Công ty Điện lực Long An (PC Long An) cho biết, vào lúc 17h giờ 27 phút ngày 13.10.2024, thiết bị Drone của người dân sử dụng để xịt thuốc đã vướng vào dây dẫn khoảng trụ 146-147 của đường dây 174 Cai Lậy-171 Tan Thạnh. Sự cố gây mất điện đường dây 110kV 174 Cai Lậy – 171 Tân Thạnh và 2 trạm biến áp 110kV: Mộc Hóa và Vĩnh Hưng; gây gián đoạn cung cấp điện khoảng 76.000 khách hàng trên địa bàn các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và Thị xã Kiến Tường.
Ngay khi sự cố xảy ra, PC Long An đã lập tức triển khai công tác khắc phục, chuyển tải nguồn điện ngay trong đêm, đến 18 giờ 9 phút, PC Long An đã cấp điện trở lại cho đa số khách hàng bị ảnh hưởng trên địa bàn các huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng; đến 22 giờ 41 phút, cấp điện trở lại cho toàn bộ khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự cố.
Song song đó, PC Long An cũng đã phối hợp với công an địa phương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính người điều khiển thiết bị; đồng thời làm rõ nguyên nhân sự cố và giấy phép hoạt động bay của thiết bị Drone…
Cũng theo PC Long An, công tác đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cao áp luôn được đơn vị đặc biệt chú trọng. Công ty thường xuyên tổ chức làm việc, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân… nhằm hạn chế tối đa các sự cố ảnh hưởng đến lưới điện. Trong đó, hàng năm công ty đều chủ động làm việc với các chủ cơ sở có Drone để tuyên truyền, cảnh báo các hoạt động vi phạm đến hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Theo đó, trong năm 2024, công ty đã làm việc với 148/148 khách hàng có Drone (đạt tỷ lệ 100%) để cảnh báo về an toàn lưới điện cao áp khi sử dụng thiết bị bay.
Công ty cũng đã thực hiện tuyên truyền, cắm các biển cảnh báo Cấm Drone bay vào đường dây nhằm đảm bảo an toàn hành lang lưới điện. Cụ thể, đặt 115 biển cấm dọc đường dây 110kV với nội dung “Cấm drone bay vào đường dây”; làm việc với các chủ đất ruộng có đường dây 110kV đi qua để cảnh báo Drone khi thuê xịt thuốc, rải phân,…; xây dựng các tiểu phẩm liên quan đến an toàn điện để tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các đài phát thanh truyền hình huyện tuyên truyền Nghị định số14/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành luật Điện lực về An toàn điện, với tuần suất 8 lần/tuần; đồng thời công ty cũng báo cáo Ban chỉ đạo bảo vệ Hành lang an toàn lưới điện cao áp tỉnh Long An chỉ đạo tuyên truyền, kiểm tra, quản lý các Drone.
Cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi sử dụng Drone
Việc sử dụng Flycam/Drone là nhu cầu thực tế và thiết thực của nhiều cá nhân, tổ chức để ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên lưới điện do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) quản lý vận hành đã xảy ra 2 vụ sự cố lưới điện do sử dụng flycam/drone vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện.
Hiện nay, theo quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được quy định cụ thể tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28.03.2008 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 79/2011/NĐ-CP). Tại khoản 1, điều 3, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ quy định: “Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó". Theo đó, flycam/drone được xem như một thiết bị tàu bay không người lái.
Ngoài ra, khoản 12, điều 4 Nghị định 14/2014/NĐ-CP, cũng quy định: Không được điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của lưới điện cao áp nhỏ hơn 100m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.
Để đảm bảo an toàn cho người dân và an toàn lưới điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo điều 14, Nghị định 36/2008/NĐ-CP, cụ thể:
1. Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.
2. Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.
3. Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.
4. Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
5. Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.
6. Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.
7. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.