Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng tiếp tục duy trì đã giảm nhẹ. So với biến động mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước vẫn duy trì được độ ổn định và cao hơn vàng thế giới cả triệu đồng/lượng.
Lúc 11 giờ ngày 8.6, giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 48,35 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,6 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường TP.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 48,28 triệu đồng/lượng và 48,65 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.
Giá các sản phẩm vàng 999,9 của các doanh nghiệp lớn cũng không có nhiều biến động so với cuối tuần trước. Nhẫn tròn Phú Quý của Tập đoàn Phú Quý có giá mua vào là 47 triệu đồng/lượng và bán ra là 47,8 triệu đồng/lượng. Nhẫn tròn của Bảo Tín Minh Châu có giá tương ứng lần lượt là 47,18 triệu đồng/lượng và 47,78 triệu đồng/lượng.
So với chốt phiên cuối tuần trước, giá vàng miếng đang giảm nhẹ. Tuy nhiên, so với biến động mạnh của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước vẫn duy trì được độ ổn định và cao hơn vàng thế giới 1 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng từ mức 1.684 USD/ounce giảm mạnh xuống 1.677 USD/ounce rồi sau đó tăng lên 1.689 USD/ounce, tăng 4,8 USD/ounce so với giá cuối tuần qua.
Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX đã giảm 44,4 USD/ounce, tương đương giảm 2,6%, còn 1.683 USD/ounce. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của kim loại quý này kể từ đầu tháng 4, theo số liệu của trang MarketWatch. Tính cả tuần, giá vàng giảm 3,9% và mốc chủ chốt 1.700 USD/ounce cũng không giữ được.
“Thủ phạm” gây ra phiên giảm mạnh này của giá vàng thế giới là số liệu việc làm tốt hơn dự báo của Mỹ. Thông tin lạc quan gây bất ngờ đã đưa thị trường chứng khoán phố Wall tăng điểm bùng nổ, với chỉ số S&P 500 tăng hơn 2,6%. Điều này khiến những tài sản an toàn như vàng rớt giá mạnh.
Mặc dù vậy, trong tuần này, các chuyên gia vẫn đưa ra quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng. Một số chuyên gia có cuộc trò chuyện với trang Kitco News cho rằng tâm lý lạc quan vừa xuất hiện trên thị trường có thể đã đi quá xa mức cho phép, bởi những vấn đề kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra vẫn còn đó.
“Chúng tôi cho rằng việc làm sẽ tiếp tục tăng trong những tháng sắp tới, nhưng sự cần thiết của giãn cách xã hội chưa biết đến bao giờ mới kết thúc sẽ còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến một số ngành kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ còn ở mức cao trong vài năm nữa”, chuyên gia kinh tế cấp cao Michael Pearce của Capital Economics nhận xét.
Ông George Gero, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản RBC Wealth Management dự báo tâm điểm chú ý của giới đầu tư trong tuần tới sẽ quay trở lại với những yếu tố cơ bản: “Dù kinh tế toàn cầu dần hồi phục, nhưng tin tức chính trị ở Mỹ trong bối cảnh bầu cử đến gần, lo ngại về tình hình Trung Đông, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và những vấn đề khác có thể sẽ hỗ trợ giá vàng tăng trong những tuần sắp tới”.
Ngoài ra, việc lạm phát gia tăng do các nỗ lực kích cầu kinh tế có thể đẩy giá vàng tăng mạnh. Ông Melek cho rằng nếu lạm phát toàn cầu leo thang, giá vàng có thể đạt 2.000 USD/ounce trong năm 2021. Chiến lược gia này dự báo giá vàng sẽ hồi phục trong tuần này, với quan điểm rằng đợt giảm giá tuần trước mở ra cơ hội tốt để mua vào.
Với quan điểm tương tự, chuyên gia về kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins nhận định đã có thêm dư địa cho vàng tăng giá. “Tất cả những yếu tố nền tảng hỗ trợ cho giá vàng đều vẫn còn đó. Một trong những yếu tố cần theo dõi là liệu có xảy ra một làn sóng dịch bệnh thứ hai”, vị chuyên gia nói và dự đoán nếu giá vàng tái lập được mốc 1.700 USD/ounce thì đó sẽ là tín hiệu tăng giá mạnh.
Trong tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) với tuyên bố lãi suất dự kiến và tiếp đó là cuộc họp báo của Chủ tịch FED Jerome Powell. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, FED sẽ duy trì lãi suất cơ bản đồng USD ở mức gần 0%, nhưng thị trường muốn biết FED đánh giá ra sao về sức khỏe nền kinh tế Mỹ.
Phan Diệu