Chẳng có gì lạ thường khi tìm cách trở nên hạnh phúc, và ai cũng có thể trở nên hạnh phúc trong những giới hạn nhất định, mà không cần thực hành thiền.

Hạnh phúc chỉ có ý nghĩa khi liên kết với người khác

Theo: Thức tỉnh điều vô hình | 29/10/2021, 17:15

Chẳng có gì lạ thường khi tìm cách trở nên hạnh phúc, và ai cũng có thể trở nên hạnh phúc trong những giới hạn nhất định, mà không cần thực hành thiền.

Nhưng các nguồn hạnh phúc thông thường lại khó trông cậy, luôn lệ thuộc vào các điều kiện bất định. Thật khó lòng gầy dựng một gia đình hạnh phúc, để giữ cho chúng ta và những người yêu thương khỏe mạnh, để trở nên giàu có và tìm thấy những cách thức sáng tạo, trọn vẹn để tận hưởng nó, để tạo nên tình bạn sâu sắc, để đóng góp cho xã hội theo những cách được tưởng thưởng trọn vẹn về cảm xúc, để hoàn thiện một loạt những kỹ năng nghệ thuật, vận động và trí lực - và duy trì cho cỗ máy hạnh phúc liên tục vận hành ngày này qua ngày khác.

Chẳng có gì sai khi cảm thấy thỏa mãn theo tất cả những cách này - ngoại trừ sự thể là nếu ta chú ý kỹ hơn thì sẽ thấy rằng vẫn có điều gì đó sai sai. Tất cả các dạng thức hạnh phúc ấy vẫn chưa đủ. Cảm giác thỏa mãn của chúng ta không kéo dài. Và áp lực cuộc sống vẫn đè nặng.

Vấn đề cốt lõi là ta nhìn ra được cái gì đó thuộc về bản chất của ý thức giúp giải phóng ta khỏi khổ đau của hiện tại. Thậm chí chỉ riêng việc nhận ra sự vô thường của các trạng thái tinh thần cũng đủ để biến đổi cuộc đời ta. Mọi trạng thái tinh thần ta từng có đều đến rồi đi. Đây là sự thật về chủ thể - tuy thế, nó chỉ là sự thật khi có thể ứng nghiệm cho bất cứ người nào. Cái chúng ta cần để vui sống và biến thế gian này thành một nơi tử tế hơn chẳng phải là những ảo tưởng đầy sùng kính mà chính là sự thấu hiểu sâu sắc hơn về bản chất của vạn vật.

1thuctinhdieuvohinh29102021(1).jpg

Một số người cảm thấy hài lòng khi sống giữa sự mất mát và hiểm nguy, còn người khác lại cảm thấy đau khổ dù đã có tất cả những may mắn trong thế gian này. Nói vậy không có nghĩa là hoàn cảnh bên ngoài không đóng vai trò gì cả. Nhưng chính tâm trí của chúng ta, thay vì hoàn cảnh, mới là cái định đoạt chất lượng cuộc sống. Tâm trí là cơ sở cho mọi điều ta trải qua và mỗi đóng góp mà ta đem tới cho cuộc đời người khác. Với chân lý này, rèn luyện tâm trí là việc rất quan trọng.

Theo giáo pháp Phật giáo, con người có một quan điểm méo mó về hiện thực dẫn họ đến khổ đau không cần thiết. Chúng ta chộp lấy những khoái lạc nhất thời. Chúng ta suy tư mãi về quá khứ và lo lắng về tương lai. Chúng ta không ngừng tìm cách duy trì và bảo vệ cái tôi bản ngã vốn chẳng hề tồn tại. Điều này rất căng - và đời sống tinh thần lại là một quá trình dần dà gỡ rối và chấm dứt căng thẳng. Theo quan điểm Phật giáo, khi nhìn mọi thứ theo đúng bản chất của nó, chúng ta sẽ ngừng đau đớn theo những lối thông thường, và tâm trí của ta có thể mở ra cho những trạng thái hạnh phúc vốn có trong bản chất của nhận thức.

Đương nhiên, một số người cho rằng họ yêu thích sự căng thẳng và có vẻ sẵn lòng sống theo logic của nó. Một số thậm chí còn tìm thấy khoái lạc từ việc ép người khác căng thẳng. Tương truyền, Thành Cát Tư Hãn từng nói: “Hạnh phúc lớn nhất nằm ở chỗ tung quân ra và giải hắn tới trước mặt ngươi, để nhìn thị thành của hắn tan hoang thành cát bụi, nhìn những kẻ yêu thương hắn chìm trong nước mắt, và choàng vào ngực vợ con của hắn”. Người ta gán nhiều ý nghĩa cho các khái niệm như hạnh phúc, nhưng không phải tất cả các ý nghĩa đều phù hợp với nhau.

2thuctinhdieuvohinh29102021(1).jpg
Tác phẩm Thức tỉnh điều vô hình

Trong quyển The Moral Landscape (tạm dịch: Cảnh quan Đạo đức), tôi đã nhận định rằng chúng ta có khuynh hướng băn khoăn không cần thiết trước những ý kiến khác biệt về chủ đề hạnh phúc của con người. Hiển nhiên một số người có thể cảm thấy hạnh phúc - thậm chí trải qua trạng thái ngất ngây - bằng cách hành xử theo những cách đem lại khổ đau vô hạn cho người khác. Nhưng chúng ta biết rằng các trạng thái ấy là bất thường - hay ít nhất không thể duy trì lâu dài - vì chúng ta đều ít nhiều lệ thuộc vào nhau. Bất luận các khoái lạc kèm theo là gì, việc cưỡng hiếp hay cướp bóc chẳng thể nào là một chiến lược bền vững để tìm thấy hạnh phúc trên thế gian này.

Do các yêu cầu từ xã hội, chúng ta biết rằng các dạng thức hạnh phúc sâu xa và bền vững nhất phải tương hợp với mối liên quan về mặt đạo đức với người khác - thậm chí với những người hoàn toàn xa lạ - vì nếu không, mâu thuẫn và bạo lực là điều không thể nào tránh khỏi. Chúng ta cũng biết rằng có những kiểu hạnh phúc không thể sẵn có cho một ai đó kể cả khi người đó, như Thành Cát Tư Hãn, luôn thắng mọi trận vây thành. Một số khoái lạc vốn mang tính đạo đức - những cảm giác như yêu thương, biết ơn, tận hiến và bao dung. Theo định nghĩa, trú trong các trạng thái tinh thần ấy chính là được đặt vào trong sự liên kết với người khác.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạnh phúc chỉ có ý nghĩa khi liên kết với người khác