Liên hoan phim (LHP) Ý tại Việt Nam diễn ra từ cuối tháng 9 kéo dài đến đầu tháng 10.2024 tại Hà Nội, TP.HCM. LHP được tổ chức bởi Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Lãnh sự Ý tại TP.HCM, Hiệp hội Cineforum Robert Bresson, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Ý nhằm kết nối và trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Ý.
Nhân dịp này, phóng viên có buổi trò chuyện với ông Antonio Termenini, Giám tuyển kiêm Giám đốc nghệ thuật LHP Ý tại Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác.
- Thưa ông, nếu nhìn nhận khách quan thì đến nay phim ảnh Ý nói chung và LHP Ý tại Việt Nam nói riêng vẫn chưa được lan tỏa rộng đến công chúng Việt. Ông có thể chia sẻ đôi nét về hoạt động này?
Ông Antonio Termenini: Chúng tôi đã tổ chức LHP Ý tại Hà Nội 7 lần và tại TP.HCM đến nay là lần thứ 3. Nhìn chung sự kiện đạt được thành công nhất định. Nhiều anh chị em nghệ sĩ Việt cùng các bạn trẻ đã đến thưởng thức phim Ý và phản hồi cảm xúc cũng như nhận xét của họ với chúng tôi. Qua từng năm mức độ quan tâm có tăng lên, vì vậy, Chính phủ Ý muốn đẩy mạnh mối quan hệ giữa hai nước với sự nâng cấp về hiểu biết văn hóa thông qua sự kiện này.
Xin ông cho biết chất lượng những bộ phim Ý được chiếu trong kỳ LHP lần này thế nào?
- LHP Ý 2024 giới thiệu 6 bộ phim mới nhất và nổi tiếng nhất của các nhà làm phim Ý, từ phim chính kịch đến phim hài. Những bộ phim được chọn, đã giành được nhiều giải thưởng danh giá tại châu Âu và trên toàn thế giới, đại diện cho những sắc màu tinh túy của Ý. Thông qua những bối cảnh từ thực tế đến mơ ước, từ hài hước đến tuyệt vọng, họ mang đến cái nhìn sâu sắc về xã hội Ý hiện đại đa diện, đề cập đến các chủ đề chính trị, kinh tế và xã hội như di cư và điều kiện làm việc. Tất cả các phim đều có phụ đề bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Ngoài ra, tại Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM, Tổng lãnh sự quán Ý tại TP.HCM phối hợp với trường sẽ tổ chức một workshop về chủ đề "Xu hướng làm phim của điện ảnh Ý đương đại" với sự tham gia của tôi, cùng với các khách mời khác. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ của LHP Ý 2024 tại TP.HCM, Ban tổ chức còn phát động cuộc thi bình luận phim Ý dành cho tất cả khán giả tới xem phim để có các góc nhìn và đánh giá khách quan về các bộ phim được chiếu trong LHP năm nay với những giải thưởng hấp dẫn.
Được biết ông là Giám đốc nghệ thuật kiêm Giám tuyển LHP châu Á tại Roma, xin ông cho biết vì sao ông yêu thích phim châu Á? Ông đã chọn bao nhiêu phim ở khu vực này cho sự kiện này suốt thời gian qua?
- Tôi không chỉ thích phim ảnh Á châu mà còn thích ẩm thực, phong cách sống, phong tục tập quán và muôn mặt văn hóa của châu Á. Tính đến nay, tôi đã mang đến LHP Á Châu tại Roma tầm 200 phim của 10 quốc gia ở châu lục của các bạn.
Xin ông cho biết những bộ phim Việt Nam nào để lại ấn tượng với ông?
- Tôi đã xem và thích nhiều phim Việt Nam từ trước, gần đây, các bộ phim để lại cảm xúc rất tốt cho tôi có thể kể gồm: Ròm, Người vợ thứ ba, Bên trong tổ kén vàng, Cu Lì không bao giờ khóc… Tôi rất trân trọng nỗ lực của các nhà sản xuất, các nhà làm phim tài năng trẻ Việt Nam và khu vực. Tôi nghĩ các bạn sẽ còn tiến bộ và phát triển hơn trong tương lai.
Ông định nghĩa thế nào về khái niệm điện ảnh?
- Phim ảnh là trải nghiệm độc đáo, nơi mà ở đó bạn thấy và trân trọng từng phần khác biệt.
Ngoài vai trò là Giám đốc nghệ thuật LHP châu Á tại Rome, ông còn đảm trách công việc gì khác, thưa ông?
- Nhiệm vụ của tôi là thúc đẩy sự quảng bá phim ảnh Ý ra nước ngoài. Bên cạnh đó, tôi sở hữu một công ty sản xuất ở Ý tên là Elephan Picture.
Có người cho rằng có sự tương đồng trong quan niệm truyền thống gia đình và nghệ thuật giữa Ý và Việt Nam, ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi nghĩ là điểm tương đồng ấy không nhiều vì sau thập niên 70 (thế kỷ 20) xã hội Ý đã thay đổi nhanh chóng. Theo quan sát của tôi, nó khác biệt rất nhiều với xã hội Việt.
Sau LHP Ý 2024 tại Việt Nam, ông có kế hoạch gì khác tại Việt Nam không, thưa ông?
- Kết thúc LHP tôi về Ý nghỉ ngơi và chuẩn bị cho các hoạt động khác.
Cảm ơn ông về những chia sẻ!