Với tiểu thuyết "Lãn Ông", đặc biệt là "Vạn Xuân", nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray đã mở ra một lối viết tiểu thuyết lịch sử mới, ít nhất cho Việt Nam, không lệ thuộc quá nhiều vào sự kiện lịch sử, vào nhân vật lịch sử, mà bằng trí tưởng tượng nhằm thể hiện được tinh thần của thời đại lịch sử.

Hải Thượng Lãn Ông trong mắt nữ sĩ phương Tây

Theo Người Đô Thị | 24/09/2022, 11:35

Với tiểu thuyết "Lãn Ông", đặc biệt là "Vạn Xuân", nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray đã mở ra một lối viết tiểu thuyết lịch sử mới, ít nhất cho Việt Nam, không lệ thuộc quá nhiều vào sự kiện lịch sử, vào nhân vật lịch sử, mà bằng trí tưởng tượng nhằm thể hiện được tinh thần của thời đại lịch sử.

Việt Nam không có hoặc ít có những ẩn sĩ thực thụ. Phần lớn những người đi ở ẩn không phải là đạo sĩ mà là nhà nho. Nguyễn Trãi khi bị thất sủng thì về Côn Sơn làm một ẩn sĩ bất đắc dĩ. Còn Lê Hữu Trác thì bỏ việc quan ở Thăng Long về núi rừng Hương Sơn xứ Nghệ làm nghề thuốc và dạy học. Số phận của hai con người đặc biệt này, so với tâm thức chung của dân Việt, đã lọt vào mắt xanh của nữ văn sĩ Pháp, Yveline Féray.

Phải nói rằng chọn (hay bị chọn) Nguyễn Trãi và Lê Hữu Trác làm nhân vật tiểu thuyết Vạn Xuân (Văn Học và Sudestasie, in lần 2, năm 2002) và Lãn Ông (Văn Hóa - Văn Nghệ, năm 2005) của mình, Yveline đã chọn đúng. Họ đều là người của những khúc quanh, bước chuyển của lịch sử Việt Nam. Bởi, chỉ ở khúc quanh thì vô thức lịch sử mới phun trào. Bởi, chỉ ở bước ngoặt thì một cá nhân mới mang vác nổi tâm thức thời đại.

Lê Hữu Trác quê ở làng Liêu Xá, Đường Hào, Hải Dương. Thời trẻ ông học giỏi, thi đỗ làm quan. Rồi đọc binh thư, bỏ bút cầm kiếm, làm võ quan phục vụ trong phủ chúa Trịnh. Sau khi lập được ít nhiều công trạng, ông đột ngột treo ấn từ quan, bỏ về quê mẹ thuộc xã Tình Diễm, Hương Sơn, trấn Nghệ An (nay thuộc Hà Tĩnh) làm nghề bốc thuốc, dạy học và viết sách.

haithuong.jpg
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Ảnh: TL

Bộ sách Y tông tâm lĩnh là bách khoa thư y học hầu như đầu tiên của Việt Nam. Một mặt, nó là sự kế thừa có phê phán của tác phẩm y dược học của Trung Hoa, mặt khác nó mở ra giai đoạn mới cho/ của y học Việt Nam, chấm dứt cách chữa bệnh kinh nghiệm (chủ nghĩa) tiến tới thực nghiệm. Tác phẩm này còn thể hiện sự độc lập suy nghĩ, bản lĩnh thầy thuốc của Lê Hữu Trác. Một tác phẩm lớn nữa, nhưng ở một lĩnh vực khác của Lê Hữu Trác là Thượng kinh ký sự. Tập bút ký kể chuyện chuyến lên kinh, vào phủ chúa để chữa bệnh cho Trịnh Sâm và thế tử Trịnh Cán. Nhưng Thượng kinh ký sự cũng là một bức tranh hiện thực về đời sống xã hội ở Thăng Long.

Lãn Ông của Yveline Féray là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Đây là một Lãn Ông chứ không hoàn toàn là một Lê Hữu Trác. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ Hương Sơn, khi Lãn Ông đang yên vui với thiên nhiên hoang sơ, với vườn rau ao cá, với đám học trò chất phác, người vợ hiền thục và cậu cháu đích tôn bi bô suốt ngày. Tuy nhiên, từ đầu năm Tân Mão 1781, cái hạnh phúc bình dị ấy bị đe dọa bởi một dự cảm: ông sẽ sớm bị nhổ khỏi quê hương để ra kinh đô chữa bệnh cho chúa qua sự tiến cử của Quận Huy vốn trước đây là Trấn thủ Nghệ An, nay là cánh tay phải của Trịnh Sâm. Rồi dự cảm ấy thành sự thật. Từ đây, tác giả tạo ra một hành trình lên kinh khác, hành trình của con người cá nhân, so với hành trình Thượng kinh ký sự của con người xã hội. Một đằng là sự vượt qua không gian địa lý, không gian xã hội; một đằng là đi tiếp vào không gian tâm lý và ít nhiều tâm linh.

Đến phủ chúa Trịnh ở kinh sư, Lãn Ông, kẻ đã chạy trốn khỏi chính trị lập tức rơi vào rốn bể chính trị. Bấy giờ, các vua Lê đã yên phận. Quyền cai trị đất nước thực sự ở phủ chúa. Trịnh Sâm có người trai trưởng là Tông/Khải, vốn lêu lổng bất tài nên bị phế. Ngôi đông cung thế tử được trao cho Cán, một cậu bé thể chất ốm yếu, con của người thiếp yêu đang giữ ngôi vị chánh cung là bà chúa Chè Đặng Thị Huệ. Quân thần chia thành hai phe, một ủng hộ Cán, một ủng hộ Khải.

Thực ra, Lê Hữu Trác được mời lên kinh để chữa bệnh cho Trịnh Sâm là chính nhưng Yveline lại đổi sang chữa bệnh cho Cán là chính. Điều này khiến Lãn Ông rơi vào tình cảnh "trên đe dưới búa". Chữa bệnh cho Cán là thuộc phe Cán rồi. Có nghĩa là đối đầu với phe Tông. Để thoát khỏi sự đối đầu phe phái, Lãn Ông đã chọn một lối ứng xử khôn khéo. Ông đóng vai, một mặt là “một người miền núi cổ lỗ lại thêm cái tính gàn nữa” (mà đã gàn thì người ta dễ thể tất). Mặt khác, một thầy thuốc thuần túy, lấy việc chữa bệnh và con bệnh là mối quan tâm duy nhất.

Chính trị là một quyền lực tuyệt đối và toàn diện. Ở đâu nó cũng có mặt, kể cả hoặc nhất là trong y thuật. Các thầy thuốc thuộc Viện Thái y, chữa cho Trịnh Cán tuyển dùng phương pháp công phạt để có hiệu quả tức thời, nhưng có hại về lâu dài. Người này làm việc đó để lấy lòng chúa cha, người kia để ngấm ngầm giúp Trịnh Tông ám hại Trịnh Cán. Không cần xem đơn thuốc, chỉ nhìn thể trạng của thế tử, Lãn Ông đã biết điều đó.

hai.jpg
Phiên bản Lãn Ông tiếng Pháp của Yveline Féray

Ông thấy trước mắt cần phải phục hồi chân khí, điều hòa âm dương cho Trịnh Cán, nhưng chữa như vậy thì kết quả sẽ rất chậm, ông sẽ bị lưu giữ vô thời hạn ở kinh đô. Suy nghĩ như vậy nên Lãn Ông chọn giải pháp “trung dung”: bốc những phương thuốc hòa hoãn, vừa giảm bớt nguy cơ cho người bệnh, vừa không gây ra hậu quả xấu cho chính mình. Tuy nhiên, khi bắt tay chữa cho thế tử, ông quên hết những toan tính của mình để chuyên tâm làm một thầy thuốc như từ mẫu, đồng thời thể hiện một hiểu biết y thuật tuyệt vời.

Ngoài ra, với đầu óc thực nghiệm, ông cũng rất tò mò về y học phương Tây mà bấy giờ đi theo hàng hóa và súng đạn đã vào Đàng Trong, và sau đó đến Phố Hiến. Dịp may là chúa Trịnh cho mời họ đến khám, điều trị cho Trịnh Cán. Sau khi thực hành khám tim, phổi, lưỡi, họng, bụng, gan… bằng các dụng cụ y học, bác sĩ Tây cho rằng thế tử bị chứng viêm màng bụng kinh niên. Cách chữa là chọc bơm vào bụng và hút hết dịch ra ngoài. Giải pháp này gây ra tranh luận giữa Lãn Ông và viên bác sĩ, qua đó thấy được sự khác biệt giữa Đông và Tây y.

Lãn Ông phê phán Tây y quá lệ thuộc vào y cụ và không hề tính đến yếu tố ý chí của bệnh nhân (nếu lưu ý đến việc ở Tây y ngày nay các bác sĩ quá lệ thuộc vào xét nghiệm nên dần dần đánh mất khả năng chẩn đoán thì sẽ thấy trực giác tiên tri của Lãn Ông). Trong khi đó Đông y động viên người bệnh tham gia cùng chữa bệnh để không tác hại đến sự thống nhất của bản mệnh người bệnh trong sự hài hòa với vũ trụ.

Lãn Ông, với cách chữa bệnh như vậy, dần dần trở thành một người bạn của Trịnh Cán, và ở chiều ngược lại Trịnh Cán cũng trở thành bạn của ông. Ông nhận ra trong cái thể xác ốm yếu của thế tử là một tâm hồn mạnh mẽ, già dặn và đặc biệt là thông minh, mẫn tiệp. Đông cung như người ở một cảnh giới khác nhìn cuộc đời, vương quyền, bạc vàng của cải, kể cả sinh mệnh của mình một cách bình thản, thấu suốt. Lãn Ông và thế tử đều biết rằng một thầy thuốc dù giỏi đến đâu thì cũng chỉ chữa được bệnh chứ không thể chữa được mệnh.

haithuong2.jpg
Nữ nhà văn Pháp Yveline Féray - Ảnh: TL

Trịnh Sâm chết, Trịnh Cán lên ngôi chúa, phe Trịnh Tông với lính kiêu binh chống lưng ầm ầm nổi dậy, giết Quận Huy. Trịnh Cán bí mật cho người đưa Lãn Ông về Hương Sơn với núi rừng, với gia đình, với y thuật, và để hoàn thành bộ Y tông tâm lĩnh. Rồi Cán bình thản đi vào cõi chết để tránh cho dân lành một cuộc chiến phe phái đầu rơi máu chảy.

Sự biến đổi một nhân vật lịch sử thành một nhân vật tiểu thuyết, một Lê Hữu Trác thành Lãn Ông do “tiểu hóa công” Yveline Féray thực hiện, đã cụ thể hóa, làm sâu sắc hơn, phong phú hơn hình tượng Lê Hữu Trác, một nhà văn học, một thầy thuốc xuất sắc. Đồng thời, quan trọng hơn, khiến cho ở nhân vật này, con người cá nhân này, ngưng kết được cái tinh thần của thời đại suy tàn vua Lê - chúa Trịnh.

Với tiểu thuyết Lãn Ông, đặc biệt là Vạn Xuân, nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray đã mở ra một lối viết tiểu thuyết lịch sử mới, ít nhất cho Việt Nam, không lệ thuộc quá nhiều vào sự kiện lịch sử, vào nhân vật lịch sử, mà bằng trí tưởng tượng nhằm thể hiện được tinh thần của thời đại lịch sử. Và do đó, chúng ta có một lịch sử chân thật hơn, một Lê Hữu Trác sống động hơn.

Đỗ Lai Thúy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải Thượng Lãn Ông trong mắt nữ sĩ phương Tây