Phương án tăng học phí tại các trường công lập đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội chính thức thông qua.
Mức học phí này sẽ được áp dụng cho các đối tượng trẻ em học mầm non, học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tại các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 14 đã thông qua quyết định về mức học phí tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Bắt đầu từ ngày 1.1.2016 sẽ chính thức áp dụng mức thu học phí đối với học sinh mầm non, phổ thông, GDTX công lập trên địa bàn trong năm học 2015 - 2016 ở khu vực thành thị từ 40.000 đồng/tháng lên 60.000 đồng/tháng; học phí ở khu vực nông thôn tăng từ 20.000 đồng/tháng lên 30.000 đồng/tháng; học phí ở khu vực miền núi là 8.000 đồng/tháng. Khung học phí giáo dục đại trà của các trường giáo dục mầm non đến THPT năm học 2015 - 2016 được quy định: Khu vực thành thị từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng. Khu vực nông thôn từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng, khu vực miền núi từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng.
Riêng các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao vẫn giữ nguyên mức thu học phí như hiện tại. Cụ thể, trường mầm non và tiểu học thu 3,2 triệu đồng/tháng. Trường THCS và THPT mức thu 3,4 triệu đồng/ tháng.
Việc tăng học phí liệu có làm giảm sự lạm thu hoặc núp bóng tại các trường công lập như hiện nay?
Theo UBND TP.Hà Nội, các mức tăng trên chỉ đạt “mức sàn” - mức thấp nhất theo quy định của Nghị định 86, tạo điều kiện cho mọi trẻ em có cơ hội tới trường, thể hiện chính sách ưu đãi của thành phố Hà Nội dành cho giáo dục. Từ năm học 2016 - 2017, sẽ giao các sở, ngành tiến hành rà soát, tính toán đề xuất mức thu học phí phù hợp điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.
Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mức thu học phí như vậy ở khu vực Hà Nội so với thu nhập thì không ảnh hưởng quá nhiều tới kinh tế của các gia đình. Song mức tăng này liệu có giúp các trường tăng chất lượng dạy và học, cũng như hạn chế được tình trạng lạm thu diễn ra lâu nay? Chưa kể đến việc trường lợi dụng tự chủ để lạm thu, chính vì vậy cần có những chính sách minh bạch hơn cho việc tăng học phí này.
Bên cạnh đấy, ông Nhĩ cũng đề xuất tăng học phí thì nên tăng thêm tiền đứng lớp cho các giáo viên, để từ đó các giáo viên chuyên tâm hơn trong việc giảng dạy của mình, không còn bị áp lực quá nhiều về kinh tế nữa.
Có thể dễ dàng nhận thấy, với mức học phí hiện tại chỉ có 40.000 đồng/học sinh/tháng (ở mầm non) không đủ để các trường công lập đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị dạy học. Vì vậy, nhiều trường đã nghĩ ra nhiều cách như phối hợp các trung tâm đào tạo, các cơ sở chụp ảnh… để kêu gọi phụ huynh đóng góp cho con học thêm, mua sắm đồng phục, đi tham quan, chụp ảnh lưu niệm...
Nhận định về chính sách học phí mới, ông Bùi Hồng Quang, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng việc tăng hoc phí không tác động lớn đến học sinh cũng như người dân. Theo ông Quang, việc xây dựng học phí lần này chưa tính đến tăng đồng loạt để bù đắp chi phí. Do hiện nay kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập của người dân còn thấp nên không thể tăng đại trà học phí.
Minh Khuê