Suốt lịch sử nhân loại, con người phải chiến đấu không ngừng với hai “kẻ thù” vi rút và ung thư gây ra hàng triệu cái chết.
Chúng ta thường dựa vào hệ miễn dịch để chống lại chúng mà bỏ qua một cách thức “chiến đấu” khôn ngoan hơn, đó là khiến cho hai “kẻ thù” chống lại nhau với lĩnh vực nghiên cứu vi rút trị ung thư đầy hứa hẹn.
Vì sao ung thư khó điều trị?
Thứ nhất, ung thư không phải một căn bệnh đơn lẻ mà là tập hợp của hơn 100 loại bệnh khác nhau. Mỗi loại có nguyên nhân, đặc điểm, diễn biến riêng.
Ngoài ra một số tế bào ung thư có thể đột biến nhanh chóng giúp chúng kháng lại các phương pháp điều trị. Tế bào này mỗi lần phân chia và phát triển đều tích lũy nhiều đột biến hơn nên khó kiểm soát hơn.
Ung thư còn tương tác với môi trường xung quanh như mạch máu, tế bào miễn dịch, tế bào khỏe mạnh. Tương tác khiến các phương pháp điều trị khó có thể chỉ tác động đến tế bào ung thư mà không làm tổn hại tế bào khỏe mạnh nằm gần.
Vài phương pháp như hóa trị và xạ trị có tác dụng phụ đáng kể làm hạn chế khả năng sử dụng cũng như hiệu quả điều trị. Đôi lúc tác dụng phụ nghiêm trọng đến mức không thể tiếp tục điều trị thêm hoặc làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Cuối cùng, một số loại ung thư khó được phát hiện ở giai đoạn đầu vì không có triệu chứng rõ ràng. Khi phát hiện ra thì tế bào ung thư đã lan rộng nên điều trị rất khó khăn. Thậm chí một khối u có thể chứa nhiều quần thể tế bào ung thư khác nhau, điều trị loại bỏ quần thể này chưa chắc xử lý được quần thể khác.
Bất chấp những thách thức trên, hoạt động nghiên cứu ung thư vẫn đạt tiến bộ và hàng loạt phương pháp điều trị mới đang được phát triển. Một trong số đó là sử dụng vi rút.
Dùng vi rút trị ung thư
Vi rút có thể được xem như “con ngựa thành Troy” với nhiều chiến thuật ngụy trang hoặc khả năng chiếm quyền điều khiển bộ máy tế bào để sinh sôi và lây lan trong cơ thể vật chủ - cho phép chúng lan truyền các loại bệnh mà khó bị phát hiện và tiêu diệt.
Giới khoa học muốn lợi dụng đặc điểm trên của vài vi rút cụ thể để điều trị bệnh, chẳng hạn thông qua vi rút đã chỉnh sửa đưa gien điều trị vào tế bào hoặc dùng vi rút oncolytic xử lý có chọn lọc tế bào ung thư.
Một số vi rút có thể can thiệp vào quá trình diễn biến của ung thư, ví dụ như vi rút viêm gan B (HBV) với ung thư gan hoặc vi rút u nhú ở người (HPV) với ung thư cổ tử cung, ung thư đầu cổ. HBV cùng HPV đã được dùng để tạo ra “vắc xin” ngừa ung thư nhưng chưa từng được chỉnh sửa để giúp điều trị các loại ung thư khác.
Đặc biệt có vi rút chỉ nhắm mục tiêu tế bào ung thư mà bỏ qua tế bào khỏe mạnh. Được gọi là vi rút oncolytic, nhận biết và sử dụng chúng có thể đem lại phương pháp điều trị vô cùng hiệu quả.
Tế bào ung thư thường bị suy giảm khả năng chống vi rút nên dễ nhiễm trùng. Vì vậy vi rút oncolytic có thể “làm nổ” tế bào, tiến hành tiêu diệt rồi giải phóng kháng nguyên ung thư kích thích phản ứng miễn dịch loại bỏ bất cứ khối u nào sót lại.
Năm 2015, Cơ quan quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt liệu pháp vi rút oncolytic điều trị ung thư đầu tiên mang tên T-VEC. Liệp pháp dùng vi rút Herpes (HSV) được chỉnh sửa.
Dùng vi rút oncolytic không phải không có tác dụng phụ. Tác dụng phụ của liệu pháp tùy thuộc loại vi rút, vị trí ung thư, loại ung thư, sức khỏe bệnh nhân. Với T-VEC thì tác dụng phụ tiềm năng là ớn lạnh, mệt mỏi, vài triệu chứng giống cúm, đau tại chỗ tiêm, buồn nôn, sốt.
Nhiều loại vi rút khác nhau đang được thử nghiệm, trong đó có vi rút adeno, vi rút Maraba, vi rút sởi, vi rút bệnh Newcastle, vi rút picorna, vi rút vaccinia, vi rút gây viêm miệng mụn nước…