Đã từng có một thời gian rất lâu, tất cả những người đồng tính, chuyển giới lẫn những người có thể hiện giới hay tình trạng cơ thể không điển hình được gọi chung bằng một cụm từ 'thế giới thứ 3'. Nhiều người thích cách gọi đó, vì nó cho họ cảm giác mình thuộc về một cộng đồng nào đó. Nhiều người không thích cụm từ này vì họ nghĩ rằng như thế là tự tách biệt mình ra khỏi xã hội.
Đừng nên sử dụng cụm từ 'thế giới thứ 3'
Một Thế Giới|31/05/2015, 09:30
Đã từng có một thời gian rất lâu, tất cả những người đồng tính, chuyển giới lẫn những người có thể hiện giới hay tình trạng cơ thể không điển hình được gọi chung bằng một cụm từ 'thế giới thứ 3'. Nhiều người thích cách gọi đó, vì nó cho họ cảm giác mình thuộc về một cộng đồng nào đó. Nhiều người không thích cụm từ này vì họ nghĩ rằng như thế là tự tách biệt mình ra khỏi xã hội.
Nhìn một cách khách quan, "thế giới thứ 3" là một thuật ngữ mang tính địa phương và chỉ có ở Việt Nam, khi mà những thông tin khoa học còn chưa đầy đủ.
Trên thế giới, "thế giới thứ 3" dùng để chỉ các nước kém phát triển về kinh tế. Và mặc dù được dùng rất nhiều tại Việt Nam, cũng không ai đưa ra một định nghĩa đầy đủ về "thế giới thứ 3". Nếu có thì chỉ đơn giản như cách giải thích của nhiều người: thế giới thứ 1 là nam, thế giới thứ 2 là nữ, còn lại là thứ giới thứ 3. Chính từ cách lý giải đó mà nhiều người, đặc biệt là các bạn đồng tính, không thích cụm từ này, vì họ nghĩ rằng người đồng tính thì vẫn là nam hoặc nữ.
Thật ra nếu phân tích một cách thoáng hơn, cách lý giải đơn giản kia thật ra cũng không hẳn là sai. Thế giới thứ 1, thứ 2 có thể hiểu là tất cả những gì xã hội nghĩ rằng đó là đặc tính của đàn ông và phụ nữ.
Thế giới thứ 1: Là nam, nghĩ rằng mình là nam, thích phụ nữ, thể hiện nam tính; tương tự
Thế giới thứ 2: Là nữ, nghĩ rằng mình là nữ, thích đàn ông, thể hiện nữ tính.
Và đó là 2 định khuôn mà xã hội áp đặt vào tất cả mọi người. Như vậy bằng cách phân biệt đó, tất cả những người đồng tính, chuyển giới, hay liên giới tính đều bị gạt ra sang một "thế giới khác".
Chuyển giới: Tôi là ai?
Đồng tính: Tôi yêu ai?
"Thế giới thứ 3" còn là một giải pháp khi mà bản thân người đồng tính, chuyển giới cũng không biết dùng từ nào khác để nói về chính mình. Đứng từ góc độ nhân học, xã hội học, chúng ta cũng nên tôn trọng những gì thuộc về hiện thực của lịch sử. Cách gọi đó đã từng tồn tại, thì ắt hẳn nó cũng có những giá trị nhất định.
Thế giới bị chia nhỏ
Có thể ít người muốn nói ra, nhưng có một sự thật là cộng đồng LGBT (Đồng tính, song tính và chuyển giới) vốn dĩ đã bị chia cắt bởi chính những sự phân biệt lẫn nhau từ những ngày đầu. Người đồng tính từng một thời cho rằng người chuyển giới (mà khi đó cũng chỉ biết dùng từ “bóng lộ”) đang làm ảnh hưởng tới hình ảnh chung của cộng đồng. Còn các bạn chuyển giới (rất nhiều người cũng gọi mình là người đồng tính) thì cho rằng các bạn đồng tính (“bóng kín”) là không sống thật, hèn nhát và đầy kỳ thị với những người giả nữ.
Khi các bạn đồng tính lên tiếng cho việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, các bạn chuyển giới cảm thấy mình là người ngoài cuộc. Họ cho rằng cái họ cần là quyền được sống đúng với giới tính mong muốn, quyền được chuyển đổi giới tính, quyền được thay đổi giấy tờ, vân vân… chứ họ không cần quyền kết hôn cùng giới. Họ cũng nghĩ rằng khi có được quyền chuyển giới thì luật hôn nhân gia đình hiện thời cũng có thể cho phép họ kết hôn với người mình yêu.
Các hoạt động của hội nhóm này thì bị dò xét, đánh giá là không phù hợp, với tiêu chí đánh giá lại là của hội nhóm khác. "Thế giới thứ 3" lại bị chia nhỏ, bởi không tìm được tiếng nói chung ra ngoài xã hội.
Đồng tính khác với chuyển giới
Thật ra tất cả những việc không tìm được tiếng nói chung có một nguyên nhân cơ bản là những thông tin kiến thức về xu hướng tính dục, bản dạng giới mà không phải người đồng tính, chuyển giới nào cũng biết và hiểu được.
Một cách rất cơ bản:
Nói đến người chuyển giới, là ta đang nói về “bản dạng giới” (cảm nhận của một người về giới tính mà mình mong muốn). Ví dụ là nam nghĩ rằng mình là nữ, hay ngược lại.
Nói đến người đồng tính, là ta đang nói về “xu hướng tính dục” (sự hấp dẫn của một người với giới nào). Vì dụ là nam và yêu nữ, hay là nữ và yêu nữ…
Như vậy thì người chuyển giới là người có cảm nhận rằng giới tính mình mong muốn khác với giới tính mình đang có. Nhiều người hay hiểu rằng người chuyển giới phải là người đã phẫu thuật chuyển giới, nhưng điều đó là không nhất thiết. Có những người chuyển giới đã trải qua phẫu thuật, và cũng có những người chưa hoặc không trải qua phẫu thuật.
Nhiều bạn chuyển giới cho rằng phẫu thuật rồi thì mới được gọi là người chuyển giới, còn chưa thì sẽ gọi là người đồng tính. Điều này, là không chính xác.
Nhiều người thì hiểu đồng tính và chuyển giới khác nhau, nhưng lại gắn nhãn rằng người chuyển giới (nam sang nữ) thì phải dịu dàng, nữ tính; còn người đồng tính (nam) thì chắc chắn không bao giờ được như vậy. Điều này, cũng không chính xác.
Thể hiện giới nam tính hay nữ tính thì không phụ thuộc vào bản dạng hay xu hướng, mà đó là yếu tố cá nhân từng người. Đàn ông dị tính (nam và thích nữ) thì cũng có thể nữ tính, giọng cao, ẻo lả. Đàn ông đồng tính thì cũng có thể (và có quyền) thích thể hiện một cách nhẹ nhàng, nữ tính. Và người chuyển giới thì cũng có thể có bề ngoài vô cùng mạnh mẽ.
Hiểu về mình để biết mình muốn gì
Nhưng chúng ta phân chia "đồng tính", "chuyển giới" như vậy để làm gì? Để phân biệt nhau chăng? Để bắt lỗi nhau chăng? Tôi từng thấy một bạn khi thấy các bạn đồng tính sơn móng tay thì "bắt lỗi" ngay: "Các bạn là người chuyển giới chứ không phải người đồng tính". Tôi hơi bất ngờ với sự phán xét này. Không nói đến việc thiếu kiến thức về "thể hiện giới" nêu trên, tôi nghĩ rằng, một người không có quyền phán xét và dán cho người khác một cái nhãn như thế nào.
Quay trở lại với câu hỏi phân chia "đồng tính”, "chuyển giới" để làm gì. Câu trả lời của tôi là để biết mình thực sự mình muốn gì, và có thể làm gì.
Gần đây tôi nghe chia sẻ của một người nói rằng anh là đàn ông, là người đồng tính, nhưng trong sâu thẳm anh là một người phụ nữ, và mong muốn trở thành một người phụ nữ. Sau đó anh tâm sự về những mối tình của mình. Anh chỉ yêu "trai xịn" (tức là đàn ông dị tính), nhưng tất nhiên một người đàn ông dị tính thì không thể yêu một người có bề ngoài cũng là đàn ông như anh được. Anh nói rằng rồi một thời gian họ cũng bỏ anh, để lấy vợ, để sinh con, lập gia đình. Và tình yêu của người đồng tính không bền là vì như vậy.
Một câu chuyện khác, một bạn nữ chỉ thích các bạn nữ khác, và bạn nghĩ rằng mình chắc phải là con trai. Vấn đề ở đây là bạn ấy không hiểu rằng nữ thì vẫn có thể thích nữ, chứ không nhất thiết phải nghĩ rằng mình là nam thì mới thích nữ được. Hay có phụ huynh hỏi con trai là người đồng tính của mình rằng "Con nghĩ mình là con trai hay con gái?". Khi con trả lời "Con trai" thì phụ huynh lại bối rối “Thà nó nghĩ nó là con gái thì tôi còn chấp nhận, để nó chuyển giới. Còn đây nó vẫn nghĩ nó là con trai thì là nó vẫn bình thường mà, chỉ là đầu óc nó có vấn đề là thích con trai thôi".
Ở đây ta thấy việc hiểu mình là ai quan trọng như thế nào. Nó giúp ta hiểu về nhu cầu và mong muốn của mình. Nếu là người đồng tính, bạn sẽ muốn yêu người mình yêu. Nếu là chuyển giới, nhu cầu trên hết của bạn là muốn sống đúng với giới tính mong muốn.
Như vậy rõ ràng việc người chuyển giới cho rằng hôn nhân cùng giới không cấp thiết cũng là điều dễ hiểu, vì nhu cầu được chuyển giới của họ quan trọng hơn nhu cầu kết hôn. Tương tự, người đồng tính cũng cần hiểu điều này để không chỉ trích về phản ứng của người chuyển giới, và cũng để hiểu rằng mình cần làm nhiều hơn nữa để công bằng là dành cho tất cả.
Khi biết mình muốn gì, bạn sẽ biết mình cần làm gì. Người chuyển giới sẽ không còn bi quan về tình yêu của mình, vì bạn hiểu rằng người yêu của mình sẽ là người can đảm đủ để yêu con người thật của bạn. Và người đồng tính sẽ có thái độ tôn trọng hơn với quyền tự do thể hiện những người chuyển giới, sẽ không kỳ thị và gạt bỏ những bạn đồng tính có thể hiện nữ tính. Và dù bạn là ai, bạn cũng hiểu rằng những gì mình đang làm đều đóng góp chung cho một xã hội cởi mở hơn, bớt kỳ thị hơn.
Nhu cầu có khác nhau, nhưng những gì mà tất cả chúng ta hướng tới là giống nhau. Khi đó, đừng kể là thế giới thứ hai, thứ ba hay thứ tư, chỉ một thế giới công bằng là đủ dành cho tất cả.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Do các nhà khoa học quân sự Trung Quốc chế tạo, siêu máy tính Tianhe một lần nữa đứng đầu trong cuộc thử nghiệm quốc tế về hiệu suất điện toán trí tuệ nhân tạo (AI).
Elon Musk (Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX) đã nhắm vào Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) một lần nữa, khơi lại mối bất hòa giữa hai tỷ phú giàu nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã phát triển một lý thuyết lượng tử mới lần đầu tiên định nghĩa hình dạng chính xác của một photon, cho thấy sự tương tác của nó với các nguyên tử và môi trường của nó.
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Liệu pháp gương (Mirror Therapy - MT) là một trong những phương pháp triển vọng giúp cải thiện khả năng phục hồi cảm giác và vận động cho bệnh nhân đột quỵ.
Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) thông báo cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa Việt Nam dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.