Vào cuối tháng 2, đội ngũ y bác sĩ Hàn Quốc ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 đã ghi nhận hiện tượng người được điều trị khỏi bệnh lại bị dương tính nữa. Con số tái dương tính tăng mạnh vài tuần qua và đã lên đến hơn 160 trường hợp – chiếm 2,1% tổng số ca chữa khỏi.
Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) Kwon Jun-wook cho biết: “Trong dịch SARS và MERS chúng tôi không thấy có người dương tính trở lại sau khi hoàn toàn hồi phục. Dường như SARS-CoV-2 xảo quyệt hơn nhiều”.
Hiện tượng tái dương tính nêu trên đặt ra hàng loạt nghi vấn lớn. Giới khoa học đưa hàng loạt cách giải thích: xét nghiệm sai, bệnh nhân loại bỏ vi rút không liên tục, vi rút tái hoạt động. Chưa thể xác định đây thực sự là tái nhiễm hay không, bởi nhiều chuyên gia nói rằng một người sau mắc bệnh sở hữu khả năng miễn dịch ít nhất 1 năm.
Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong ủng hộ cách giải thích SARS-CoV-2 tái hoạt động, tuy nhiên trung tâm này chưa đưa ra kết luận cuối cùng.
Vi rút “ngủ đông” rồi hoạt động lại chẳng phải chuyện lạ. Ebola vẫn có thể lây qua đường tình dục từ bệnh nhân hồi phục, người mắc thủy đậu lúc nhỏ có thể tái phát dưới dạng zona.
Chuyên gia Kim Woo-joo thuộc Bệnh viện Đại học Hàn Quốc lại lo lắng về một khả năng khác nguy hiểm hơn: “Khoảng 1/5 trong số ca tái dương tính là người khỏe mạnh có hệ thống miễn dịch tốt. Các nhà nghiên cứu đang xét nghiệm mẫu máu nhằm làm rõ nguyên nhân là do miễn dịch bệnh nhân gặp vấn đề hay SARS-CoV-2 đột biến nên đánh lừa được hệ thống phòng thủ của cơ thể”.
Vài trường hợp dương tính lại ở Hàn Quốc cho triệu chứng nhẹ như sốt. Chưa có thông tin họ lây nhiễm cho người khác.
Theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm William Schaffner thuộc Đại học Vanderbilt: “Hiện tượng tái dương tính tạo sự nghi ngờ phải chăng phương pháp điều trị hiện tại chỉ giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn chứ không thể loại bỏ hoàn toàn vi rút khỏi cơ thể”. Ông cảnh báo nguy cơ số ca dương tính trở lại tăng gây gánh nặng lên hệ thống y tế và đặt ra yêu cầu theo dõi chặt chẽ lượng bệnh nhân xuất viện.
Giáo sư dịch tễ học Cho Sung-il đánh giá thấp khả năng tái phát bệnh, nhưng nhận định hiện tượng tái dương tính cho thấy bệnh nhân hoàn toàn có thể bị nhiễm trở lại.
Học giả nghiên cứu miễn dịch Ian Frazer thuộc Đại học Queensland (Úc) cho biết một biến số rất quan trọng là khoảng thời gian từ lúc một người được xác định khỏi bệnh đến lúc xét nghiệm lần nữa. Thời gian càng ngắn khả năng tái nhiễm càng thấp.
“Dựa vào nghiên cứu trên động vật, bệnh nhân COVID-19 dương tính lại chỉ là do lượng vi rút còn sót chứ không phải tái nhiễm”, theo học giả Franzer. Chuyên gia Michael Kinch thuộc Đại học Washington cũng tỏ ý đồng tình.
Chuyên gia Kim Woo-joo bi quan hơn. Dẫn minh chứng 5% số người tiêm vắc xin ngừa viêm gan B không tạo ra kháng thể, ông cảnh báo chuyện tương tự có thể xảy ra ở bệnh nhân COVID-19, dẫn đến tái nhiễm.
Một cách giải thích ít gây lo ngại hơn là kết quả xét nghiệm dương tính phát hiện những tàn dư vô hại của SARS-CoV-2, giống như một số vi rút cúm khác. Nếu như vậy thì hiện tượng tái dương tính chẳng ảnh hưởng gì mấy đến việc điều trị hay kiểm soát dịch bệnh.
Cẩm Bình (theo SCMP)