Những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm với ký ức tôi không gắn liền và không có nhiều kỷ niệm về cuộc chiến. Vì thời khắc ấy, tôi mới là đứa nhỏ ba tuổi. Nên tôi rất ngạc nhiên khi đọc những tranh luận nảy lửa của bạn bè cùng lứa trên vài diễn đàn như đi ra "từ lửa đỏ", cứ như "biết hết rồi". Nhưng tôi cũng thấy vài gương mặt sáng lên kể từ khoảnh khắc cột mốc ấy. Đó là những thi sĩ, nhà văn nổi tiếng ờ Hà Nội lần đầu tiên tôi gặp. Trên đường thiên lý thênh thang...

Gương mặt thời gian

04/05/2017, 06:15

Những ngày cuối tháng Tư, đầu tháng Năm với ký ức tôi không gắn liền và không có nhiều kỷ niệm về cuộc chiến. Vì thời khắc ấy, tôi mới là đứa nhỏ ba tuổi. Nên tôi rất ngạc nhiên khi đọc những tranh luận nảy lửa của bạn bè cùng lứa trên vài diễn đàn như đi ra "từ lửa đỏ", cứ như "biết hết rồi". Nhưng tôi cũng thấy vài gương mặt sáng lên kể từ khoảnh khắc cột mốc ấy. Đó là những thi sĩ, nhà văn nổi tiếng ờ Hà Nội lần đầu tiên tôi gặp. Trên đường thiên lý thênh thang...

Nhà thơ Hữu Loan, tác giả bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng.

1.Đà Nẵng, vẫn là trạm dừng chân của hầu hết kẻ bộ hành cái thời bao cấp khó khăn "gạo châu củi quế" sau tháng Tư 1975 ấy. Trước hết có lẽ do ngọn Hải Vân hùng vĩ "thiên hạ đệ nhất hùng quan" tương truyền là câu thần bút của vua Lê Thánh Tông khi đưa quân qua đây năm Canh Thìn (1470) sừng sững án ngữ. Xe đò muốn ra Huế hay từ Huế vào Sài Gòn vượt khỏi đèo thường là "hết hơi", hay tài xế thở phào nhẹ nhõm, cắt được cơn lạnh tóc gáy. Ngày ấy, tai nạn được xem là rùng rợn, ác liệt nhất là đụng xe hay lật xe trên đèo Hải Vân. Những dốc cùi chỏ quanh co khúc khuỷu. Xe đổ đèo bánh kẹp thắng rít ràn rạt, gió tạt vào mặt điếng lạnh. Mà đâu được những chiếc xe bon đường dài hai tầng hoành tráng như bây giờ. Tôi còn nhớ đó là những chiếc xe chạy bằng than với cái thùng phuy to đùng, giống cái bình ga công nghiệp cỡ lớn đeo bên phải cửa xe lên xuống. Khi nổ máy, than khí đốt đỏ rực, mùi gắt phả lên khét lẹt. Hàng hóa kềnh càng, người ngợm nêm chặt, bu bám, đông đảo. Chỉ từ Đà Nẵng đi Huế mà xa xôi và thông thốc cứ ngỡ đang đi tìm thiên đường.

Nhưng biển và cảnh Đà Nẵng rất đẹp nên vẫn thường níu chân người nghệ sĩ. Đặc biệt là Hội An - một đô thị cổ, thương cảng lớn ngày xưa và Mỹ Sơn - kinh đô Chiêm Thành không xa là những thắng cảnh rất thu hút bao trái tim "say miền đất lạ". Nhà tôi bỗng trở thành một "trạm trung chuyển" khi cha tôi cũng là nhà thơ, thuộc giới viết lách và yêu mến bạn bè. Khách đến nhà thường săm soi tủ sách gia đình vì lúc ấy có khá nhiều tác giả tác phẩm in ở Sài Gòn, miền Nam như các cuốn của các nhà nghiên cứu, nhà văn Phan Khoang, Tạ Tỵ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Xuân, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Tô Hoài, Nhất Hạnh, Bửu Ý…và nhiều tên tuổi khác.

Nhưng kỳ lạ, tác phẩm khai mở thế giới văn chương của tôi hình như không ở trong những cuốn sách được in đó mà lại nằm trong một cuốn sổ chép tay bằng giấy pơ-luya mỏng của cha. Cuốn sổ này cha tôi thực hiện năm 16 tuổi, chép những bài thơ, những đoản văn nổi tiếng. Cha tôi có một cách yêu thi ca lạ lùng. Đó là ông thuộc từng tác phẩm và cẩn trọng chép lại từng bài bằng nét chữ bay bướm tài hoa. Để phân định mỗi dòng thơ (lục bát, tứ tuyệt, tự do...), mỗi tác tác giả, ông chọn các màu giấy khác nhau, đề-co khá đẹp bằng những hoa văn, nét vẽ riêng. Cũng nhờ cuốn sổ chép tay rất công phu này mà tôi được tiếp xúc với rất nhiều bài thơ hay của dòng Thơ Mới, và văn chương thời Tiền chiến khi còn thơ ấu. Quả là may mắn. Cho đến bây giờ, khi ngồi viết những dòng này, những bài thơ như của Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Phan Văn Dật, Hữu Loan... vẫn thuộc nằm lòng, xôn xao trong ký ức. Và cũng vì thế, tôi luôn mường tượng sẽ có một ngày tôi sẽ gặp được những thi sĩ tài ba nổi tiếng ấy. Một sự ngưỡng mộ và ngưỡng vọng. .

Nhà thơ Xuân Diệu - bên phải và nhà thơ Đông Trình. Ảnh trên báo Quảng Nam Đà Nẵng

2. Và nếu như những bài thơ của ông "hoàng thơ tình" Xuân Diệu tôi từng mê say, ngưỡng mộ thuộc lòng đầu tiên từ cuốn sổ chép tay của cha, sau đó tự sưu tầm nghe rất khoái, rất rồ với tuổi học trò như “Yêu là chết ở trong lòng một ít / Vì mấy khi yêu mà chưa chắc được yêu / Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu / Người ta phụ hoăc thờ ơ chẳng biết”, hay vẩn vơ, tâm trạng “Hôm nay trời nhẹ lên cao / Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” hoặc kỳ lạ, tinh tế "Không gian như có dây tơ / Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tan" thì gặp ông lần đầu tiên tại Đà Nẵng với nhiều thất vọng. Ngày ấy tâm hồn đứa trẻ con là tôi cứ mường tượng ông phải giống hệt như tấm ảnh một thi sĩ phong độ điển trai, mắt đen mơ màng “tóc buông trên vầng trán ngây thơ’ như chân dung in trang đầu Thi phẩm. Mà thi sĩ phải điển trai như thế mới có thể có nhiều tình yêu, từ tình yêu mới nảy sinh nhiều năng lượng và mới có những bài thơ tình mê sảng, ngùn ngụt lửa cháy như thế! Nhưng không! Văn chương đôi khi là sự tương phản. Hay thời gian là những gương mặt phản bội.

Trước mắt tôi, hiển hiện một người đàn ông đẫy đà, to béo, cười nói phớ lớ hệt một ông quan văn nghệ. Không thể tưởng tượng được đó là ông hoàng thơ tình. Tuổi tác quả là nghiệt ngã. Nhưng hai buổi nói chuyện của Xuân Diệu ở phường Hải Châu đông nghịt, không còn chỗ ngồi, người ta đứng tràn ra ngoài cửa hội trường vì có rất nhiều người hâm mộ thơ ông, thần tượng một thời của Thơ Thơ, Gửi Hương Cho Gió, Phấn Thông Vàng.... Xuân Diệu thường trao đổi với cha tôi. Hai ông rất tâm đắc nhiều chuyện. Cha tôi cũng là một trong những người của ban tổ chức. Buổi nói chuyện Xuân Diệu nói về đề tài công việc làm thơ. Thơ ca là một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, nhưng cũng vất vả nhọc nhằn. Chẳng tươi mát, thú vị, nhẹ nhàng như kiểu những câu thơ "Yêu là chết ở trong lòng một ít" của ông.

Ấn tượng tôi nhớ lâu nhất về Xuân Diệu là ông yêu cầu ban tổ chức đưa vào trong bức tượng bán thân của Bác Hồ mà người ta vẫn thường trang trí như hình ảnh vẫn thường thấy trong các buổi sinh hoạt đoàn thể. Xuân Diệu nói đại ý, ông không thể đứng trước mặt Bác mà nói chuyện. Như thế là sự vô lễ. Mà nhất là buổi nói chuyện thơ hôm nay ông chỉ xoay quanh đề tài Thơ ca và Tình yêu.

Đó là những kỷ niệm thật khó quên về thi sĩ được mệnh danh là ông hoàng thơ tình...

3. Cuộc gặp gỡ nhà thơ Hữu Loan lại mang một vẻ đẹp khác. Đầy bụi đời và vỉa hè. Không thể quên nét phong trần sương gió của thi sĩ lúc xuất hiện ở Đà Nẵng với tư cách "nhà thơ chui". Bởi ông hình như không còn biên chế, hội viên, sinh hoạt trong một hội văn nghệ nào cả. Nghe cha tôi kể, sau sự cố Nhân văn, ông bỏ Hà Nội về Thanh Hóa xẻ núi, thồ đà để kiếm sống. Một nghị lực, can trường hiếm có. Ông cũng không hề biết bài thơ Màu tím hoa sim của mình nổi tiếng được nhiều bạn đọc phương Nam yêu mến. Trước 1975 tại Sài Gòn đã có nhiều nhạc sĩ phổ bài thơ này nhưng nổi tiếng nhất là hai bản của Dũng Chinh và Phạm Duy. “Nàng có ba người anh đi bộ đội / Những đứa em nàng có em chưa biết nói / Khi tóc nàng xanh xanh...".

Nhà thơ Hữu Loan, trên đường thiên lý

Chuyến hành phương Nam đầu tiên của ông sau 1975 cũng là chuyến ông tạt ngang Đà Nẵng du thú, gặp gỡ với bạn bè. Khác với Xuân Diệu, được tiếp đón trọng đãi, Hữu Loan gần như "vô danh" trên mọi phương tiện truyền thông. Và ngồi với ông cũng chỉ một số ít nhà thơ, bạn đọc "rỉ tai" nhau thực sự cam đảm vì sợ liên luỵ. Là đứa trẻ đi theo cha ngày ấy để gặp Hữu Loan, tôi còn nhớ một việc khó quên đó là vài ngày sau, khi cha tôi đi công tác, nửa đêm công an phường đã đến gọi cửa gia đình tôi để kiểm tra hộ khẩu, xem thử có khách tạm trú nào ở lại mà không khai báo hay không? Nhưng lúc đó Hữu Loan đã rời Đà Nẵng. Số phận một nhà thơ không chỉ trắc ẩn qua bài thơ, con chữ mà còn hệ lụy qua đời sống.

Có một sự thật là bài thơ Màu tím hoa sim có rất nhiều phiên bản khác nhau. Hình như nhà thơ đã sửa chữa và viết thêm nhiều đoạn trong bài thơ bất hủ này. Đặc biệt là đoạn giữa "Nhưng không chết người trai khói lửa / Mà chết người gái nhỏ hậu phương / Tôi về không gặp nàng / Má tôi ngồi bên mộ con / Đầy bóng tối / Chiếc bình hoa ngày cưới / Thành bình hương tàn lạnh vây quanh" và đoạn cuối "Chiều hành quân / qua những đồi sim / Qua những đồi hoa sim / Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết / Màu tím hoa sim / Tím cả chiều hoang biền biệt / Nhìn áo rách vai / Tôi hát trong màu hoa / Áo tôi đứt chỉ đường tà / Vợ tôi chết sớm mẹ già chưa khâu..." có đôi chút thay đổi về câu chữ, hình ảnh. Vì thế, những bản chép tay bài thơ của chính nhà thơ Hữu Loan tặng bạn bè lại vô cùng đặc biệt.

4. Một trong những kỷ niệm đẹp khác của tôi thời thơ ấu là với nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Hai chú cháu gắn bó lâu nhất. Đó là một thời điểm ông chăm sóc cô em gái bị ốm nằm tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Ban ngày ông đi công việc, tối về ngủ chung với tôi trên tấm phản ở phòng khách. Ông là người cho tôi thấy sự thú vị của nhà thơ khi làm thơ. Bài thơ luân chuyển rất thông minh. Khi ngẫu hứng, lúc rình bắt để xâu chuỗi rất nhiều hình ảnh độc đáo. Thơ ông vì thế vừa dân dã, vừa gai góc, vừa truyền thống lại hiện đại. Cái hay của thơ ông là dễ thuộc dễ nhớ. Làm thơ mà khó nhớ là một nhược thế.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và người viết. Hà Nội, tháng 3.2017.

Ông và cha tôi thường ngồi ở một cái quán nước nhỏ ở ga. Một lần ông đi về khuya sao đó, bị giữ lại, tra hỏi, ông viết câu thơ ngồ ngộ, kỳ lạ “Gặp công an tôi có đủ giấy tờ”. Giấy tờ và công an mà vào thơ thì đủ biết một thời khó khăn như thế nào?

Nguyễn Trọng Tạo đã viết một bài thơ về Đà Nẵng rất hay nhưng rất ít người biết. Có lẽ chính ông đã quên? Riêng tôi thì nhớ bài thơ này do ông chép tặng bằng nét chữ rất đẹp vào sổ tay của cha tôi. Viết trong lúc say. Hôm nay tôi giới thiệu cùng bạn đọc bài thơ ấy.

Đà Nẵng cùng tôi cạn chén thôi

Sông Hàn lảo đảo núi lẫn trời

Bạn bè quen lạ lang thang phố

Tôi đến hay là em đến tôi?

Đà Nẵng cùng tôi mưa nắng nhiều

Mây hờn gió dỗi hay tình yêu

Ở đâu em trốn trong trời đất

Tôi lạc em về ngõ phong rêu

Đà Nẵng cùng tôi giã từ chăng?

Hải Phòng, Trần Phú gió Bạch Đằng

Những con đường ấy chân tôi bước

Rồi một khuya nào chỉ còn trăng

Rồi một khuya nào rượu ngà say

Bạn bè mỗi đứa một ban ngày

Nhớ nhau cười nói vang đêm vắng

Trái đất hay là giọt rượu bay...

(Đà Nẵng, tặng Đông Trình - Thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Khi tôi viết những dòng này thì cả hai thi sĩ Xuân Diệu và Hữu Loan đã thành người thiên cổ.

Nhưng trong ký ức tôi, dường như các ông bất tử. Vì những câu thơ, bài thơ hay của các ông mãi là còn lại trong lòng người và độc giả.

Và phải chăng, không phải thi sĩ mà chính bài thơ mới là gương mặt thời gian !? ...

Sài Gòn, 3.5.2017

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gương mặt thời gian