Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh chưa tuyên bố tổ chức kỳ họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc có thể vì lịch làm việc bận rộn của các nhà lãnh đạo, nhưng cũng có thể là vì thiếu sự nhất trí trong giới lãnh đạo về cách xử lý tình trạng kinh tế giảm tốc và cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Giới lãnh đạo Trung Quốc mâu thuẫn về cuộc chiến thương mại với Mỹ

02/11/2018, 19:53

Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh chưa tuyên bố tổ chức kỳ họp toàn thể Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc có thể vì lịch làm việc bận rộn của các nhà lãnh đạo, nhưng cũng có thể là vì thiếu sự nhất trí trong giới lãnh đạo về cách xử lý tình trạng kinh tế giảm tốc và cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tổng bí thư Tập Cận Bình dự một cuộc họp của đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 1.11, phiên họp toàn thể 400 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (từ đây viết tắt là phiên họp) thường tổ chức vào mùa thu hằng năm. Vài thập niên gần đây, đó là dịp nhà lãnh đạo Trung Quốc công bố các chương trình cải cách lớn, cùng các kế hoạch kinh tế mới.

Ví dụ ở phiên họp năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình giới thiệu kế hoạch “cải cách và mở cửa”, đặt Trung Quốc vào con đường tự do hóa nền kinh tế.

Hoặc phiên họp năm 1993 thông qua khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” giải thể phần lớn tập đoàn, xí nghiệp quốc doanh.

Chưa thể rõ thời gian tổ chức phiên họp

Nhưng năm 2018, dịp kỷ niệm 40 năm chương trình cải cách và mở cửa của ông Đặng, ở Trung Quốc đang có sự lo ngại về đường hướng tương lai. Nhiều người đang chứng kiến nền kinh tế giảm tốc, giá cổ phiếu chứng khoán rớt và sự xuống tinh thần nơi lĩnh vực tư nhân.

Bầu không khí u ám này còn bị tác động bởi cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ, vốn có nguy cơ chuyển thành một cuộc xung đột tổng lực ở nhiều mảng, từ công nghệ cho đến địa chính trị và quốc phòng.

Trong bối cảnh này, một số người hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ dùng phiên họp toàn thể để đưa ra tuyên bố về đường hướng tương lai, cách đối phó với “những luồng gió ngược” từ cuộc chiến thương mại và kinh tế giảm tốc.

Nhưng tháng 9 và tháng 10 trôi qua, vẫn chưa có thông báo về kỳ họp toàn thể. Ngày 31.10, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc họp do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì, đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc về “sức ép ngày càng lớn” trên nền kinh tế cùng “những thay đổi sâu sắc” của môi trường bên ngoài.

Theo SCMP, đó là lần đầu tiên giới lãnh đạo Trung Quốc công khai thừa nhận kinh tế nước nhà giảm tốc kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại hồi giữa năm nay.

Tuyên bố của Bộ Chính trị viết: “Có nhiều khó khăn cho một số doanh nghiệp, cũng như xuất hiện các rủi ro tích tụ trong thời gian dài. Chúng ta cần chú ý tình trạng này, phải chuẩn bị để có thể phản ứng kịp thời, phải tăng cường cải cách-mở cửa nhằm tập trung vào những vấn đề cốt lõi với nhiều giải pháp xử lý... Chúng ta phải tự giải quyết các vấn đề khó khăn và kiên quyết theo đuổi tăng trưởng chất lượng cao”.

Bộ Chính trị hạ quyết tâm “nhìn về phía trước” và “kịp thời lập kế hoạch mới cho khu vực kinh tế tư nhân và thị trường chứng khoán”.

Nhưng cuộc họp của Bộ Chính trị không đề cập việc tổ chức phiên họp toàn thể, và “đó là câu chuyện lớn nhất ở Trung Quốc hiện nay”, theo ông Trey McArver, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu-tư vấn Trivium China (trụ sở ở Bắc Kinh).

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức hồi tháng 10.2017 - Ảnh: Tân Hoa Xã

Chờ tới sau cuộc gặp Tổng thống Mỹ

Theo truyền thống của đảng Cộng sản Trung Quốc, lẽ ra kỳ họp Bộ Chính trị sẽ tuyên bố thời hạn tổ chức phiên họp toàn thể. Dự kiến phiên họp này sẽ diễn ra nửa cuối tháng 11 này, vì các nhà lãnh đạo cấp cao có lịch làm việc bận rộn suốt tháng 11.

Ông Tập Cận Bình sẽ dự Hội chợ Triển lãm nhập khẩu Trung Quốc - quốc tế lần thứ nhất (một sự kiện lớn trong năm của chính phủ Trung Quốc) sẽ diễn ra ở Thượng Hải vào tuần tới, rồi ông dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC 2018) trong hai ngày 17, 18.11 ở Papua New Guinea, và hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina vào cuối tháng 11.

Thường thì phiên họp toàn thể thứ 3 diễn ra vào mùa thu, sau phiên họp thứ nhất nhằm giới thiệu người lãnh đạo mới sau khi tổ chức Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc, phiên họp thứ 2 nhằm giới thiệu nhân sự trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội Trung Quốc thường tổ chức vào tháng 3 hằng năm.

Nhưng từ sau Đại hội đảng hồi tháng 10.2017, ông Tập đã tổ chức 3 phiên họp toàn thể. Một phiên họp bất thường hồi đầu năm 2018 để thông qua quyết định hủy bỏ thời hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước (nếu vẫn giữ thời hạn này thì ông Tập phải rút lui từ năm 2023).

Nhà phân tích chính trị Trần Đạo Ấn thuộc Học viện Chính pháp Thượng Hải, nói: “Từ sau đó đã có nhiều thay đổi. Hồi tháng 3, chính phủ còn rất tự tin về tương lai phát triển của Trung Quốc, nếu không thì ông ấy sẽ không phải lo củng cố quyền lực từ sau Đại hội đảng và đề xuất sửa đổi hiến pháp Trung Quốc. Nhưng nay thì dân thường Trung Quốc bắt đầu hết hy vọng vào sự phát triển kinh tế của Trung Quốc”.

Ông Trần cũng cho rằng có lẽ Bắc Kinh chờ xem kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ (tổ chức ngày 6.11 tới), cùng cuộc gặp bên lề giữa ông Tập với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi hai nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh G-20, nhằm có được nhận định tốt hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters

Ông nói: “Mỹ là yếu tố chính dẫn đến việc thay đổi tình hình mà Trung Quốc phải đối mặt trong năm qua. Lãnh đạo Trung Quốc khó thể lập phản ứng cụ thể, vì tất cả những bất ổn hiện tại”.

Nhưng ông Chương Lập Phàm, một nhà bình luận chính trị và là nhà sử học Trung Quốc hiện đại ở Bắc Kinh, nói ngay cả khi đảng Cộng hòa của ông Trump thua nặng ở cuộc bầu cử giữa kỳ, Mỹ sẽ không nhất thiết nới lỏng sức ép lên Trung Quốc. Ông nói: “Bắc Kinh có thể chờ kết quả cuộc bầu cử, nhưng tôi ngờ rằng nó sẽ có tác động. Hai đảng ở Mỹ đều thống nhất phải ép Trung Quốc”.

Ông Chương cũng nói các lãnh đạo Trung Quốc xem ra chưa đạt được sự đồng thuận về đường hướng tương lai của đất nước, dẫn các thông điệp khác nhau của ông Tập khi ông thăm và làm việc ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và tỉnh Quảng Đông (Nam Trung Quốc).

Ông Chương nói: “Liệu chúng ta tiếp tục cải cách và mở cửa, hay là theo đuổi chiến lược tự lực cánh sinh? Có thể các lãnh đạo chưa có sự nhất trí cao”.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới lãnh đạo Trung Quốc mâu thuẫn về cuộc chiến thương mại với Mỹ