Một số nhà phân tích xác định tinh thần binh sĩ thấp chính là điểm yếu trí mạng của quân đội Trung Quốc.

‘Gót chân Achilles’ của quân đội Trung Quốc

Cẩm Bình | 22/09/2021, 13:28

Một số nhà phân tích xác định tinh thần binh sĩ thấp chính là điểm yếu trí mạng của quân đội Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc vô tình bộc lộ yếu kém về quân sự qua một số dấu hiệu.

Dấu hiệu đáng chú ý đầu tiên là xây dựng cơ sở phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới tại vùng sa mạc trong đất liền. Một dấu hiệu khác là hàng loạt nỗ lực tăng tỷ lệ sinh (cho sinh 3 con, ban hành chính sách giúp giảm chi phí nuôi dạy con cái…).

Qua những động thái trên, Bắc Kinh đang cố giải quyết vấn đề tinh thần binh sĩ và khả năng tác chiến trong cuộc chiến kéo dài của quân đội.

dchina.jpg
Bên cạnh vũ khí hữu hình, sức mạnh của quân đội còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố vô hình, chẳng hạn tinh thần binh sĩ - Ảnh: AP

Gần một thập niên qua, Trung Quốc rất bận rộn ở Biển Đông: trước hết xây đảo nhân tạo phi pháp, sau đó đặt radar cùng tên lửa để ngăn không cho máy bay và tàu chiến nước ngoài tiếp cận, cuối cùng là triển khai tàu ngầm hạt nhân chiến lược phóng được tên lửa đạn đạo đến khu vực cần bảo vệ.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) là vũ khí tối tân giúp các quốc gia không rơi vào thế bất lợi, vì tàu ngầm có thể mang tên lửa đến vùng biển sâu khiến kẻ thù phải tránh xa.

Vậy tại sao Trung Quốc lại gấp rút xây dựng cơ sở phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới tại vùng sa mạc trong đất liền? Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là dù đã quân sự hóa Biển Đông rất mạnh mẽ, Bắc Kinh vẫn không tự tin đủ sức bảo vệ được khu vực họ chiếm đóng nếu xung đột nổ ra.

Tháng 1.2018, một tàu ngầm Trung Quốc để lộ yếu kém khi hoạt động. Con tàu di chuyển dưới biển ở khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhanh chóng bị lực lượng phòng vệ Nhật Bản phát hiện, nên phải nổi lên và lập tức giương cờ Trung Quốc do lo sợ hứng chịu tấn công.

Theo luật pháp quốc tế, lực lượng phòng vệ Nhật có thể xem tàu trên là “tàu ngầm không xác định” cố ý xâm nhập vùng biển nước này lúc đang lặn. Nhiều quan chức Nhật và Mỹ đánh giá vụ việc thể hiện rõ tinh thần thấp của quân đội Trung Quốc.

dchina1.jpg
Tàu ngầm Trung Quốc phải nổi lên và giương cờ Trung Quốc để tránh bị lực lượng phòng vệ Nhật tấn công - Ảnh: Nikkei Asian Review

Trung Quốc suốt 25 năm qua không ngừng tăng ngân sách quốc phòng cũng như tổ chức nhiều cuộc tập trận hải quân. Nhưng số vũ khí hữu hình chỉ là một phần trong sức mạnh quân sự, ngoài ra còn có hàng loạt yếu tố vô hình khác, chẳng hạn tinh thần binh sĩ.

Một số nhà phân tích tin rằng tinh thần binh sĩ thấp là hậu quả từ chính sách chỉ cho sinh một con kéo dài, khiến Trung Quốc tạo nên đội quân “con một” hàng đầu thế giới. Cựu sĩ quan Kinichi Nishimura - người có nhiều năm nghiên cứu cán quân sự Đông Á cho biết: “Hơn 70% binh sĩ Trung Quốc là con một, số còn lại là con thứ 2 hoặc sau nữa có cha mẹ chấp nhận nộp phạt để sinh ra họ”.

Theo quan niệm truyền thống tại Trung Quốc, con cái phải kính trọng và chăm sóc tốt cha mẹ, tổ tiên. Các bậc phụ huynh vì vậy không hề mong muốn con cái qua đời sớm hơn mình.

Bắc Kinh phải cải thiện tiền lương cho quân nhân để đảm bảo quân số. Ngày 1.8, chính quyền nước này ban hành luật bảo vệ địa vị, quyền lợi và lợi ích của quân nhân - một nỗ lực cứu vãn tình hình trong bối cảnh quân số vẫn khó được đảm bảo vì tỷ lệ sinh vẫn đang trên đà giảm.

“Quân đội Trung Quốc vài năm qua tăng cường triển khai tàu chiến cùng chiến đấu cơ, nhưng chúng lại không hoạt động nhiều. Dường như họ đào tạo không đủ nhân lực thực hiện công tác sửa chữa và bảo dưỡng trang thiết bị tân tiến”, theo cựu sĩ quan Nishimura. Đây là một phần lý do buộc Trung Quốc chuyển sang phụ thuộc máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo, số lượng tên lửa đạn đạo họ triển khai tăng lên đến hàng nghìn quả.

Một trong những học thuyết quân sự của Trung Quốc được nhiều người biết đến là “ở trận chiến đầu hãy phóng thật nhiều tên lửa rồi rời khỏi chiến tuyến”. Hành động gấp rút bổ sung chiến đấu cơ cùng tàu chiến các loại mà Bắc Kinh thực hiện mấy năm gần đây thể hiện rõ ý định muốn tăng số tên lửa có thể phóng đi nếu xung đột bùng nổ.

Theo Nikkei Asian Review, để tự vệ trước tấn công tên lửa từ Trung Quốc, Nhật và các quốc gia khác cần tăng cường biện pháp giảm thiểu thiệt hại, chẳng hạn như phát triển và triển khai hệ thống vũ khí thế hệ mới (súng laser hoặc súng điện từ).

Bài liên quan
Sự quan tâm trên thế giới với 'ô tô điện Trung Quốc' tăng vọt, bỏ lại 'nóng lên toàn cầu' phía sau
Dữ liệu từ Google Trends cho thấy thế giới hứng thú với các loại xe năng lượng sạch mới nhất hơn là những nguyên tắc cao cả đằng sau chúng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Gót chân Achilles’ của quân đội Trung Quốc