Ngay sau thông báo về việc giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và yêu cầu các ngân hàng giảm 0,5% lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, đối tượng của Ngân hàng Nhà nước; các ngân hàng thương mại đã đồng loạt đưa ra động thái đầu tiên.

Hàng loạt ngân hàng ‘đua nhau’ giảm lãi suất cho vay

Phan Diệu | 12/07/2017, 19:55

Ngay sau thông báo về việc giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và yêu cầu các ngân hàng giảm 0,5% lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, đối tượng của Ngân hàng Nhà nước; các ngân hàng thương mại đã đồng loạt đưa ra động thái đầu tiên.

Kể từ ngày 10.7 vừa qua, hai quyết định điều hành lãi suất được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành đã chính thức có hiệu lực.

Theo đó, đối với lãi suất điều hành, NHNN quy định lãi suất tái cấp vốn và tái chiết khấu lần lượt giảm từ 6,5%/năm và 4,5/năm xuống còn 6,25%/năm và 4,25%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 7,5%năm xuống 7,25%/năm. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3.2014, NHNN giảm các mức lãi suất điều hành.

Đáng chú ý, ngay sau thông báo về việc giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và yêu cầu các ngân hàng giảm 0,5% lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, đối tượng của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cũng đồng loạt đưa ra động thái đầu tiên. Đi đầu trong việc thực hiện yêu cầu này khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Từ ngày 10.7, ngân hàng BIDV đã quyết định áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn thuộc các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của NHNN. Riêng 5 lĩnh vực ưu tiên thỏa mãn các điều kiện cho vay của BIDV như nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ… được giảm lãi suất thêm 0,5%, tức chỉ còn tối đa 6%/năm. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung được giảm thêm 0,5% nữa, với mức lãi suất cho vay tối đa 5,5%/năm.

Tương tự, kể từ ngày 10.7, Agribank cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 4 gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Một ông lớn khác là Vietcombank cũng tiến hành giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016. Theo đó,lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được nhà băng này điều chỉnh giảm 0,5%/năm.

Mới đây nhất, Sacombank cũng phát đi thông báo cho biết chính thức giảm lãi suất cho vay sau quyết định của NHNN. Cụ thể, Sacombank sẽ triển khai gói tín dụng 1.000 tỉ với mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh đối với các khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp - nông thôn; công nghiệp hỗ trợ; kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trước đó,LienVietPostBank cho biết kể từ ngày 8.7, ngân hàng này giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa NHNN mới quy định.

VPBank cũng công bố áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp giảm từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ. Mức lãi suất mới này áp dụng từ 10.7.

Eximbank cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế được ưu tiên. Ngoài mức lãi suất cho vay ưu đãi 6,5%/năm nêu trên, Eximbank còn triển khai gói 9.000 tỉ đồng cho các sản phẩm cho vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với từng đối tượng khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất dưới 7%/năm.

Theo NHNN, mức lãi suất cho vay hiện tại ở các ngân hàng của Việt Nam khá cạnh tranh nếu so sánh với các nước trong khu vực nhưMyanmar có lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm.

So sánh với các nước này thì mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam hiện nay khoảng 6-10,5%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% ở mức tương đối hợp lý, nhất là với tương quan kinh tế vĩ mô.

Theo NHNN, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ điều hành linh hoạt lượng tiền cung ứng, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và điều tiết tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 18%. Đồng thời, NHNN sẽ có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, cũng như tăng cường thanh tra giám sát việc chấp hành và xử lý nghiêm các vi phạm quy định của NHNN về lãi suất.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt ngân hàng ‘đua nhau’ giảm lãi suất cho vay