Lãi suất trên liên ngân hàng đã giảm từ 1,7-1,8% chỉ trong tháng 5, đưa lãi suất về vùng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Lãi suất liên ngân hàng về sát mức 0%, chạm đáy 4 năm

01/06/2020, 21:09

Lãi suất trên liên ngân hàng đã giảm từ 1,7-1,8% chỉ trong tháng 5, đưa lãi suất về vùng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu - Ảnh: Internet

Theo thống kê của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 11.000 tỉ đồng trên thị trường mở thông qua 10.998 tỉ đồng tín phiếu đến hạn và 2 tỉ đồng mua kỳ hạn. Thanh khoản trên liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất gần như đi ngang ở vùng thấp, chốt tuần ở mức 0,49%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,75%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Đáng chú ý, trong ngày 28.5, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm, về sát mức 0%/năm. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm còn 0,28%/năm, 1 tuần còn 0,63%/năm, 2 tuần còn 0,69%/năm, 1 tháng 1,28%/năm, 3 tháng 2,84%/năm, 6 tháng 4,55%/năm…

Như vậy, lãi suất trên liên ngân hàng đã giảm từ 1,7-1,8% chỉ trong tháng 5, đưa lãi suất về vùng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

SSI Retail Research cho biết thanh khoản các ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ 100.000 tỉ đồng tín phiếu đáo hạn. Giá trị tín phiếu lưu hành tại cuối tháng 5 đã thu hẹp về mức 27.000 tỉ đồng và sẽ đáo hạn gần hết (25.000 tỉ đồng) trong tuần này. Lượng tiền bơm ra khi trái phiếu đáo hạn dự kiến sẽ giúp lãi suất trên liên ngân hàng duy trì được ở mức thấp.

Bên cạnh xu hướng giảm sâu của lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn cũng được điều chỉnh giảm từ 0,3-0,5% ở các kỳ hạn 12, 13 tháng và giảm tiếp 0,3-0,5% ở các kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng.

Tính chung từ đầu năm đến nay, các ngân hàng lớn đã giảm lãi suất tiền gửi tổng cộng 0,6-0,75% với kỳ hạn dưới 12 tháng (về mức 4-5,5%/năm) và giảm từ 0,65-1% ở các kỳ hạn 12, 13 tháng, về mức 5,7-6,2%/năm. Trong khi đó, tại các ngân hàng có thị phần nhỏ, mức giảm này khiêm tốn hơn là 0,2-0,4% kéo chênh lệch lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng nới rộng lên mức 1-1,8%.

SSI đánh giá các ngân hàng nhỏ dù có ưu thế về lãi suất nhưng đều bị khống chế mức tăng trưởng tín dụng, khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế. Nhóm này có thể cũng sẽ điều chỉnh giảm tiếp lãi suất trong thời gian tới.

Về tỷ giá, tuần qua, tỷ giá VND/USD không đổi trên ngân hàng và tăng nhẹ trên thị trường tự do. Cụ thể, tỷ giá giao dịch vẫn giữ nguyên ở mức 23.160-23.370 đồng/USD trên ngân hàng và nhích tăng 20 đồng/USD trên tự do, lên mức 23.290-23.320 đồng/USD. Như vậy, VND đã tăng giá khoảng 0,6% so với USD trong cả tháng 5, ghi nhận 2 tháng liền hồi phục mạnh, lấy lại gần như toàn bộ phần giá trị đã mất trong đợt sóng tháng 3.

Tính từ đầu năm đến nay, VND chỉ mất giá so với USD (-0,47%) và JPY (-1,34%) nhưng tăng giá so với CNY (1,97%), KWR (5,78%), GBP (6,35%), EUR (0,51%).

Lãi suất liên ngân hàng bằng VND giảm trong bối cảnh lãi suất bằng đồng đô la Mỹ cũng đang giảm mạnh. Chênh lệch lãi suất USD và VND trên liên ngân hàng hiện ở mức rất thấp (0,4%/năm). Do đó, bộ phận phân tích của SSI cho rằng diễn biến quốc tế phức tạp có thể tạo áp lực nhất định lên tỷ giá.

Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế đang khôi phục sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh khiến tâm lý trong nước tích cực, cung cầu ngoại tệ ổn định sẽ là những yếu tố giữ tỷ giá VND/USD vẫn dao động ở vùng hiện tại.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
8 giờ trước Sự kiện
Ngày 14.10, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí ra Tuyên bố chung, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất liên ngân hàng về sát mức 0%, chạm đáy 4 năm