Cái gì của ta là của ta, cái gì của người là của người, "biết đủ là đủ". Nhà Phật thường răn dạy: Đừng liếm mật ngọt còn sót lại trên lưỡi dao, sẽ bị họa đứt lưỡi. Vậy mà lắm kẻ mang họa vì chút xíu mật ngọt tầm thường, họ mắc chứng bệnh: tham lam vô hạn trong một cõi sống có hạn.

Đừng liếm mật ngọt trên lưỡi dao, sẽ bị họa đứt lưỡi…

03/05/2017, 15:13

Cái gì của ta là của ta, cái gì của người là của người, "biết đủ là đủ". Nhà Phật thường răn dạy: Đừng liếm mật ngọt còn sót lại trên lưỡi dao, sẽ bị họa đứt lưỡi. Vậy mà lắm kẻ mang họa vì chút xíu mật ngọt tầm thường, họ mắc chứng bệnh: tham lam vô hạn trong một cõi sống có hạn.

Tôi quan sát, ban đầu bâng quơ thôi, lâu riết thấy sự kỳ lạ: có những con người không bao giờ biết đến hạnh phúc, mất khả năng thụ hưởng hạnh phúc, đồng thời-tất nhiên-không đem lại hạnh phúc cho bất cứ ai, cho dù nhìn qua có vẻ họ có đủ điều kiện để hạnh phúc cũng như mang hạnh phúc cho người khác.

Thực ra thì điều đó, nhìn dưới lăng kính tâm lý học, cũng có thể lý giải được, song không thể cho là bình thường được. Chẳng hạn, thường thường người ta nghĩ, nghèo thì khổ, bất hạnh nhưng lắm kẻ có rất nhiều tiền, vẫn không hề có chút xíu hạnh phúc nào hết! Cứ như một cơn khát vô cùng tận, bao nhiêu tiền vàng không thỏa, thậm chí làm cơn khát tăng thêm mãi như trong câu chuyện túi ba gang. Họ không có sự ngơi nghỉ, thiếu vắng nụ cười, cảm thông san sẻ, hay sự hài lòng về một điều gì đó.

Tôi cận kề một ông chủ to theo đúng mọi nghĩa, nhưng chưa thấy ông hài lòng với người làm công bao giờ cho dù họ đã rất cố gắng. Công nhân chấp nhận lương thấp việc nhiều, ông có lợi nhuận cao, nhưng ông không bằng lòng: hôm sau giao việc nhiều hơn hôm trước, điều kiện lại khó hơn; lương thấp lại tìm cách hạ thấp hơn nữa! Chưa từng thấy ông khen ngợi hay khích lệ, chỉ có cau có, ta thán, đe dọa… Mà riêng gì kẻ ăn người ở, với gia đình, ông cũng thế, nghiệt ngã; ông nghiệt ngã ngay với chính bản thân mình từ tấm áo manh quần, miếng ăn thức uống. Có lẽ nhờ thế mà ông giàu, song chính vì thế mà ông không có hạnh phúc theo mọi định nghĩa.

Một ví dụ khó tin về ông: Ô-sin giúp việc cho ông đúng 10 năm, tưởng chừng bao nhiêu là thân thiết, vậy mà ngày người thân cô ấy qua đời, xin phép nghỉ 2 ngày chịu tang hẳn hoi, đến tháng lương vẫn bị trừ 2 ngày công! Cô ấy tủi thân khóc và nghỉ việc, kêu rêu khắp nơi, còn ông chủ đáng thương đã kịp nặn ra kịch bản: nó lấy trộm điện thoại nhà tôi nên đuổi rồi!

Tôi tự cho đấy là một chứng bệnh kỳ lạ.

Mà nào chỉ có người giàu, đại gia mới mang “virus” ấy. Một bà nọ trong xóm, rất nghèo, cứ than thở suốt về mọi thứ. Nhà nước cấp sổ hộ nghèo, lại muốn có cái nhà. Có cái nhà tình thương, lại chê quá nhỏ! Nằm viện, người ta cho cơm từ thiện ngày ba bữa tinh tươm, lại chê… không đổi món, ăn phát ngán. Nghe mà căm giận, chứ không chỉ buồn. Tôi không kiềm được, hỏi con người ấy: Dì có từng cho ai một chén nước hay một tô cơm trắng? Buồn!

Bệnh viện có nhiều, rất nhiều vấn đề, ai cũng thấy. Nhưng trong ấy cũng có bao nhiêu điều tốt đẹp ẩn tàng hay hiển hiện, vậy mà có người chỉ biết ta thán về mọi thứ, đòi hỏi vô lý, một chiều, chỉ cái chau mày của thầy thuốc cũng thành câu chuyện bức xúc, trong khi chưa bao giờ cất tiếng cảm ơn những ân nhân người dưng nước lã cứu mạng mình, người thân của mình….

Nhờ trời, có những con người ngược lại, họ dễ tìm thấy hạnh phúc trong những cái nhỏ nhoi, giống như một hàn thử biểu cực nhạy: một tia nắng ban mai, một làn gió mát, hay một giọng ca bất chợt thoảng qua từ đâu đó bên nhà hàng xóm cũng khiến họ bâng khuâng, nhẹ nhõm, an lành…. Họ biết đủ, biết dừng, biết giới hạn, thấu cảm dễ dàng trước mọi sự - lòng ta và lòng người. Chỉ đường cho một người lạ, họ thấy vui trong lòng. Nhận một email đính kèm đường link bản nhạc hợp gu, họ sung sướng; có dư được chút tiền làm từ thiện, họ hân hoan vô cùng. Những con người ấy hạnh phúc cho dù có ít, thậm chí rất ít trong cuộc đời này, ngưỡng hạnh phúc của họ có thể thấy được một cách rõ ràng.

Có một câu chuyện cay cay. Đấng quân vương nọ vừa muốn ban đặc ân cho thuộc hạ vừa muốn thử lòng, đã phán: Ta ban cho ngươi một con ngựa và một thanh kiếm, ngựa tốt và kiếm sắc, ngươi cưỡi ngựa đến đâu không giới hạn trên vương quốc của ta rồi cắm thanh kiếm đánh dấu, thì tất cả đất đai trong đấy là của nhà ngươi. Vậy là có một bi kịch, vị thuộc hạ đã thúc ngựa chạy mải miết đến ngã gục, kết thúc sự sống, vì muốn có một sở hữu mênh mông vô cùng tận! Con người đấy có lộc mà không biết hưởng, biến phúc thành họa.

Thực ra, cái gì của ta là của ta, của người là của người, biết đủ là đủ, chân lý giản đơn. Nhà Phật thường răn dạy: Đừng liếm mật ngọt còn sót lại trên lưỡi dao, sẽ bị họa đứt lưỡi. Vậy mà lắm kẻ mang họa vì chút xíu mật ngọt tầm thường, họ mắc chứng bệnh: tham lam vô hạn trong một cõi sống có hạn. Thật là lòng tham không đáy.

Theo Giác Ngộ online

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng liếm mật ngọt trên lưỡi dao, sẽ bị họa đứt lưỡi…