Chính quyền Hà Nội yêu cầu các quận huyện phải kiểm tra việc ban hành văn bản không thống nhất với chủ trương, kế hoạch của trung ương và thành phố.

Hà Nội chấn chỉnh các địa phương sau vụ văn bản tiêm vắc xin tự trả phí

Lam Thanh | 12/06/2021, 16:41

Chính quyền Hà Nội yêu cầu các quận huyện phải kiểm tra việc ban hành văn bản không thống nhất với chủ trương, kế hoạch của trung ương và thành phố.

Ngày 11.6, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng ký ban hành Văn bản số 1835/UBND-KGVX gửi các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã về quán triệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2021-2022.

vac-xin.jpg
Hà Nội đã chấn chỉnh các quận, huyện về việc ra văn bản về tiêm vắc xin

Văn bản nêu rõ, nhằm đảm bảo việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2022, theo Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 7.5.2021 của UBND thành phố, đảm bảo đúng quy định, công bằng, minh bạch; tiêm miễn phí cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26.2.2021 của Chính phủ, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm một số nội dung sau:

UBND các quận, huyện, thị xã triển khai xây dựng kế hoạch, rà soát, lập danh sách đối tượng theo thứ tự ưu tiên tiêm vắc xin phỏng COVID-19 cho người dân trên địa bàn theo đúng chỉ đạo tại Kế hoạch số 118/KH-UBND ngày 7.5.2021 của UBND thành phố.

Cùng với đó, cần phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả phong trào vận động theo đúng tinh thần chỉ đạo của trung ương và thành phố; huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 theo chỉ đạo tại Văn bản số 1712/UBND-KT ngày 2.6.2021 của UBND thành phố.

Đồng thời, cần chỉ đạo rà soát, kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh việc ban hành văn bản không rõ nội dung, không thống nhất với chủ trương, kế hoạch mà thành phố đã ban hành. Thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, đổi mới, sáng tạo các hình thức, biên tập nội dung, tăng cường tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn để kịp thời nắm bắt, thực hiện và ủng hộ chủ trương của chính phủ và thành phố.

Ông Dũng cũng yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông tiếp tục phối hợp Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các hoạt động truyền thông về ý nghĩa, mục đích và các chính sách của Thành phố để người dân hiểu, kịp thời nắm bắt thông tin và ủng hộ chủ trương của Chính phủ và Thành phố; nắm bắt các thông tin phản ánh của nhân dân, dư luận, chủ động trao đổi, kịp thời hướng dẫn các quận, huyện, thị xã.

Sở Y tế thực hiện các nhiệm vụ của ngành y tế theo chỉ đạo của Bộ Y tế và thành phố. Tổ chức việc thực hiện, triển khai Kế hoạch tiêm vắc xin phỏng COVID-19 theo đúng lộ trình, hiệu quả, kịp thời.

Trước đó, ngày 10.6, mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh về việc UBND thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội ban hành công văn khảo sát nhu cầu sử dụng vắc xin. Trong văn bản này thể hiện người dân phải trả tiền nếu tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19, khiến dư luận xã hội xôn xao.

Cụ thể, theo nội dung Công văn số 178 của UBND thị trấn Đông Anh, thực hiện Công văn số 1546/BCĐ-YT ngày 1.6 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Đông Anh về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tại cộng đồng trên địa bàn huyện, UBND thị trấn Đông Anh yêu cầu các tổ dân phố tổ chức thống kê, đăng ký, cam kết tự nguyện với việc tiêm vắc xin của cá nhân theo từng hộ gia đình, đảm bảo tính chính xác của số liệu bằng văn bản. Kinh phí tiêm vắc xin sẽ do người sử dụng chi trả.

Các trường hợp không phải rà soát lại do đã được lập danh sách trước đây, gồm: người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, người hưởng chế độ chính sách, thành viên tổ COVID-19, giáo viên và công an.

Nhiều ý kiến cho rằng kinh phí tiêm vắc xin sẽ do người sử dụng tự chi trả là không hợp lý, bởi đã có quỹ vắc xin phòng COVID-19, mà quỹ này để mua và nghiên cứu vắc xin. Trong khi đó, dân muốn tiêm lại phải bỏ tiền là không hợp lý.

Ngay trong ngày 10.6, UBND thị trấn Đông Anh đã ra Công văn số 186 để thu hồi Công văn số 178 kể trên.

Cũng trong ngày 11.6, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã ký Văn bản số 1712/UBND-KT gửi Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã về việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19.

Theo đó, giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan xây dựng phương án tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ, tài trợ kinh phí cho Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của các quận, huyện, thị xã để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 cho người dân địa bàn các quận, huyện, thị xã.

Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn chủ động nguồn kinh phí để đảm bảo việc tiêm vắc xin cho cán bộ, công nhân, người lao động của doanh nghiệp, đơn vị.

UBND các quận, huyện, thị xã có văn bản tổng hợp, báo cáo việc huy động xã hội hóa nêu trên trước ngày 15.6.2021, gửi Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội chấn chỉnh các địa phương sau vụ văn bản tiêm vắc xin tự trả phí