Trong những ngày gần đây, quất Tứ Liên – một vùng trồng quất trứ danh ở Hà Nội bỗng dưng xuất hiện bệnh thối rễ khiến cây bị vàng lá, héo quả và chết rũ nhiều. Người trồng quất đã tìm mua đủ các loại thuốc về phun chữa trị cho cây nhưng tình trạng quất chết vẫn diễn ra rất phổ biến.  

Hà Nội: Quất Tứ Liên mắc bệnh thối rễ, chết hàng loạt trước tết

Một Thế Giới | 21/12/2014, 20:01

Trong những ngày gần đây, quất Tứ Liên – một vùng trồng quất trứ danh ở Hà Nội bỗng dưng xuất hiện bệnh thối rễ khiến cây bị vàng lá, héo quả và chết rũ nhiều. Người trồng quất đã tìm mua đủ các loại thuốc về phun chữa trị cho cây nhưng tình trạng quất chết vẫn diễn ra rất phổ biến.  

Quất chết hàng loạt trước Tết

Quất Tứ Liên (Tây Hồ) là một thương hiệu nổi tiếng ở Hà Nội trong những dịp Tết nguyên đán. Mỗi dịp cuối năm, cả làng xuất bán hàng triệu cây quất cảnh ra thị trường Hà Nội và những địa phương lân cận. Tuy nhiên, năm nay, người trồng quất đang lo lắng vì vào thời điểm gần cuối năm, quất bị mắc bệnh thối rễ, héo rũ, chết rất nhiều.

Đến phường Tứ Liên vào khoảng thời gian này, nhìn quanh những vệ đường, đầu ruộng... đâu đâu cũng thấy đầy những xác quất đã khô, còn mới được người dân nhổ lên chất thành đống. Đi sâu vào bên trong các luống quất, rất nhiều cây đang héo rũ, vàng lá, quả nhăn nheo… chờ chết.
quat-Tu-Lien-hinh-anh-1
Người dân mang những cây quất bệnh, chết vứt la liệt ở dọc đường làng. 
Vừa trở một cây quất héo sắp chết từ trong vườn ra ngoài đường vứt, bác Nghĩa ở cụm 4, phường Tứ Liên cho biết: “Quất héo và chết rũ nhiều quá, trong vườn không có chỗ vứt nữa nên tôi mang ra vệ đường vứt để khi nào khô thì đốt đi”.

Theo chia sẻ của bác Nghĩa thì nhà bác có gần 2 sào đất trồng quất với khoảng gần 200 gốc. Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần trở lại đây, nhiều cây quất trong vườn nhà bác bỗng có hiện tượng vàng lá, quả héo rũ. Mặc dù đã phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích ra dễ những cây vẫn cứ héo và chết.

“Cả vườn gần 200 gốc chắc cũng phải có đến hơn 50 gốc đang mắc bệnh. Tôi đi hỏi khắp nơi, phun đủ các thứ thuốc rồi mà cây vẫn không khỏi. Nếu tình trạng quất héo, chết không ngừng thế này thì vụ quất này gia đình tôi chỉ mong gỡ hòa vốn chứ không mơ gì lãi lời. Tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công sức bỏ ra coi như mất trắng”, bác Nghĩa chia sẻ.
quat-Tu-Lien-hinh-anh-2
Quất chết héo khô nhiều ở trong ruộng mà người dân không buồn nhổ. 
Cách vườn nhà bác Nghĩa không xa, vườn quất của gia đình anh Dũng, chị  Miến còn thê thảm hơn nhiều khi một số lượng lớn quất đang vàng và chết rũ.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Dũng cho biết: “Năm nay, nhà tôi trồng hơn 500 gốc quất nhưng đến giờ phải hơn một nửa số quất đã mắc bệnh. Gia đình tôi đã nhổ bỏ vài chục gốc chết héo, số còn lại đang trong tình trạng sống dở chết dở”.

Anh Dũng cho biết thêm, kể từ ngày phát hiện quất bị bệnh, ngày nào gia đình anh cũng phun các loại thuốc trừ sâu, thuốc chống sương muối, thuốc kích thích dễ… nhưng quất vẫn không hồi phục lại.

Chỉ tay về phía những luống quất đang héo vàng, anh Dũng buồn rầu nói: “Thà chúng cứ chết hẳn đi để chúng tôi nhổ lên trồng cây mới còn không xót, Đằng này chúng cứ sống dở chết dở, nhổ thì tiếc mà chăm sóc tiếp thì tốn tiền và công sức mà chắc gì tết này đã có ai mua. Cả năm có mỗi cái tết, người ta chơi quất tết là để mang lộc về nhà thì ai thèm rước những cây quất lá vàng, héo rũ này về”.
quat-Tu-Lien-hinh-anh-3
 Nhiều diện tích quất ở phường Tứ Liên vẫn đang vàng lá, héo rũ chờ chết.
Là một người có kinh nghiệm hơn 30 năm trồng quất nhưng vườn quất của gia đình bác Mai cũng không thoát khỏi tình trạng quất héo, chết năm nay. Vườn quất khoảng 1000 gốc của gia đình bác đã mắc bệnh đến 2/3, số chết đã nhổ lên cũng phải đến hơn 100 gốc.

Lý giải về nguyên nhân quất chết hàng loạt, bác Mai cho biết: “Quất chết thì năm nào cũng có nhưng năm nay số lượng lớn hơn rất nhiều. Nguyên nhân là do vào thời điểm người dân đang tiến hành đảo quất để tạo dễ (rễ - tiếng địa phương) cho cây thì gặp phải nhiều trận mưa lớn, mưa axit. Nước đọng lại khiến cây bị thối dễ và sinh trưởng kém rồi từ từ chết héo”.

Cũng theo bác Mai thì hầu hết gần 400 hộ dân trồng quất ở phường Tứ Liên thì gia đình nào cũng bị tình trạng quất héo, chết này. Nhà nào ít thì cũng vài chục gốc, nặng thì hàng trăm gốc. “Không chỉ riêng nhà tôi mà nhiều nhà khác nữa không khéo mất Tết vì quất năm nay chứ chả đùa”, bác Mai cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Một Thế Giới, bà Nguyễn Thị Bính, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp phường Tứ Liên cho hay, toàn phường có tổng diện tích khoảng 20ha đất với gần 400 hộ trồng quất. Năm nay, quất có hiện tượng chết nhiều, nguyên nhân theo bà Bính một phần do mưa nhiều khiến cây bị thối rễ nhưng nguyên nhân chính chủ yếu là do nông dân trồng tự phát, không đúng kỹ thuật cộng với việc chăm bón quá đà, phun thuốc trừ sâu bừa bãi…khiến cho cây mắc bệnh và chết.
Để hạn chết quất chết, bà Bính cũng khuyến cáo người trồng quất nên chăm sóc, phun thuốc ra rễ để cây được phục hồi trở lại và từ vụ sau, bà con nên trồng đúng với kỹ thuật đã được phổ biến để hạn chế các loại bệnh phát triển trên quất.

Giá quất Tết sẽ tăng?

Theo dự đoán của nhiều người dân, giá quất bán ra vào dịp Tết nguyên đán năm nay có thể sẽ tăng hơn so với những năm trước do tình trạng quất chết càng ngày càng diễn ra nhiều.

“Quất chết nhiều như thế này thì chắc chắn chúng tôi sẽ phải nâng giá bán lên hơn mọi năm một chút để bù lại một phần công sức bỏ ra và hạn chế thua lỗ”, bác Sơn, một người trồng quất ở cụm 4, phường Tứ Liên cho hay.
quat-Tu-Lien-hinh-anh-4
Nhiều cây quất bị bệnh được người dân nhổ lên vứt tại ruộng để đỡ hại đất và chờ trồng cây mới.
Để đầu tư cho vườn quất, mỗi gia đình ở Tứ Liên phải bỏ lên đến hàng trăm triệu đồng tiền vốn, phân bón, thuốc trừ sâu… đó là chưa kể công chăm sóc ngày đêm để có được cây quất cảnh đẹp bán ra đúng dịp tết.

Theo bác Sơn, giá trung bình của quất cảnh năm nay sẽ tăng khoảng từ 100.000 đến 1 triệu đồng/gốc so với năm trước tùy vào kích thước và dáng của mỗi cây. Đối với những cây nhỏ có giá dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/gốc, cây nhỡ có giá từ 700.000 – 1,5 triệu đồng/gốc, loại quất thế to cao khoảng 3 mét trở lên có giá dao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/gốc…

Tuy nhiên, người trồng quất cũng không loại trừ trường hợp nếu nền kinh tế không ổn định, thu nhập và thưởng tết của người dân không nhiều thì xu hướng chơi quất cảnh cũng không cao. Người dân có thể sẽ chuyển sang chơi các loại như đào, mai…vào dịp tết. Vì thế, người trồng quất có thể sẽ lựa vào thị hiếu và thị trường để điều chỉnh giá cả phù hợp hơn.
quat-Tu-Lien-hinh-anh-5
Các hộ trồng quất đều đang tích cực phun thuốc kích thích ra rễ để cứu cây với hy vọng mong manh. 
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào thời điểm này tại các vườn quất ở Tứ Liên, chưa có khách nào tìm đến đặt hàng vì còn khá sớm. Thông thường khoảng trước Tết chừng 1 tháng, lúc đó người dân mới bắt đầu đến vườn xem, những khách quen thì gọi điện đặt hàng trước.

Đối với những cây quất bị bệnh, người dân vẫn đang hàng ngày chăm sóc, bón phân, phun thuốc ra rễ để chữa trị với hy vọng mong manh. Còn đối với những cây vẫn khỏe mạnh, người dân đang bắt đầu tạo thế và ngắt bớt hoa để kích thích hoa nở đợt mới vào đúng dịp tết.

 Triệu Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
11 phút trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Quất Tứ Liên mắc bệnh thối rễ, chết hàng loạt trước tết