Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, khu vực công cộng, chợ, siêu thị và trung tâm thương mại ở Hà Nội là những khu vực bắt buộc người dân đeo khẩu trang phòng dịch.
Chiều 11.11, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các đơn vị liên quan.
Tại cuộc họp, ông Quý đã yêu cầu lực lượng chức năng kiểm soát chặt việc bắt buộc đeo khẩu trang tại địa điểm công cộng, đặc biệt là năm địa điểm nêu trên.
"Các khu vực trên phải bố trí người kiểm soát chặt chẽ, ai không có khẩu trang không cho vào, bố trí điểm bán khẩu trang ngay ở cửa", ông Quý nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết đã lập 5 đoàn kiểm tra trên 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn để kiểm soát chặt việc bắt buộc đeo khẩu trang tại địa điểm công cộng.
Theo ông Hiền, hiện nay tại các khu vực công cộng, người dân không đeo khẩu trang và cũng không có người quản lý kiểm tra. Do vậy, Ban Quản lý các chợ, chung cư, bến xe cần phải kiểm tra, xử lý nghiêm việc bắt buộc đeo khẩu trang. Các quận, huyện, phường, xã báo cáo số liệu từ giai đoạn trước cần cập nhật, đôn đốc nhắc nhở việc xử phạt nghiêm các vi phạm.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trưởng đoàn kiểm tra số 2 cho biết, trong buổi kiểm tra đột xuất vào Chủ nhật vừa qua, hầu hết người dân có mặt tại các phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm đều có khẩu trang nhưng khi đi qua chốt kiểm soát thì lại bỏ ra.
"Khi được hỏi thì người dân nào cũng nói bỏ ra để ăn uống. Đây là việc làm cần phải giám sát chặt chẽ hơn. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền về việc từ ngày 1.11 nếu không đeo khẩu trang thì sẽ bị phạt tiền từ 1-3 triệu đồng", bà Hà nói.
Bà Hà cũng cho biết thêm ở các trung tâm thương mại, siêu thị, nơi đông người nếu người dân không thực hiện đeo khẩu trang thì nhất định không được vào mua, bán.
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện về y tế công cộng Việt Nam đánh giá cao Hà Nội vẫn quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là việc đeo khẩu trang. Ông Phu cho rằng Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương được đánh giá có nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập do có sự giao lưu đi lại lớn. Vì vậy, các biện pháp phòng, chống dịch quan trọng nhất hiện nay là phát hiện sớm và cách ly triệt để, không để ca bệnh trong khu cách ly lọt ra cộng đồng.
Về vấn đề vắc xin, theo ông Phu, hiện có hàng trăm hãng tham gia sản xuất vắc xin. Tại nước ta có 4 đơn vị đang nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Dự kiến, đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, nước ta mới có vắc xin COVID-19. Do đó, hiện việc phòng dịch chủ yếu vẫn là biện pháp dự phòng, tuân thủ "5K", đeo khẩu trang theo hướng dẫn của Bộ Y tế.