Tại tỉnh Tiền Giang, các cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường học trong toàn tỉnh nhiều năm qua đều phải trực đêm không công. Chuyện sai quy định hay không chưa nói đến, nhưng nhiều hệ lụy đã phát sinh.

Giáo viên trực đêm không công và những hệ lụy

17/09/2018, 13:43

Tại tỉnh Tiền Giang, các cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường học trong toàn tỉnh nhiều năm qua đều phải trực đêm không công. Chuyện sai quy định hay không chưa nói đến, nhưng nhiều hệ lụy đã phát sinh.

Trường tiểu học Bình Nhì 2, nơi giáo viên nam thay nhau trực đêm, giáo viên nữ được miễn trực - Ảnh: Thanh Anh

Như Một Thế Giới đã thông tin, những ngày qua dư luận xôn xao trước thông tin khoảng 20.700 cán bộ, giáo viên và nhân viên của 189 trường mầm non, 389 trường phổ thông (225 trường tiểu học, 127 trường THCS và 37 trường THPT) trong toàn tỉnh nhiều năm qua đều phải trực đêm không công.

Thầy Lâm Bá Tuấn Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Nhì 2 (xã Bình Nhì, H.Gò Công Tây), nói: “Trường tôi có 16 lớp, hơn 500 học sinh mà chỉ có 1 nhân viên bảo vệ kiêm phục vụ, khuôn viên trường lại rộng lớn, nằm sát quốc lộ 50, nên phải phân công giáo viên vào trực đêm cùng nhân viên bảo vệ.

Theo quy định mỗi giáo viên tiểu học phải đứng lớp 23 tiết/tuần, nhưng vẫn phải có nhiệm vụ phải hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động khác. Bản thân tôi là hiệu trưởng cũng phải đi trực đêm với các giáo viên, 1 tuần trực bình quân 2-3 đêm, vì mình là lãnh đạo”, thầy Phương cho biết.

Tuy nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt được chiếu cố cho miễn trực đêm, đó là những nữ giáo viên có con nhỏ hay đang phụng dưỡng cha mẹ già yếu, đau bệnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Hồng Oanh, xác nhận việc trực đêm là do Sở chỉ đạo từ nhiều năm trước và duy trì đến nay. Tuy nhiên, theo các văn bản hiện hành có liên quan đến việc phân công nhiệm vụ của giáo viên thì không có văn bản nào quy định giáo viên phải vào trường trực đêm.

Sở GD&ĐT Tiền Giang, nơi chỉ đạo giáo viên toàn tỉnh phải vào trường trực đêm không công nhiều năm qua - Ảnh: Thanh Anh

Do đó khi điều động, phân công giáo viên trực vào ban đêm thì phải chi trả tiền bồi dưỡng làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TT-BNV-BTC Hướng dẫn chế độ trả lương làm ban đêm thêm giờ của cán bộ công chức viên chức do Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính ban hành. Nhưng do không có kinh phí nên giáo viên đành trực không công!

Trên thực tế, dù các quan chức ngành giáo dục ở Tiền Giang khẳng định việc giáo viên vào trường trực đêm là tự nguyện nhưng đã nảy sinh nhiều vấn đề tế nhị và thời gian qua nhiều trường đã phải linh hoạt tìm cách hóa giải.

Một giáo viên THCS ở huyện Cái Bè cho biết: “Giáo viên nam vào trường trực đêm nhưng lòng dạ rối bời vì chẳng ai muốn bỏ vợ con ban đêm ban hôm ở nhà một mình, ai cũng muốn ngủ ở nhà mình.

Còn giáo viên nữ, cứ vài hôm vào trường ngủ để trực đêm thì trước sau gì giữa 2 vợ chồng cũng xảy ra lục đục, bất hòa, bởi chẳng có ông chồng nào muốn vợ mình... đi ngủ chỗ khác. Vì vậy tập thể giáo viên trường tôi quyết định hùn tiền thuê thêm người bảo vệ ban đêm, gia đình ai cũng yên ấm”.

Trong khi đó thầy Hiệu trưởng Phương cho biết Trường tiểu học Bình Nhì 2 có 7 giáo viên nam và 22 giáo viên nữ, nên cả trường thống nhất giải pháp: 7 giáo viên nam luân phiên nhau mỗi người trực 1 đêm trong tuần, tất cả giáo viên nữ được miễn trực đêm, chỉ phải trực vào ban ngày.

Còn ở Trường tiểu học Bình Phú (xã Bình Phú, H.Gò Công Tây), Hiệu trưởng Trần Thị Phương cho biết toàn trường có 20 giáo viên nam nên Ban giám hiệu chỉ phân công giáo viên nam trực đêm, giáo viên nữ được miễn trực.

Nhưng cho dù ngành giáo dục Tiền Giang buộc giáo viên phải vào trường trực đêm để bảo vệ tài sản thì trộm cắp vẫn xảy ra. Gần đây nhất, rạng sáng 8.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TX.Gò Công, tỉnh Tiền Giang) và các trinh sát hình sự Công an Tiền Giang đã bắt quả tang 1 băng nhóm 3 tên chuyên đột nhập vào các trường học trộm linh kiện máy vi tính.

Từ trái sang: 3 tên trộm Chính, Tâm, Tiên chuyên đột nhập vào trường học trộm máy vi tính - Ảnh: Thanh Anh

3 tên trộm là Phạm Văn Chính (35 tuổi, ngụ tỉnh An Giang), Nguyễn Chí Tâm (24 tuổi) và Liêu Thị Cẩm Tiên (24 tuổi, cùng ngụ tỉnh Kiên Giang) thường xuyên điều khiển xe ô tô 7 chỗ biển số 65A-125.20 đi đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ để trộm tài sản trong trường.

Rạng sáng 8.9, băng trộm này đến Trường tiểu học Bình Đông 1, (TX.Gò Công, Tiền Giang) đột nhập vào trong lấy trộm 20 CPU và 20 thanh RAM máy vi tính. Khi vừa trở ra ngoài, cả 3 tên bị lực lượng công an bắt quả tang. 3 tên trộm khai nhận trước đó đã đột nhập nhiều trường học thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và nhiều tỉnh thành khác.

Trước khi bị bắt, rạng sáng 6.9, 3 tên trộm đột nhập vào Trường THCS Trừ Văn Thố (P.1, TX.Cai Lậy, Tiền Giang), bẻ khóa phòng máy vi tính lấy 43 thanh RAM và bộ vi xử lý máy tính, ước tính tổng giá trị tài sản bị trộm trên 70 triệu đồng.

Đến khoảng 23 giờ ngày 6.9, 3 tên trộm điều khiển xe ô tô đến Trường THCS Vĩnh Kim (xã Vĩnh Kim, H.Châu Thành, Tiền Giang), đột nhập vào bẻ khóa phòng máy vi tính của trường trộm được 27 thanh RAM và bộ vi xử lý máy tính.

Thanh Anh

https://motthegioi.vn/giao-duc-c-69/hon-20000-giao-vien-phai-luan-phien-truc-dem-khong-cong-96445.html

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên trực đêm không công và những hệ lụy