Sau khi giá điện chính thức tăng 8,36% vào ngày 20.3 vừa qua, vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay là mỗi gia đình sẽ phải trả thêm khoảng bao nhiêu tiền với mức tăng này?
Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) mới đây cho biết đối với khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt thì căn cứ Khoản 3 Điều 3 Thông tư 16/2014/TT-BCT ngày 29.5.2014 quy định về giá bán điện: Bên bán điện sẽ thực hiện chốt chỉ số của toàn bộ công tơ đang vận hành trên lưới, trừ công tơ bán lẻ điện sinh hoạt.
Công ty điện lực thực hiện chốt chỉ số công tơ vào ngày 20.3.2019. Cụ thể, chốt chỉ số công tơ đo đếm điện với tất cả khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt, thông báo chỉ số chốt đến khách hàng trong vòng 24 giờ.
Với khách hàng đã lắp công tơ thu nhập dữ liệu từ xa, công ty điện lực thực hiện chốt chỉ số vào 0 giờ ngày 20.3.2019. Trường hợp đã lắp công tơ thu thập dữ liệu từ xa nhưng không lấy được dữ liệu chỉ số vào 0 giờ để chốt thì căn cứ vào dữ liệu lấy được gần nhất sau 0 giờ của ngày 20.3.2019 để chốt chỉ số đổi giá. Đối với khách hàng mua điện sinh hoạt thì bên bán điện không thực hiện chốt chỉ số công tơ.
Về phương pháp tính hóa đơn tiền điện trong tháng tăng giá điện, EVN Hà Nội cho biết đối với khách hàng mua điện ngoài mục đích sinh hoạt, việc tính toán tiền điện trong tháng đổi giá của các khách hàng căn cứ vào chỉ số công tơ và mức giá quy định của Nhà nước.
Còn đối với khách hàng mua điện sinh hoạt, hóa đơn điện sẽ được tính theo giá cũ và mới trên số ngày dùng điện thực tế. Với cách tính này, ví dụ hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình từ ngày 13.3. đến ngày 12.4 là 520 kWh. Trong đó, thời gian dùng điện tính theo giá cũ từ ngày 13.3 đến hết ngày 19.3 là 7 ngày.
Thời gian dùng điện theo giá mới tính từ ngày 20.3 đến ngày 12.4 là 24 ngày. Như vậy sản lượng điện tính theo giá cũ: (520 kWh/31 ngày) * 7 ngày = 117 kWh. Còn lại, sản lượng điện tính theo giá mới là 403 kWh.
Với từng bậc thang và đơn giá điện cũ, số tiền điện phải trả của 7 ngày giá điện cũ là 261.564 đồng. Với định mức cho đơn giá mới, số tiền khách hàng phải trả là 976.774 đồng.
Tổng cộng số tiền điện phải trả tháng 4 là 1.238.338 đồng (chưa gồm thuế VAT 10%). Và số tiền điện sau thuế là 1.362.172 đồng. Theo đó, số tiền điện tháng 4 sẽ phải trả thêm 83.015 đồng so với khi giá điện cũ.
Trong khi đó, trả lời báo chí ngày 20.3, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, với việc điều chỉnh tăng thêm 8,36%, khách hàng là hộ gia đình sử dụng dưới 50kWh sẽ phải trả thêm khoảng 7.000 đồng; khách hàng sử dụng 50-100kWh sẽ phải trả thêm khoảng 14.000 đồng; từ 100-200kWh phải trả thêm 31.000 đồng; 200-300kWh phải trả thêm trung bình khoảng 53.000 đồng.
"Tuy nhiên, có một đặc điểm là khách hàng sử dụng điện ở mức thấp chiếm tỷ lệ rất cao. Thống kê cho thấy, sơ bộ trong khoảng 25 triệu khách hàng sinh hoạt trong đó dưới 100kWh vẫn chiếm đa số (chiếm 35,6%), trong khi lượng dùng trên 300 kWh/tháng chỉ chiếm 15% và trên 400 kWh/tháng chỉ 7,9%", ông Tuấn cho biết.
Cùng với đó, đối với các hộ dùng điện nhiều cho kinh doanh, bình quân mỗi khách hàng phải trả thêm 500.000 đồng/khách hàng.
Về tác động tới hộ sản xuất, hiện cả nước có khoảng 1,413 triệu hộ sản xuất, mỗi hộ trả bình quân tiền điện hàng tháng là 12,9 triệu đồng, mức tăng thêm vào khoảng 869.000 đồng/khách hàng sản xuất.
Tuyết Nhung