Giun đũa chó mèo tên khoa học là Toxocara, gây bệnh ở người do ấu trùng của chúng nhiễm sang người rồi di chuyển đến các cơ quan nội tạng để gây bệnh. Do đó, cần hiểu biết cách phòng ngừa để tránh nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo.
Ở đâu có ấu trùng giun đũa chó mèo?
Ở đâu có chó mèo thì ở đó có ấu trùng giun đũa của chó mèo. Đồng thời đất, cát, sàn nền nhà ở nơi đó cũng bị nhiễm ấu trùng giun đũa chó mèo. Con giun đũa chó mèo trưởng thành dài cỡ bằng que tăm, sống trong ruột non của chó và mèo. Chúng đẻ trứng ở ruột và thải trứng theo phân thải ra ngoài, nhiễm vào đất cát. Chó và mèo bị nhiễm giun do ăn phải trứng hoặc do chó, mèo mẹ truyền ấu trùng sang con qua nhau thai và qua sữa mẹ. Người bị nhiễm giun đũa chó mèo do sinh hoạt gần chó, mèo và ăn phải trứng của giun đũa chó mèo qua tay bẩn hoặc thức ăn.
Trong ruột người, ấu trùng giun này tìm đường di chuyển nhưng gặp ký chủ bất thường nên chúng tạo ra phản ứng mạnh của cơ thể người. Ấu trùng giun đũa chó mèo xâm nhập gan, phổi, các phủ tạng khác, thậm chí vào cả não và mắt gây bệnh rất nguy hiểm. Nhưng chúng chỉ kéo dài cuộc sống trong một thời gian vài tuần, vài tháng rồi bị chết và bị vôi hóa vì không thể hoàn thành được chu kỳ sinh trưởng trong cơ thể người.
Bệnh do ấu trùng giun đũa chó mèo gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều ở trẻ em do trẻ thường tiếp xúc, chơi đùa với chó, mèo và đất cát nhiễm trứng giun cũng như ý thức vệ sinh của trẻ còn kém.
Phát hiện bệnh như thế nào?
Sơ đồ nhiễm giun đũa của chó mèo.
Bệnh nhân sẽ chú ý đến bệnh của mình do thấy các triệu chứng: mệt mỏi, ăn mất ngon, thể trạng kém, sốt bất thường, hay nổi mẩn ngứa, nổi ban… Lâm sàng chia ra 4 thể:
Thể VLMs: Trong thể này, gan và phổi hay bị tổn thương nhất, với các triệu chứng đau bụng, gan to, ho, khò khè, chán ăn, sốt, đỏ da, mày đay, nốt dưới da (hypodermic nodes). Chụp phim Xquang phổi thấy có hình ảnh thâm nhiễm giống lao nhưng hình ảnh này tự mất đi sau 1 – 2 tuần mà không cần điều trị.
Thể OLMs: Ấu trùng giun di chuyển đến mắt gây rối loạn thị lực, viêm nhiễm. Ở mắt, ấu trùng giun bị giữ lại tạo ra một khối viêm thâm nhiễm tăng bạch cầu ái toan, gây ra triệu chứng giảm thị lực một bên, đau mắt, đồng tử trắng, lé mắt kéo dài nhiều tuần, u hạt võng mạc cực sau, viêm màng bồ đào, áp-xe thủy tinh thể, viêm thần kinh giác mạc, có mủ trong tiền phòng. Thường chỉ bị bệnh ở một mắt, hiếm khi cả hai mắt đều bị tổn thương, gan to và các triệu chứng do ấu trùng di chuyển nội tạng.
Thể thông thường ở người trưởng thành: thường gặp trên người lớn ở nông thôn, với biểu hiện toàn thân bị suy giảm miễn dịch, suy nhược do rối loạn tiêu hóa, ngứa da, viêm da, mày đay. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu ái toan và kháng thể IgE tăng cao.
Thể CT: Với triệu chứng không đặc hiệu như ho, đau bụng, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, gan to, đỏ da, trong đó khoảng 50% bệnh nhân có tăng bạch cầu ái toan.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ MRI có thể thấy tổn thương ở não.
Điều trị giun đũa chó mèo có thể dùng thuốc thiabendazole với liều lượng từ 25 – 50mg/kg cân nặng, dùng từ 7 – 10 ngày kèm theo corticoide và thuốc kháng histamine tùy tổn thương và tùy thể bệnh.
Trong gia đình, khi có nuôi chó mèo, chúng ta phải biết rằng sẽ có ấu trùng giun đũa chó mèo thải ra môi trường sống của con người như sàn nhà, sân, vườn hay mọi đồ vật mà chó mèo có tiếp xúc. Như vậy, khi người lớn và nhất là trẻ nhỏ tiếp xúc với chó mèo, đồ vật, đất cát đều có thể bị nhiễm ấu trùng giun đũa của chó mèo qua tay bị nhiễm bẩn và qua thức ăn xâm nhập đường tiêu hóa. Vì vậy, mọi thành viên trong gia đình đều phải có ý thức phòng tránh nhiễm bệnh giun đũa của chó mèo. Tuy trứng của Toxocara đề kháng với các chất tẩy trùng thông thường, nhưng có thể bị phá hủy bởi dung dịch aqueous iodine, tia cực tím hay ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao. Sử dụng dung dịch 1% sodium hydroxide để rửa, lau chùi nền nhà, sàn nhà, dụng cụ lao động để loại trừ sạch phân chó mèo có chứa mầm bệnh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Hướng dẫn trẻ em cách giữ gìn vệ sinh cá nhân: không tiếp xúc với chó mèo, không lê la chơi ở sân vườn có nhiều phân chó mèo; thường xuyên rửa tay sạch dưới vòi nước sau khi tiếp xúc với mọi đồ vật, đồ chơi hay đất cát. Không ăn rau sống, quả xanh. Luôn thực hiện rửa tay trước khi ăn. Thực hiện ăn chín, uống sôi.
Cần tẩy giun định kỳ cho chó mèo nuôi ở trong nhà. Mọi người cần hạn chế tối đa tiếp xúc với chó mèo và đất cát nghi ngờ có trứng giun. Không để chó mèo vào khu vườn chơi của trẻ trong trường mẫu giáo. Không thả rông chó mèo trong khuôn viên nhà ở.
Ths. Nguyễn Xuân Lãm (SK&ĐS)