Cuối năm nhu cầu sử dụng các mặt hàng bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát… của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Đây cũng là dịp để các cơ sở sản xuất kinh doanh, các đối tượng buôn lậu tuồn những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái ra thị trường.
Hàng giả, hàng lậu về TP.HCM ngày càng nhiều
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, càng về cuối năm, thành phố càng xuất hiện nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên thị trường như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồng hồ, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm… Các loại hàng hóa này thường xuất hiện ở chợ truyền thống, trung tâm thương mại, vỉa hè với muôn hình vạn trạng.
Đặc biệt, thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, phương thức hoạt động luôn thay đổi gây nhiều khó khăn cho việc kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng. Cụ thể, trong những năm gần đây xuất hiện thêm hình thức “thương mại điện tử, kinh doanh online, live stream bán hàng...”. Đó là với các trang web bán hàng lớn, còn có các trang web, trang cá nhân như Facebook hay Zalo… thì người bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng mà không đăng ký với cơ quan chức năng.
Chính quyền TP.HCM đã nhiều lần chỉ đạo các lực lượng chức năng như Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Công an, bộ đội biên phòng cùng các quận huyện, sở ngành có liên quan tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tuy nhiên, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Số liệu của Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho thấy, năm 2019, cơ quan này đã tổ chức kiểm tra chuyên ngành 7.432 vụ cùng với hơn 75.000 vụ kiểm tra liên ngành. Trong đó, có 4.786 vụ vi phạm (tăng 46,58%). Tổng trị giá hàng hóatiêu hủy hơn 46 tỉ đồng, số tiền phạt nộp ngân sách gần 114 tỉ đồng, chuyển cơ quan điều tra 18 vụ.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã xử lý 76 vụ gian lận thương mại điện tử. Các hàng hoá gian lận thương mại, hàng nhái, điển hình là các mặt hàng thời trang, giày dép, túi xách, đồng hồ, quần áo, mắt kính, mỹ phẩm, bột ngọt…
Tương tự, tính đến ngày 31.10, Cục Hải quan TP.HCM cũng đã phát hiện và ngăn chặn 1.149 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, trị giá hàng vi phạm 1.513 tỉ đồng, tăng hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2018 (491,7 tỉ đồng).
Tăng cường chống hàng giảdịp Tết
Trước tình trạng gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn biến rất phức tạp vào dịp tết, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có chỉ đạo về triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Âm lịch năm 2020.
Theo đó, ông Tuyến yêu cầu các sở ngành, quận huyện tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (Ban chỉ đạo 389), UBND TP.HCM về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan này phải xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; kiên quyết không cho phép có “vùng cấm” trong công tác này.
Lãnh đạo TP.HCM còn yêu cầu tăng cường điều tra, xử lý, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra để phát hiện, phòng ngừa vi phạm; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trên địa bàn từng quận huyện, chủ tịch UBND quận huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo kiên quyết, không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa. Việc này nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và ngăn các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả.
Trong đó, chú ý các nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Âm lịchnhư vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, tài liệu phản động, động vật hoang dã… Nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán như hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, thực phẩm, rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, nguy hiểm, xăng dầu, gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống…cũng cần được lưu ý.
Ngoài ra, tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp với các lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không để kịp thời phát hiện các hành vi vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển về nội địa Việt Nam.
Phan Diệu