Ngày 19.3, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, các học sinh đã được tư vấn và hướng dẫn cụ thể về các phương thức trong kỳ tuyển sinh năm 2023 của Bộ GD-ĐT.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ nghiêng về các câu hỏi nhận biết

Dạ Thảo | 19/03/2023, 23:59

Ngày 19.3, tại ĐH Bách khoa Hà Nội, các học sinh đã được tư vấn và hướng dẫn cụ thể về các phương thức trong kỳ tuyển sinh năm 2023 của Bộ GD-ĐT.

75% các câu hỏi sẽ có ở kiến thức khối 12

Chia sẻ ngay tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2023 tại trường ĐH Bách khoa, PGS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết năm 2023 do không có ảnh hưởng bởi dịch bệnh bên Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh lại khung thời gian thi tốt nghiệp THPT.

Điều được các học sinh quan tâm nhất đó chính là dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được đưa ra theo hướng nào. Trả lời câu hỏi này, ông Chương cho biết 75% đề thi sẽ nghiêng về câu hỏi nhận biết và thông hiểu, có nghĩa các em nếu học kỹ, học tốt kiến thức cơ bản ở bậc THPT, đặc biệt ở khối 12 có thể làm tốt được phần này. Đây cũng là cơ sở tốt nhất cho việc đánh giá kết quả và xét tốt nghiệp THPT. 25% còn lại của đề thi là câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao.

"Chỉ còn gần 4 tháng nữa là các em sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời mình nên các em cần ôn tập kỹ lưỡng, không nên quá lo lắng, vội vàng ảnh hưởng tới kết quả của kỳ thi. Và sau khi thi xong, khung thời gian từ ngày 17-19.7 Bộ GD-ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp để các em lựa chọn được nguyện vọng vào các trường ĐH của mình". 

Đưa ra lời khuyên về việc các học sinh đăng ký quá nhiều kỳ thi riêng tại các trường ĐH để thử sức với bản thân, ông Chương cho biết việc tham dự các kỳ thi riêng tại các trường ĐH vốn dĩ là để tăng thêm cơ hội trúng tuyển cho các thí sinh. Tuy nhiên, ông Chương khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT chính là có sự đồng nhất và đánh giá chung tốt nhất.

“Chúng tôi cho rằng các em vẫn nên tập trung tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, các em có thể cân nhắc sử dụng một trong những kết quả kỳ thi khác để hướng đến ngành nghề chúng ta mong muốn. Các em không cần tham dự quá nhiều kỳ thi riêng tại các trường ĐH bởi lẽ các trường ĐH, CĐ trên cả nước đều dành một chỉ tiêu nhất định để xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT" - ông Chương cho hay. 

Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường xét tuyển ít phương thức, làm gọn nhẹ hơn để giúp thí sinh tránh nhầm lẫn. Bên cạnh đó, khi lựa chọn nguyện vọng các em luôn nhớ ưu tiên nguyện vọng, cần chú ý sắp xếp những nguyện vọng mà thí sinh cảm thấy phù hợp nhất lên cao, bởi dù các em có rất nhiều lựa chọn, không giới hạn nguyện vọng nhưng sẽ chỉ đỗ 1 nguyện vọng cao nhất. Đặc biệt, các em thí sinh cần cân nhắc từng nguyện vọng một và tính toán thứ tự đúng. Các em có thể lựa chọn nhiều nguyện vọng, nhưng nguyện vọng được chọn và được ưu tiên đặt vị trí cao nên phù hợp với năng lực cũng như sở thích của em, đặc biệt là phải căn cứ vào mức điểm.

Bộ GD-ĐT luôn cho thí sinh một khoảng thời gian đủ dài để suy nghĩ lựa chọn nguyện vọng và hãy cân nhắc kỹ. Khi các em đăng ký lên hệ thống, các nguyện vọng sẽ hiện lên rất rõ. Em cũng cần kiểm tra lại thật kỹ việc đăng ký, như vậy sẽ hạn chế tối đa những rủi ro.

bc51439d41d0a88ef1c1.jpg
Các học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023

Đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng hay nhập học đều thực hiện trực tuyến

Cũng tại buổi tư vấn, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cũng chia sẻ năm nay Bộ sẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh. Nên thí sinh cần lưu ý cụ thể từ việc đăng ký nguyện vọng cho tới thay đổi nguyện vọng xét tuyển, nhập học đều làm trực tuyến, tránh sai sót đáng tiếc.
Bà Thủy cũng thông tin điểm mới nhất của kỳ thi THPT 2023 chính là thay đổi điểm cộng trong kỳ thi. Theo đó, điểm cộng ưu tiên (khu vực và đối tượng) vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các kết quả khác để xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ có điều chỉnh giảm dần tuyến tính khi các em đạt được mức điểm giỏi từ 22,5 trở lên. Vì thế năm 2023 sẽ không có thí sinh nào đạt trên 30 điểm (vì khi đạt điểm tuyệt đối 30/30 thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên).

Thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Do vậy, nếu thí sinh tham gia xét tuyển ĐH từ năm thứ 3 trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Thí sinh đăng ký xét tuyển theo mã tuyển sinh (theo ngành), thay vì đăng ký theo phương thức xét tuyển. “Nghĩa là ngành học đó có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau. Các trường đại học sẽ dùng tất cả những kết quả các em có để xét tuyển tốt nhất có thể cho các em trúng tuyển vào ngành đó. Các em chỉ cần đăng ký ngành mình mong muốn ứng tuyển và có kết quả các tổ hợp phù hợp phương thức xét tuyển cho ngành học đó là được xét tuyển. Như vậy, thí sinh được ưu tiên tối đa, rằng sẽ trúng tuyển bằng phương thức tốt nhất mà mình có”- Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy giải thích.

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi, thí sinh phải đăng ký các nguyện vọng của mình, bao gồm cả các nguyện vọng đã trúng tuyển có điều kiện trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. “Đây là điều rất quan trọng. Nhiều em cứ nghĩ rằng đã trúng tuyển vào trường rồi thì không cần đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT nữa. Như vậy là các em không thực hiện đúng những thao tác để có thể trúng tuyển vào trường. Việc xét tuyển sớm chỉ là điều kiện ban đầu, điều kiện cần, còn điều kiện đủ là các em phải đăng ký trên hệ thống của Bộ”, PGS Thủy thông tin.

Bà Thủy cũng cho biết, năm nay, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công bố những phương án xử lý rủi ro; chủ trì, phối hợp với các trường liên quan khác để xét tuyển cho thí sinh nếu các em gặp rủi ro ở nguyện vọng đã được công bố trúng tuyển.

“Chúng tôi cũng đề nghị các Bộ liên quan phối hợp để giải quyết những rủi ro này cho thí sinh. Phía các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cũng nên có phương án xử lý rủi ro trường hợp các em gặp vấn đề (như về sức khỏe, lý lịch chính trị) để giảm thiểu việc đã nhập học vào trường rồi, sau đó lại thông báo không trúng tuyển, phải chuyển sang trường khác. Mục tiêu của Bộ GD-ĐT là làm sao thí sinh có được nhiều thuận lợi, thuận tiện trong quá trình đăng ký xét tuyển toàn bộ quy trình từ đầu đến cuối”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đề thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ nghiêng về các câu hỏi nhận biết