Hạn mặn ở miền Tây Nam Bộ đang trở nên gay gắt. Ngày 17.2, Bộ NN-PTNT cùng UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Phòng chống xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo.

Hạn mặn trầm trọng ở ĐBSCL cũng do chính cách làm của chúng ta

Một Thế Giới | 18/02/2016, 11:24

Hạn mặn ở miền Tây Nam Bộ đang trở nên gay gắt. Ngày 17.2, Bộ NN-PTNT cùng UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị Phòng chống xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo.

Hạn mặn đã "cướp" hơn 1.000 tỉ đồng của nông dân miền Tây

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhận định: Hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng mạnh đến nước ta từ cuối năm 2014 và tiếp tục kéo dài đến năm 2016. Mùa khô năm 2015-2016 này, ngoài cường độ mạnh, El Nino còn kéo dài nhất trong gần 100 năm qua, lượng mưa đến trễ và kết thúc sớm.

Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 20 - 50%. Lượng dòng chảy các sông suối thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 - 50%. Một số nơi lên đến 80%. Mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua.

Do vậy, xâm nhập mặn vùng cửa sông ở Nam Bộ năm 2016 tiếp tục sâu hơn cùng kỳ của mùa khô năm 2015. Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn trên 4g/l xâm nhập sâu khoảng 50-70km tính từ cửa sông, có nơi sâu đến hơn 70km. Độ mặn sẽ còn tăng cao và kéo dài đến tháng 5.2016. Tính đến nay hạn mặn lấy đi hơn 1.000 tĩ đồng của người dân trồng lúa vùng ĐBSCL!

Ngay sau hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát tình hình xâm nhập mặn và công tác triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ngăn mặn tại tuyến đê bao Vị Thanh – Long Mỹ (Hậu Giang)…

Do chính chúng ta nữa       

Theo Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, hiện tượng khí hậu thay đổi khiến quả đất bị “hâm” nóng lên mỗi năm một cao thêm, tác động dây chuyền là nhiều nước phải đối mặt với hạn hán gay gắt. Và nguyên nhân khiến quả đất bị hâm nóng chính vì những hoạt động của con người như phá rừng... Cộng thêm nguồn nước dần cạn kiệt vì con người khai thác nhiều nước, phục vụ việc mở rộng sản xuất nông nghiệp...

Tại vùng ĐBSCL, nguồn nước ngọt được cung cấp chủ yếu từ sông Mekong. Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng hạn hán gay gắt xảy ra trong những năm gần đây ở vùng ĐBSCL chính từ tác động của hàng loạt con đập lớn nhỏ phục vụ thủy điện, nước tưới tiêu…được xây dựng trên sông Mekong, tại các nước phía thượng lưu như Trung Quốc, Thái Lan, Lào…

Vùng ĐBSCL là nơi chịu tác động trực tiếp phía thượng lưu và điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam. Giả như chỉ cần một cái đập mới được xây lên tại Lào là ảnh hưởng ngay đến nguồn nước ở ĐBSCL…

Tiến sĩ Dương Văn Ni (Trường đại học Cần Thơ) cho biết những đập nước phía thượng lưu sông Mekong thời gian qua đã gây tác động chính là thay đổi quy luật ngập, hạn, dù khách quan cho thấy tổng lượng nước đổ về  ĐBSCL hằng năm ít thay đổi.

Giả như khi mùa mưa bắt đầu tại Trung Quốc, thì do qua nhiều con đập giữ nước, đến khoảng 1 tháng sau nguồn nước này mới tràn về ĐBSCL. Và theo đó, khi nguồn nước đầy, các con đập được xả đồng loạt khiến nước lũ ở ĐBSCL lên rất nhanh.

Theo Chương trình Bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững đất ngập nước Mekong, ở hầu hết các lưu vực sông thì các dòng chảy tự nhiên đều bị thay đổi ở phạm vi nào đó nhằm đáp ứng nhu cầu định cư, nước tưới, kiểm soát lũ hoặc tạo ra năng lượng. Từ đó đã phát sinh một số ý kiến cho rằng phải có kế hoạch quản lý và phát triển bền vững các đập, công trình tưới trên cơ sở đối thoại và thảo luận giữa các bên…

“Nhưng chính chúng ta cũng đã tự gây hại”, ông Ni khẳng định. Nước vào mùa lũ thực ra mang nguồn phù sa, thủy sản dồi dào, giúp đẩy xâm ngập mặn ra khỏi đồng bằng. Theo ông, nhưng chính vì quan niệm lũ là thiên tai, phải “tống” đi càng sớm càng tốt như trong thời gian qua đã phát sinh hàng loạt công trình đê bao khép kín phía các tỉnh thượng nguồn ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp.

Do vậy, thay vì nước lũ được tràn đầy đồng như trước đây, thì nay chúng bị co cụm lại theo các dòng sông và lại theo sông Mekong rút nhanh về các tỉnh phía hạ nguồn.

Và hàng chục năm qua, các tỉnh phía hạ nguồn cũng ào ạt gia tăng hệ thống kênh mương, nạo vét sông rạch để thoát lũ nhanh. Hệ quả là nông dân phải gánh khi bắt đầu vào mùa khô: nước đã khan hiếm lại càng rút nhanh hơn khiến hạn hán gay gắt.

Và khi dòng chảy yếu đã khiến xâm ngập mặn ngày càng tăng là lẽ đương nhiên. “Rất ngạc nhiên là đến mùa hạn, hầu như địa phương nào cũng đồng loạt triển khai nhiều công trình nạo vét thủy lợi để nước càng…rút nhanh?”, ông Ni thắc mắc.

“Trước đây, ở Đồng Tháp có vùng Láng Biển nước tràn lênh láng hàng ngàn héc ta. Vào mùa khô, nước ở nơi này vẫn lênh láng. Nhưng rồi hàng loạt kênh rạch tiêu úng, xổ phèn… ra đời, khiến 10 năm qua nơi này chỉ còn trong ký ức”, ông Ni dẫn chứng.

Trước đây, khi ĐBSCL chưa đào kênh rạch nhiều, khá nhiều nơi vẫn bị…ngập vào mùa khô. Ông Ni cho rằng điều cứu vãn trước mắt là nên có kế hoạch khai thác các tiểu vùng đê bao khép kín, biến nơi đây thành các hồ trữ nước vào mùa khô với điều kiện phải đảm bảo lợi ích của người dân trong và ngoài các tiểu vùng.

Nguyễn Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạn mặn trầm trọng ở ĐBSCL cũng do chính cách làm của chúng ta