‘Làn sóng’ hentai - hoạt hình Nhật Bản (anime) với nội dung 18+, đang dâng cao tại Hương Cảng. Không riêng Hồng Kông, hiện thời ở nhiều đô thị châu Á, đại bộ phận thanh thiếu niên ngày càng có khuynh hướng ưa chuộng phim người lớn. Phải chăng vấn đề xuất phát từ ‘sức ép’ văn hóa và giáo dục?
Eva, một nữ nhân viên văn phòng người Hồng Kông, vô tình biết đến thế giới hoạt hình hentai khi còn ở tuổi thiếu niên, trong lúc chơi thử trò chơi trực tuyến. Đến nay, cô đã say mê thưởng thức thể loại anime nhạy cảm này.
Từ ‘hentai’ trong tiếng Nhật có thể dịch là ‘những ham muốn được bùng nổ.’
Truyện, phim hentai khai thác đa dạng chủ đề 18+, chứa nội dung từ thực tế cho đến phi thực. “Có một số thứ độc đáo ở hentai khó chuyển tải dưới dạng phim ảnh người lớn truyền thống", Eva tiết lộ.
Ngày nay, không ít cư dân Hương Cảng dưới hay trong độ tuổi của Eva đều thích thú trãi nghiệm ‘làn sóng’ hentai. Năm 2017, thống kê trên một website đăng tải video người lớn hàng đầu thế giới cho thấy, người dùng mạng tại Hồng Kông dẫn đầu danh mục tìm kiếm theo từ khóa ‘hentai".
Katrien Jacobs, phó giáo sư chuyên ngành Tình dục học, đại học Trung Hoa (Hồng Kông), nhận định, giới trẻ xứ Cảng Thơm đang chủ động đón nhận văn hóa phim đen từ Nhật Bản.
Cô chia sẻ, “Tôi không quá bất ngờ trước điều này, vì manga (truyện tranh Nhật) và anime đã bắt đầu nổi tiếng tại Hồng Kông từ thập niên 1960. Người xem/đọc thường cho phép bản thân ‘thể nghiệm’ những ham muốn cá nhân thông qua nhiều tác phẩm 18+".
Theo Jacobs, sự xuất hiện ồ ạt video game, truyện tranh và hoạt hình hentai đã thu hút vô số người hâm mộ trẻ. “Chúng là một phần văn hóa otaku (từ ám chỉ sở thích xem manga và anime). Rất nhiều khán giả của otaku đã quen với những hình ảnh ‘tươi mát’ mang chiều hướng kỳ thị giới tính trong đa số phim, truyện hentai".
Vì sao hentai đang được ưa chuộng tại Hồng Kông, nói riêng, và nhiều quốc gia châu Á, nói chung?
Janson Ho Ka-hang, giảng viên lớp Giới tính và Tình dục học, đại học Nhân văn Hồng Kông, tin rằng, giới trẻ tìm đến hentai nhằm tự tạo ‘lối thoát’ tinh thần nhất thời khỏi một nền văn hóa Á Đông hãy còn đầy rẫy yếu tố bảo thủ.
Ông lý giải, “Sức ép tâm lý của bạn càng lớn, mong muốn giải tỏa ở bạn càng cao. Hồng Kông vốn dĩ khá bảo thủ về văn hóa, và hentai (với thanh thiếu niên) là chọn lựa ‘giải tỏa’ hợp thời".
Với Eva, quả thật, tiềm năng giải phóng trí tưởng tượng lẫn sức ép giới tính giúp tạo sức hút mạnh ở hentai. “Chúng tôi biết những tác phẩm ấy đơn thuần là giả tưởng, chúng không thật. Duy đôi khi chúng ta cần một chốn riêng tư để thả hồn tưởng tượng. Bạn chỉ cần lưu ý tách bạch ảo tưởng khỏi hiện thực".
Bên cạnh đó, Eva cho biết, “tôi nghĩ phụ nữ không nên thấy xấu hổ khi xem phim ảnh nhạy cảm.” Theo cô, đây là một nhu cầu thuần tự nhiên, trái ngược niềm tin bấy lâu trong văn hóa phương Đông, rằng phụ nữ phải luôn hạn chế thảo luận chủ đề giới tính, tình dục.
“Vì sao đàn ông có thể thoải mái nói về phim đen và chuyện tính dục, trong khi phụ nữ chúng tôi không được phép làm điều tương tự? Phụ nữ cũng có đam mê, hứng thú riêng của họ. Sex nên là một đề tài tự nhiên để bàn luận và tìm hiểu".
Dẫu vậy, hiện có một số quan ngại, xoay quanh việc giới trẻ châu Á đang ‘dựa dẫm’ quá nhiều vào internet nhằm tìm kiếm thông tin, đôi khi không mấy chính xác, về tình dục và giới tính.
‘Làn sóng’ phim đen nảy sinh từ sự bất cập trong giáo dục giới tính?
Tại Hồng Kông, độ tuổi tối thiểu cho phép quan hệ tình dục là 16. Thế nhưng người dùng mạng phải từ 18 tuổi trở lên để được xem phim ảnh người lớn một cách hợp pháp.
“Giáo dục giới tính trong sách vở, tại nhà trường, thường chỉ bao gồm những bài học, hình ảnh cơ bản mô tả bộ phận sinh dục nam - nữ. Giáo viên rất hạn chế thảo luận trực tiếp về hoạt động tình dục".Eva nói. “Đó là lý do vì sao giới trẻ chúng tôi rất tò mò về nó".
Văn hóa phim đen Nhật Bản, cụ thể như hentai, tuy nhiên, khó lòng phản ánh chân thật giá trị của tình dục lẫn giới tính.
“Dòng phim người lớn có xu hướng thể hiện hình tượng người phụ nữ luôn trong trạng thái bị động, yếu đuối. Chúng khá vô lý". Phó giáo sư Jacobs bày tỏ. “Mặt khác, cơ thể con người không trông ‘hoàn hảo’ như vậy ngoài đời thực. Hentai, do đó, là một sự biểu đạt lệch lạch về tình dục".
Vera Lui Wing-hang, chủ cửa hàng đồ chơi tình dục Sally Coco tại Hương Cảng, đồng ý với quan điểm trên.
Cô nói, “Phim đen thường đề cao chỗ đứng nam giới và ngược lại, chèn ép hình ảnh người phụ nữ. Một số khách hàng tôi tiếp xúc cho rằng, họ cần làm đẹp - cải thiện cơ thể để trông lôi cuốn như những diễn viên phim người lớn. Trong khi trên thực tế, sex không hoàn mỹ đến vậy. Mỗi người chúng ta đều có cá tính riêng".
Ở chốn đô thị nhộn nhịp, tất bật như Hương Cảng, trách nhiệm giáo dục giới tính sớm được chuyển giao từ gia đình sang trường học. Thế nhưng, số liệu thống kê cho thấy phần lớn ngôi trường vẫn chưa làm tròn công tác này.
Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình Hồng Kông ghi nhận mới đây, hơn 1/5 số thanh thiếu niến từng có quan hệ tình dục cho biết họ được cung cấp rất ít kiến thức về phòng tránh bệnh tình dục, và hơn một nửa trong số họ tin rằng trường học nên đầu tư nhiều hơn cho giáo dục giới tính.
Ví dụ đáng nói, như một trường cấp 2 tại quận Kwai Tsing, học sinh chỉ có trung bình 4.5 giờ học về giáo dục giới tính trong toàn bộ 6 năm học.
Giáo dục giới tính tại nhiều quốc gia phương Đông tập trung vào đề tài hôn nhân, xây dựng quan hệ gia đình - vợ chồng. Duy về căn bản, nhiều bài học vẫn né tránh, hạn chế truyền bá kiến thức tình dục và bình đẳng giới.
Eva cho biết, khi còn trên ghế nhà trường, cô hầu như không tiếp nhận được kiến thức thực tiễn nào về sex.
“Tôi học nhiều hơn qua hentai và thế giới mạng nói chung. Nhưng điều này cũng rất nguy hiểm bởi khi ấy, lớp trẻ như tôi quá non nớt để nhận rõ khác biệt giữa phim ảnh và đời thực. Chúng tôi có thể tin là phụ nữ luôn yếu thế trước nam giới trong quan hệ thể xác. Chúng tôi có thể lờ đi tầm quan trọng của biện pháp an toàn tình dục", Eva nói.
“Tôi nghĩ đây là lúc xã hội Á Đông nên làm tốt hơn nữa - chủ động truyền đạt kiến thức thiết thực thay vì né tránh nói về tình dục với thanh thiếu niên".
Như Ý (theo SCMP)