tự do thương mại toàn cầu, hạn chế các chính sách bảo hộ, dù điều đó chưa hẳn đã tốt cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần tỉnh táo và thận trọng trước những lời khen, để biết rằng lời khen nào mới là phù hợp và thực sự có ích cho đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam hiện tại.

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
một giờ trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đứng đầu danh sách các quốc gia hấp dẫn đầu tư nước ngoài đáng mừng hay đáng lo?