Không có nơi nào trên thế giới mà sự kiện phóng thành công tên lửa Falcon Heavy của SpaceX vào ngày thứ Tư 7.2 vừa qua lại có tác động lớn đến mức như tại Nga.
Có một sự thật mà ít người biết đến trong ngày diễn ra sự kiện công nghệ đình đám nói trên, đó là: SpaceX và tỷ phú Elon Musk chỉ đơn giản là tiếp tục lĩnh vực mà ngành công nghiệp vũ trụ Nga đã từ bỏ, bao gồm sử dụng lại các tên lửa cũ, và giờ đây là phóng thành công loại tên lửa với 27 động cơ.
Trên thực tế, Liên Xô đã thử thực hiện một điều tương tự vào những năm 1960 và đầu thập niên 1970. Sergei Korolev, nhà thiết kế tên lửa đã phóng vệ tinh đầu tiên mang con người vào vũ trụ, bắt đầu phát triển mẫu N-1, là mẫu tên lửa loại nhẹ mang 30 động cơ có khả năng đưa trạm không gian 75 tấn lên quỹ đạo, thậm chí theo tính toán có thể lên tới Mặt trăng, sao Hỏa và sao Kim. Được hoàn thành sau cái chết của Korolev vào năm 1966, chiếc N-1 được thử nghiệm phóng tổng cộng 4 lần, và đều thất bại, chủ yếu là do gặp vấn đề khó khăn trong việc chạy quá nhiều động cơ cùng một lúc.
SpaceX vì thế chỉ thực hiện một nhiệm vụ tương tự ở thời điểm hiện tại, và vụ phóng thành công tên lửa Falcon Heavy đã cho phép người sáng lập SpaceX là Elon Musk sở hữu tên lửa có khả năng nhất thế giới: có thể đưa 64 tấn vào quỹ đạo. Tuy nhiên, Igor Komarov – người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Roskosmos, đã tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình không gian tương tự vào đầu năm 2028, nhưng kế hoạch thiết kế và sản xuất một loại tên lửa mới có khả năng bay lên Mặt trăng hoặc sao Hỏa có vẻ như vẫn chưa hoàn thành. Thậm chí, Trung Quốc có thể sẽ hoàn tất mẫu tên lửa của riêng mình trước cả Nga. Nhưng Roskosmos có lợi thế là được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ Nga, và sự kiện người Mỹ phóng thành công Falcon Heavy có thể sẽ khiến người Nga tăng tốc các dự án tương tự của mình.
Và quả thực, sự kiện SpaceX phóng thành công tên lửa Falcon Heavy có vẻ như đã khoét vào nỗi đau của không ít người Nga, trong đó có rất nhiều nhân vật quan trọng ở xứ sở bạch dương. Vitaly Egorov, phát ngôn viên của công ty Dauria Aerospace – nhà sản xuất vệ tinh Nga hợp tác với Roskosmos, đã đăng tải một status với giọng điệu khá cay đắng trên Facebook cá nhân:
“Thực tế là điều Elon Musk vừa làm chẳng có gì gọi là kỳ diệu cả. Korolev đã làm điều này, và cả Glushko nữa. Liên Xô đã làm điều đó trước đây, và giờ đây Nga cũng có thể làm được. Nhưng giờ đây chúng ta lại đang là những người đứng nhìn kẻ khác làm điều đó và nghĩ rằng đó gần như là chuyện viễn tưởng. Đã có rất nhiều người Nga hỏi tôi rằng liệu chúng ta có thể làm điều tương tự như SpaceX?”.
Trong status khá cay đắng của mình, Vitaly Egorov đã chỉ ra rằng, sự khác biệt lớn nhất giữa Elon Musk và người Nga trong việc phóng thành công tên lửa mang gần 30 động cơ là sự mơ mộng chứ không phải là về kỹ thuật. Động lực lớn nhất của Elon Musk trong việc tiếp cận lĩnh vực không gian và tên lửa không phải vì tiền, mà vì một giấc mơ dù luôn bị xem là khá hoang tưởng: biến sao Hỏa thành thuộc địa của loài người. Musk đã không ít lần công khai tuyên bố đó là động lực duy nhất của ông khi lập SpaceX.
Vấn đề lớn nhất của Nga và ngành hàng không vũ trụ của nước này là không có một người mơ mộng như vậy. Trên thực tế, Nga chỉ có một Dmitri Rogozin, phó thủ tướng phụ trách ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ, và cũng chính là người đã chỉ trích cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roskosmos sau vụ phóng thử tên lửa không thành công mới nhất vào tháng 11 năm ngoái, khi tên lửa Soyuz mang 18 động cơ đã bốc cháy. Rogozin sau đó đã buộc tội Roskosmos về thất bại này dù cơ quan này đã phủ nhận nguyên nhân là do tính toán sai lầm về kỹ thuật.
Không chỉ dừng lại ở đó, đã có khá nhiều cuộc điều tra hình sự nhắm vào ngành hàng không vũ trụ Nga về các cáo buộc đã rút ruột các thiết bị đắt tiền bằng những loại kém chất lượng giá rẻ hơn. Rõ ràng, với tình trạng ảm đạm từ tướng lẫn quân như vậy thì thật khó có thể kỳ vọng Nga có thể thực hiện một thành công được tiến hành bởi sự đam mê và mơ mộng như Elon Musk vừa thực hiện.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, chương trình không gian của Nga đã được gắn liền với yếu tố hiệu quả kinh tế và thị trường. Trên thực tế Nga luôn là nước dẫn đầu thế giới về việc tiến hành các dự án không gian đem lại lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, sự khéo léo và bền bỉ của SpaceX và thành công của nó trong việc giảm chi phí bằng cách sử dụng lại các tên lửa đã qua sử dụng đang đưa công ty này lên vị trí nắm giữ thị trường trong nhiều năm tới và thậm chí có thể sinh lời.
Falcon 9 chắc chắn là tên lửa phóng thành công nhất trên thế giới. Roskosmos trên thực tế đã thừa nhận mối đe dọa đến từ sự cạnh tranh của SpaceX, khi cơ quan này đang cố gắng giảm chi phí mỗi lần phóng tên lửa của mình khoảng 20% và tái sử dụng một số bộ phận của tên lửa đã qua sử dụng. Tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách khá xa để Roskosmos có thể đuổi kịp với SpaceX.
Không ít người Nga cảm thấy ghen tị với Elon Musk khi chỉ ra rằng vị tỷ phú công nghệ này đạt được thành công không chỉ nhờ sự mộng mơ như vẫn thường rêu rao, mà còn được hậu thuẫn bởi NASA về mặt công nghệ và hàng tỉ USD trợ cấp từ Chính phủ Mỹ. Nhưng trên thực tế thì ngành hàng không vũ trụ tại bất cứ quốc gia nào cũng nhận được hậu thuẫn từ phía chính phủ quốc gia đó, từ Mỹ cho đến Nga hay châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.
Nhưng hiếm có nơi nào đạt được thành công tương tự như Elon Musk và SpaceX. Status của Vitaly Egorov dù đầy cay đắng nhưng cũng đã chỉ ra được sự khác biệt, đó là sự mộng mơ. Rõ ràng là niềm đam mê khoa học viễn tưởng, đọc sách và đặc biệt là các loại sách khoa học đã tạo nên sự khác biệt lớn nhất của Elon Musk chứ không phải là những khoản tiền trợ cấp của chính phủ.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)