Trong “ma trận” đồ uống vỉa hè hiện nay, độc hại hàng đầu có lẽ là nước siro giải khát bằng hóa chất với đủ hương vị trái cây. Với lợi nhuận khủng khiếp từ mặt hàng này, nhất là mùa hè, thức uống này được hàng nghìn cơ sở kinh doanh gác sang một bên vấn đề lương tâm và chất lượng, chỉ cần tiêu thụ càng nhiều càng tốt.
Dễ hơn mua rau và siêu lợi nhuận
Không khó khăn để có thể cầm trên tay một ly nước hoa quả thơm mát, hấp dẫn, mùi vị, màu sắc không khác gì nước ép từ trái cây được làm từ siro giả, xuất xứ không rõ nguồn gốc.
Những cốc nước hoa quả này được pha chế theo công thức cực kì đơn giản, gồm một lượng nhỏ siro đậm đặc và nước, khuấy đều lên, nếm vừa miệng. Tiếp đó, các nhà hàng đóng gói sẵn, tiền trao cháo múc cho khách hàng hết sức chóng vánh.
|
Cận cảnh một quán giải khát dùng siro hóa chất - ảnh Trí Lâm |
Theo quan sát của PV Một Thế Giới, tại Hà Nội, các hộ kinh doanh đến khu vực chợ Đồng Xuân, Hàng Buồm, Cao Thắng, Nguyễn Thiện Thuật… để lấy hàng. Bên cạnh những chai siro chất lượng, một số hộ kinh doanh siro không rõ nguồn gốc bán thêm loại này với giá hết sức rẻ mạt. Tuy nhiên, đây lại là mặt hàng bán chạy, vào mùa nắng, trung bình mỗi hộ kinh doanh có thể bán đi hàng chục lít siro một ngày.
Phố Hàng Buồm là nơi được bày bán khá nhiều siro với hàng chục cửa hàng san sát nhau, có đủ chủng loại và nhãn hiệu, xuất xứ.
Bà chủ quán số 86 Hàng Buồm cho biết, tại đây, loại siro rẻ nhất có giá 50.000/can 2 lít, loại thứ hai đựng trong chai nhựa 600 ml có giá 55.000 đồng và loại thứ ba đựng trong chai sành 750 ml, có giá tới 150.000 đồng.
|
Siro nhập khẩu, mỗi chai 750ml có giá từ 150-200.000 đồng, trong khi hàng trôi nổi chỉ 50.000 đồng/ chai 2 lít - ảnh Trí Lâm |
"Những loại xuất xứ từ Pháp, Thái Lan có giá đắt hơn gấp nhiều lần so với trong nước hoặc nơi khác" - bà chủ quán cho biết.
Cũng theo chủ quán, tỷ lệ pha nước thường là 1 Siro và 4 nước. Đó cũng là câu trả lời của nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này tại Hàng Buồm.
Tuy nhiên, chỉ có những loại siro đựng trong chai sành có giá từ 150-200.000 đồng/chai là hàng thật vì có tem mác, xuất xứ rõ ràng. Song loại này tiêu thụ kém hẳn so với loại đựng trong chai nhựa. Lý do rất đơn giản, hàng thật luôn có giá đắt hơn mà dung tích lại nhỏ hơn so với hàng giả, hàng kém chất lượng.
|
Nhiều quán trà sữa, thạch cũng sử dụng nguyên liệu siro trôi nổi nhằm tiết kiệm chi phí - ảnh Trí Lâm |
Bà chủ tại cửa hàng 86 Hàng Buồn cũng cho biết thêm, mỗi ngày cửa hàng của bà bán cả chục lít với đủ hương vị hoa quả như cam, táo, nho, lê, chanh leo, dưa hấu… Khi PV ngỏ ý muốn mua siro giá rẻ về bán, bà chủ còn hứa hẹn, nếu mua nhiều sẽ giảm giá vì loại hàng này bán rất chạy.
|
Rất nhiều Siro cực rẻ mang đủ hương vị trái cây, màu sắc và hương vị hầu hết được tạo thành từ hóa chất, không phải mùi thơm tự nhiên của trái cây - ảnh Trí Lâm |
Mỗi can siro 2 lít giá rẻ kể trên có thể pha được hàng trăm cốc nước hoặc túi nước hoa quả để bán ra thị trường với mức giá từ 5.000-10.000 đồng. Thậm chí tại các quán đồ uống chuyên giao hàng vào ban đêm thì chi phí cho mỗi cốc nước hoa quả rởm này có thể lên đến 15-20.000 đồng/cốc, chưa kể phí ship.
Kênh phân phối chính của loại nước giải khát này chính là các quán vỉa hè, các quán ship ăn đêm kèm nước uống. Trẻ em, học sinh, sinh viên cũng là đối tượng tiêu thụ chính của mặt hàng này, tuy nhiên, đại đa số chỉ quan tâm đến tác dụng giải khát nhất thời mà không bao giờ đặt dấu hỏi về chất lượng.
|
Những quán giải khát chủ yếu bán cho giới học sinh, sinh viên - ảnh Trí Lâm |
Lê Xuân Hải – sinh viên lớp báo in, Học viện báo chí – Tuyên truyền cho biết, khi nắng nóng thì những loại đồ uống này có tác dụng giải khát rất tốt và uống khá ngon miệng nên Hải thường không đến chất lượng. "Hơn nữa, bây giờ nói độc hại thì cái gì cũng độc hại cả", Hải cho biết.
|
Trẻ con rất thích uống loại nước này vì màu sắc cũng như hương vị hấp dẫn - ảnh Trí Lâm |
Một sinh viên khác là Nguyễn Thị Huyền – Học viện Tài chính cũng cho hay: "Mình đi làm thêm ở quán giải khát, siro được pha chủ yếu từ những can nhựa được bà chủ nhập về. Những can này đều có nhãn mác nhưng thông tin mập mờ, không rõ nguồn gốc, có lẽ xuất xứ từ Trung Quốc.
Huyền cho biết thêm, dù không được phân công đi mua siro nên không rõ mua từ đâu, nhưng muốn phân biệt loại siro này cũng khá đơn giản. Siro hóa chất có mùi hắc, nặng nếu ngửi từ can, còn siro thật có mùi thơm dịu, độ ngọt cũng không quá sốc như siro hóa chất bởi ngọt tự nhiên sẽ khác hẳn ngọt do đường hóa học và thơm hương liệu.
Nguy cơ gây ung thư, chết người
Do mập mờ về nguồn gốc, chất lượng không được kiểm định rõ ràng, vệ sinh an toàn thực phẩm bị buông xuôi nên trong những cốc siro giá rẻ này có thể chứa những hóa chất, màu thực phẩm, đường hóa học… quá lượng quy định cho phép, gây hại cho cơ thể con người là điều không thể tránh khỏi.
Đặc biệt, phần màu tổng hợp hóa học để tạo nên màu sắc hấp dẫn cho các loại siro đó như Amaranth (đỏ), Brilliant blue (xanh), Sunset yellow (vàng cam), Tartazine (vàng chanh)... được tạo nên từ các phản ứng tổng hợp hóa học, điều này trái hẳn với đạo đức cũng như luật pháp trong kinh doanh.
|
Chất tạo màu, tạo hương nếu sử dụng vượt mức quá nhiều lần có thể gây ngộ độc, ung thư - ảnh Trí Lâm |
Các loại siro này thường chứa các hóa chất như phẩm màu thực phẩm (E110), chất bảo quản (200), chất tạo ngọt tổng hợp (950), chất điều chỉnh độ chua (330), chất tạo hương…
Các chuyên gia y tế cho rằng, các chất này có thể sử dụng trong thực phẩm, tuy nhiên phải tuân theo liều lượng nhất định bởi nó có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người dùng nếu chúng ta dùng quá liều lượng cho phép. Không ít trường hợp dùng phải đồ uống có hại mà bị ngộ độc, thậm chí có thể gây ung thư.
Trên thế giới, tổ chức Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Châu Âu (BEUC) đã yêu cầu cấm sử dụng 6 chất phụ gia tạo màu là E110 (vàng cam), E122 (carmoisine), E102 (tartrazine), E124 (đỏ), E104 (vàng quinoleine), E129 (đỏ allura) và một chất bảo quản là E211 (sodium benzoat).
Những thực phẩm có hại cho sức khỏe người tiêu dùng luôn nằm trong danh mục cấm kinh doanh. Tuy nhiên, tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh lại vì có phần bị buông lỏng.
Trí Lâm