Ngày 24.3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết nhiệm vụ giáo dục đào tạo ở Tây Nguyên có nhiều khó khăn và thử thách nhưng cũng cần phải cố gắng để theo kịp các tỉnh thành khác.

Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên phải từng bước khắc phục khó khăn

Dạ Thảo | 24/03/2023, 21:51

Ngày 24.3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết nhiệm vụ giáo dục đào tạo ở Tây Nguyên có nhiều khó khăn và thử thách nhưng cũng cần phải cố gắng để theo kịp các tỉnh thành khác.

Các tỉnh Tây Nguyên cần đầu tư trước mắt về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo

Tại Hội nghị phát triển giáo dục vùng Tây Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định việc phát triển giáo dục ở đây khá khó khăn nên cần từng bước thay đổi với kế hoạch lâu dài, nhưng sự thay đổi đó cần sự cố gắng từng ngày của các giáo viên nơi đây. Theo Bộ trưởng, mỗi vùng đều có những vấn đề riêng và đặc thù, tuy có nhiều tiềm năng phát triển về kinh tế chưa được khai thác hết nhưng việc giáo dục cũng cần phải chú trọng nhiều hơn. Tây Nguyên là khu vực đặc thù, đa dạng văn hóa; chính vì vậy nếu giáo dục nơi đây gặp khó khăn gì thì cần kiến nghị ngay để giải quyết vướng mắc, điều chỉnh.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục vùng Tây Nguyên còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước. Hầu hết các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục của vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học tuy tăng những vẫn còn thấp so với cả nước. Đây là rào cản trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, hiện nay chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được thực hiện nhưng không cần quá nóng vội vì chương trình nào cũng cần có một thời gian nhất định. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với tính mở cao, quyền chủ động cho các địa phương, trường học, cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh… như: tự lựa chọn SGK, tài liệu giáo dục địa phương… Việc triển khai có một số thời điểm cần tập trung cao độ về chỉ đạo, cơ sở vật chất…

Trong giai đoạn 2023-2024, 6 lớp bước vào chương trình mới, thay SGK - nên việc đầu tư phải cần tính toán để đúng thời điểm nhằm phát triển một cách tốt nhất. Hiện nay khu vực Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, nếu muốn phát triển kinh tế - xã hội thì nhân lực hết sức quan trọng; mong rằng bằng những giải pháp tổng thể các cơ quan, ban ngành, địa phương sẽ cố gắng, từng bước thực hiện thắng lợi giáo dục.

sinh-vien-tu-van.jpg
Giáo dục Tây Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tiệm cận chung với giáo dục cả nước

Với đặc điểm của một vùng nhiều khó khăn, Tây Nguyên đang phải thực thi nhiệm vụ nặng nề hơn so với các vùng khác. Trong thời gian tới, các địa phương vùng Tây Nguyên cần tích cực hơn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo. Vừa phải giải quyết yêu cầu khó theo kịp các vùng khác nhưng lại phải thực hiện đổi mới như mọi vùng, cùng với đó là làm nhiệm vụ với đồng bào dân tộc. "Cộng lại nếu vùng khác cố gắng 1, chúng ta cố gắng 2-3. Đây là đặc điểm của sự nghiệp giáo dục Tây Nguyên và là thách thức nặng nề", Bộ trưởng trao đổi.

"Đối với quốc gia, phát triển giáo dục và đào tạo là giải pháp đột phá để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, để phát triển kinh tế - xã hội nhân lực càng là giải pháp quan trọng để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Mong rằng bằng giải pháp tổng thể, Tây Nguyên sẽ từng bước thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giáo dục. Bộ GD-ĐT và các địa phương sẽ cùng cố gắng cho sự phát triển chung của giáo dục và giáo dục Tây Nguyên" - Bộ trưởng khẳng định.

Thiếu giáo viên nhưng lại khó tuyển dụng

Tại các tỉnh vùng núi Tây Nguyên, mặc dù còn nhiều khó khăn do đời sống kinh tế, dân số đông đồng bào dân tộc thiểu số nhưng ở mỗi địa phương đã có những thay đổi về giáo dục và đào tạo, góp phần vào phát triển chung của địa phương.

Công tác GD-ĐT ở Tây Nguyên còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, xuống cấp và quá tải, học sinh phải học 2 ca, học nhờ, học tạm, thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học. Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng làm tăng thêm áp lực thiếu giáo viên.

Hơn nữa, tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, đặc biệt chất lượng dạy môn tiếng dân tộc thiểu số chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu về chất lượng, không đáp ứng được sự phát triển chung.  Tuy nhiên, điều khó khăn nhất đó chính là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở chính các tỉnh Tây Nguyên. Vì hiện nay Tây Nguyên đất đai còn rộng và do dân di cư tự do ở các tỉnh còn cao. Chính vì thế, chỉ tính riêng ở tỉnh Đắk Nông mỗi năm tăng thêm 35.000 học sinh, việc di dân và giáo viên đã thiếu lại càng thiếu hơn. Hơn nữa, về cơ sở vật chất cũng như đãi ngộ quá thấp, áp lực ngày càng cao khiến nhiều giáo viên không muốn đến các tỉnh thành vùng núi để dạy. 

Chia sẻ về khó khăn chung là hiện nay rất khó để tuyển giáo viên tới các tỉnh vùng núi, đặc biệt là các tỉnh vùng núi Tây Nguyên, Chủ nhiệm ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh cho biết hiện nay việc cắt giảm biên chế 10% của ngành giáo dục thực hiện cũng một phần gây khó khăn cho các tỉnh thành này. Vì hiện nay các địa phương vùng núi, vùng sâu, vùng xa đang thiếu giáo viên trầm trọng, mà lại tiếp tục cắt giảm biên chế nữa thì lại càng thiếu hơn.

Trả lời về những khó khăn này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, cho biết ở đâu có học trò, ở đó phải có trường lớp, giáo viên. Tuy nhiên, việc giảm người hưởng lương ngân sách là chính sách chung, đúng đắn của trung ương cũng như của ngành giáo dục.  "Bộ ủng hộ việc phải đủ cả về số lượng và chất lượng cho giáo dục. Việc đề xuất thêm chỉ tiêu biên chế lên Chính phủ, các địa phương cũng cần cân nhắc kỹ và kiến nghị cho phù hợp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Giáo dục Tây Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2030 các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng Tây Nguyên tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước. Đến năm 2045, phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tiệm cận với các vùng khác trên cả nước và từng bước tiệm cận với nền giáo dục trong khu vực. Hội nghị ghi nhận ý kiến thảo luận của lãnh đạo 5 tỉnh vùng Tây Nguyên và đại diện một số trường đại học đóng trên địa bàn vùng. Các ý kiến của địa phương tập trung chia sẻ những nỗ lực và kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thời gian qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn do đời sống kinh tế, do đông đồng bào dân tộc thiểu số, song mỗi địa phương bằng những chính sách, cách làm phù hợp thực tiễn đã tạo ra những thay đổi về giáo dục và đào tạo, góp phần vào phát triển chung của địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên phải từng bước khắc phục khó khăn