Dù ít nhiều chịu ảnh hưởng của việc nới biên độ tỷ giá nhưng với đà giảm giá trên thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước vẫn có điều kiện để giảm vào kỳ điều hành ngày 19.8 tới đây
Tuần qua, biên độ tỷ giá VNĐ/USD vừa được nới thêm 1%, tương ứng với mức tăng 250 đồng so với trước đây khiến giá nhập khẩu xăng dầu tăng theo.
Tỷ giá ít tác động
Đại diện một doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối phía nam cho biết với động thái nới biên độ tỷ giá, giá nhập khẩu xăng dầu sẽ tăng theo đà yếu đi của đồng tiền nội địa. Nhưng đó chỉ là về mặt lý thuyết. Còn trên thực tế, hoạt động giao dịch mua bán xăng dầu trước nay hoàn toàn dựa vào giá USD ngoài thị trường. Do đó, có khả năng xăng dầu được mua vào với giá USD không tăng hết biên độ cho phép. Tuy nhiên, một thành phần khác trong cơ cấu giá xăng dầu sẽ chịu ảnh hưởng không thể tránh khỏi chính là thuế nhập khẩu. Bởi, theo quy định, thuế nhập khẩu xăng dầu phải nộp theo tỉ giá liên ngân hàng được niêm yết, gây ảnh hưởng đến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo tính toán.
Nên bỏ quỹ bình ổn xăng dầu
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới có thể khẳng định kỳ điều hành tới đây, giá xăng dầu trong nước chắc chắn giảm. Tuy nhiên, mức giảm có thể không lớn vì còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố về chính sách và vĩ mô. Ông khuyến nghị cơ quan quản lý không nên cứng nhắc tiếp tục trích quỹ bình ổn giá khi giá thế giới giảm mà cần linh hoạt để hạ giá xăng dầu, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng cần xem xét bãi bỏ quỹ bình ổn xăng dầu bởi công cụ này thiếu hiệu năng và dễ bị lạm dụng.
Giá trong nước mơ hồ
Chốt phiên giao dịch ngày 13.8, giá dầu WTI giao tháng 9 trên thị trường quốc tế giảm 1,07 USD, tương đương với 2,5%, xuống 42,23 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 3.3.2009. Giá dầu Brent giao tháng 9 cũng giảm 44 cent, tương đương 0,9%, xuống 49,22 USD/thùng. Tại Singapore, thị trường tham chiếu của Việt Nam, giá xăng RON 92 ngày 13.8 là 66,26 USD/thùng, giảm so với mức 67,39 USD/thùng ngày 6.8 và 66,86 USD/thùng ngày 11.8. Giới chuyên gia nhận định với diễn biến như trên, giá xăng dầu bán lẻ trong nước sẽ có cơ hội được giảm giá lần thứ 4 liên tiếp kể từ kỳ điều hành ngày 4.7.
Tuy nhiên, để có mức giảm giá sâu như kỳ điều hành ngày 4-8 với trên 800 đồng/lít xăng RON 92 hay thậm chí giảm đến 1.900 đồng/lít như hồi đầu năm là không hề dễ xảy ra bởi lẽ giá xăng vẫn tiếp tục phải gánh quá nhiều thuế, phí, chi phí. Chưa kể, với lý do giá xăng dầu nhập khẩu đang giảm và quỹ bình ổn giá bị hao hụt lớn trong các kỳ điều hành đầu năm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không dừng trích lập quỹ với tất cả các mặt hàng ở mức 300 đồng/lít.
Trước thắc mắc về việc chi phí định mức với mặt hàng xăng chỉ được quy định là 1.050 đồng/lít, tại sao DN có thể chiết khấu mạnh tay đến thế, đại diện DN nói trên giải thích: “Thực tế, DN có chi phí định mức là 1.050 đồng/lít, lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Mức này được cố định trong giá xăng, nếu DN chi vượt thì phải chịu lỗ. Nhưng trong trường hợp giá xăng giảm liên tiếp thì càng nhập càng có lãi nên DN tăng chiết khấu để kích thích tiêu thụ. Như vậy, mặc dù chiết khấu cao làm tăng chi phí nhưng lại có phần lãi từ doanh thu cao và chênh lệch giá đem lại”.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính vì phần chi phí và lợi nhuận định mức quy định cố định trong giá xăng cao nên các DN có điều kiện để tận dụng linh hoạt nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho mình. “Nếu các chi phí này thấp thì chắc chắn DN dù có muốn quay vòng nhanh cũng chỉ dám chiết khấu đến vài trăm đồng mỗi lít. Thực ra, trước kia chỉ cần chiết khấu dưới 500 đồng/lít là đại lý đã sống khỏe, còn chiết khấu trên 600 đồng/lít là khá cao rồi!” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận xét. Trong khi đó, đối tượng phải gánh chịu các khoản chi phí cố định này chính là người tiêu dùng bởi nó khiến giá cơ sở không bao giờ thấp tương ứng với diễn biến thị trường. Như thế, dù giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá bán trong nước luôn luôn mơ hồ đối với giới dự báo thị trường.
Theo Người lao Động