Tổng công ty Điện lực Hà Nội sẽ tạm ngừng cấp điện để đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống lưới điện trong khu vực bị ngập lụt.
Ngày 11.9, hoàn lưu bão số 3 gây mưa kết hợp lũ lớn từ thượng nguồn đổ về đã khiến mực nước các sông lên cao, gây ngập lụt nghiêm trọng trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Sóc Sơn... Một số khu vực tại các quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm... nước sông Hồng cũng lên nhanh, gây mất an toàn cung cấp điện.
Trước tình hình đó, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đã triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp, tạm ngừng cấp điện để đảm bảo an toàn cho người dân và hệ thống lưới điện trong khu vực bị ngập. Cùng với đó, cán bộ, công nhân đã phối hợp với các lực lượng chức năng, ứng trực, sẵn sàng triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn điện bất kể ngày đêm.
Ngoài ra, ngành điện TP cũng cam kết khôi phục nguồn điện nhanh nhất theo phương châm "nước rút đến đâu, cấp điện đến đó".
Do ảnh hưởng bởi gió bão lớn, và hoàn lưu sau bão nhiều đường dây và trạm biến áp phân phối ở nhiều tỉnh, thành phố ở phía bắc bị sự cố. Tổng công ty Điện lực miền Bắc cho biết đến sáng 11.9 đã khôi phục vận hành được 1.376/1.604 đường dây trung áp bị sự cố do ảnh hưởng bão. Đồng thời, đến sáng 11.9 đã khôi phục cung cấp điện được cho 4,8 triệu khách hàng trên tổng số hơn 5,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng do bão Yagi (tương ứng 81,3%).
Từ đêm 9.9 đến nay, mưa lớn liên tục đã gây lũ lớn tại một số tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai gây ngập lụt tại 15 khu vực dẫn tới gây mất điện khoảng 400.000 khách hàng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đến nay lưới điện 500kV đã khôi phục được 11/13 sự cố. Lưới điện 220kV đã khôi phục được 40/44 sự cố; đã khôi phục 10/10 trạm biến áp 220kV. Lưới điện 110kV đã khôi phục được 158/187 sự cố, đã khôi phục và đưa vào vận hành 94/120 trạm biến áp 110kV.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây ảnh hưởng đến đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh thành: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.
Đồng thời, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ. Lũ trên các sông, suối lên gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu. ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình.