Thuốc trường sinh là mơ ước của con người từ ngàn xưa, đặc biệt là các bậc vua chúa. Ở Trung Quốc, đã có nhiều sách sử chép về công cuộc tìm thuốc trường sinh cho các hoàng đế.

Hành trình đi tìm thuốc trường sinh của vua chúa thời xưa

An Tu | 04/02/2023, 20:23

Thuốc trường sinh là mơ ước của con người từ ngàn xưa, đặc biệt là các bậc vua chúa. Ở Trung Quốc, đã có nhiều sách sử chép về công cuộc tìm thuốc trường sinh cho các hoàng đế.

Trước hết là câu hỏi: Những vị hoàng đế nào muốn thuốc trường sinh? Phải thừa nhận đó là những vị hoàng đế giỏi, tạo ra được một nền chính trị xã hội tương đối ổn định. Lẽ đơn giản là nếu xã hội còn rối ren thì các vị vua phải tối ngày lo nghĩ giữ ngôi, giữ mạng. Vì thế, họ chưa thảnh thơi nghĩ đến trường thọ trường sinh vội. Chỉ khi xã hội yên bình bắt đầu được hưởng lạc thì họ mới nghĩ đến việc kéo dài tuổi trời.

tanthuyhoang.jpg

Nổi tiếng nhất là Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất 6 nước thì mới nghĩ chuyện cầu thuốc bất tử. Hán Vũ Đế sau khi dẹp yên Hung Nô mới tìm cách trường sinh…

Trong những năm cuối đời, Tần Thủy Hoàng bị ám ảnh với việc có được sự bất tử. Tần Thủy Hoàng có 2 hướng theo đuổi việc này. Thứ nhất là tìm thuốc và thứ hai là tìm tiên để xin thuốc. Về phương án 1, Sử ký của Tư Mã Thiên trong Tần Thủy Hoàng bản kỷ cũng nhắc chuyện hai phương sĩ là Từ Phúc và Lư Sinh.

Từ Phúc thì nói với vua ở ngoài biển có ba hòn đảo là Bồng Lai, Phương Trượng và Dinh Châu. Tiên ở đấy. Vua cho Phúc đem mấy nghìn người nam nữ trẻ tuổi đi đón tiên về. Từ Phúc cùng họ đi không về nữa. Truyền thuyết Nhật Bản cũng có tích nói Từ Phúc đến Nhật rồi ở hẳn đấy. 

Cũng có một số trong đám phương sĩ Từ Phúc ra ngoài biển tìm thuốc thần mấy năm không được, tốn kém rất nhiều. Chúng sợ bị trừng trị bèn lừa dối nói rằng thuốc của Bồng Lai có thể lấy được, nhưng bị con cá giao lớn làm khổ cho nên không đến được, xin nhà vua cấp cho người thiện xạ cùng đi, lấy cái nỏ bắn nhiều phát một lúc để bắn. Vậy mà Thủy Hoàng khôn ngoan cũng bị lừa do ham muốn trường sinh che mắt.

Còn Lư Sinh được Tần Thủy Hoàng phải đi tìm thuốc tiên sau 3 năm về nói với Tần Thủy Hoàng: “Bọn thần đi tìm cây "chị" là thứ thuốc lạ nhưng thường không gặp "chân nhân" xem ra có vật chi cản trở. Trong pháp thuật có phép vi hành để tránh ác quỷ, tránh được ác quỷ thì "chân nhân" mới đến. Nếu kẻ bầy tôi biết được nơi nhà vua ở thì có hại đến thần. Bậc "chân nhân" đi vào nước không ướt, đi vào lửa không cháy, bay lên mây, cùng trường thọ với trời đất. Nay nhà vua cai trị thiên hạ vẫn chưa nghỉ ngơi được chút gì. Xin nhà vua ở cung nào đừng cho ai biết, thì sau đó mới có thể lấy thuốc bất tử. Thủy Hoàng nói:  "Ta rất thích bậc "chân nhân". Và tự coi là "chân nhân" chứ không gọi là "Trẫm" dù chính Thủy Hoàng phát minh ra từ trẫm".

Thế rồi Lư Sinh cũng một đi không trở lại. Việc tìm tiên xin thuốc không thành thì phải theo phương án 2 là bào chế thuốc. Năm 2002, hơn 36.000 thẻ gỗ có chữ cổ đã được phát hiện trong một giếng bỏ hoang ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc. Trong só đó có 48 thẻ gỗ liên quan đến các phương thuốc như một ngôi làng có tên "Duxiang" thông báo với hoàng đế rằng họ không thể tìm ra tiên dược nhưng cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục. Trong khi một địa phương khác, "Langya", cho biết "một loại thảo dược được hái trên một ngọn núi địa phương" có thể có tác dụng. Từ đó có thể nhận thấy rằng chiếu chỉ của Tần Thủy Hoàng về việc tìm kiếm thuốc trường sinh bất tử đã đến khắp chốn trong đế quốc Đại Tần. Trong lúc thuốc tự nhiên đang tìm thì các tay phương sĩ cũng hối hả bào chế linh đan.

Theo Chemistry World, Tần Thủy Hoàng được cho là đã dùng chu sa (sulfua thủy ngân) với hy vọng sẽ kéo dài tuổi thọ. Ngày nay, ai cũng biết thủy ngân là chất độc hại, nhưng người Trung Quốc cách đây 2 ngàn năm lại tin rằng đặc tính kỳ diệu của thủy ngân sẽ chữa khỏi các bệnh lây nhiễm thịnh hành lúc đó, thậm chí các bệnh dường như không liên quan như khó tiêu, trầm cảm và các bệnh tim mạch.

Do đó, các nhà giả kim thuật Trung Quốc cổ đại đã điều chế các hợp chất thủy ngân, thường bằng cách trộn thủy ngân lỏng với các chất độc hại khác như lưu huỳnh. Những hợp chất này được dành riêng cho giới thượng lưu giàu có, những người khao khát sự bất tử. Không biết Tần Thủy Hoàng dùng thuốc hiệu quả ra sao nhưng sức khỏe sa sút rồi băng khi chưa được 50 tuổi.

Hán Vũ Đế - người giúp nhà Hán đánh bại Hung Nô được coi là một trong những vua giỏi trong lịch sử Trung Quốc nhưng cuối đời cũng không thoát đam mê sống bất tử.

Sách Thần tiên truyện của Cát Hồng đời Tấn (Trung Quốc) chép: Có một lần Hán Vũ đế ngự giá về phương Đông, nhìn thấy một cụ già cuốc cỏ dưới ruộng, tóc bạc như cước mà tinh thần còn như trai tráng. Vua hỏi làm sao có được sức khỏe như thế, cụ bẩm: “Hồi tôi 55 tuổi, răng rụng hết, tóc khô, già yếu. Một hôm tôi gặp một trưởng giả trường thọ, rất giỏi phép dưỡng sinh. Ông dạy tôi đừng ăn những thức xào nấu béo ngọt, chỉ ăn bạch truật và uống nước, dùng gối bằng bạch truật. Tôi làm theo lời dạy của ông, hằng ngày ăn bột bạch truật, hễ đói là ăn, ăn xong uống nước. Ngoài ra, tôi còn nghiền bột bạch truật bỏ vào gối khi ngủ. Một thời gian sau, tinh thần chuyển tốt, dần dần người trẻ lại, răng rụng lại mọc, ngày đi trăm dặm không thấy mệt. Năm nay tôi đã ngoài 90 tuổi”.

Tấn Vũ Đế cuối đời vì ham sống mà trở nên mê tín, tìm thuốc trường sinh. Ông trọng dụng phương sĩ Dịch Đại, phong làm tướng quân và tước hầu, giao cho 10 vạn cân vàng để tìm thuốc tiên. Thậm chí để Dịch Đại hết lòng hiếu thuận thì Vũ Đế gả luôn con gái cho để rể hiền chuyên tâm tìm thuốc. Ấy vậy mà vì Dịch Đại tìm mãi không ra thuốc tiên nên bị Vũ Đế ban chết.

Đường Thái Tông Lý Thế Dân cũng được đánh giá là một vua giỏi với Trinh Quan chi trị vô cùng rực rỡ trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Khi mới lên ngôi, vị vua này từng không ít lần tỏ ra coi thường khát vọng truy cầu sự trường sinh của những bậc tiền nhân đi trước như Tần Thủy Hoàng hay Hán Vũ Đế. Thế nhưng khi bước vào độ tuổi gần đất xa trời, chứng kiến thân thể càng lúc càng trở nên hư nhược, quan điểm của vị Hoàng đế ấy đã thay đổi một cách bất ngờ dần trở thành vị vua mê muội tới mức bỏ mạng vì thuốc trường sinh vào những năm cuối đời.

Năm Trinh Quán thứ 22, đại thần Vương Huyền Sách tiến cử một hòa thượng ngoại quốc có tên là Na La Di Sa Bà – người sau này được nhà vua phó thác toàn bộ khát vọng trường sinh của mình. Bấy giờ, Na La Di Sa Bà tự tâng bốc bản thân đã sống tới 200 tuổi, lại chuyên nghiên cứu các thuật trường sinh bất tử.

Lý Thế Dân khi đó mù quáng tin tưởng vào những lời nói ấy, nên chẳng những khoản đãi hòa thượng như đại thần mà còn không chút do dự uống những thứ đan dược của người này điều chế. Kết quả là chính những thuốc được bào chế từ các chất kịch độc này đã khiến cho bệnh tình của nhà vua nhanh chóng trở nặng. Chẳng bao lâu sau đó, Lý Thế Dân qua đời ở tuổi 51.

Thêm một vị hoàng đế vĩ đại nữa là Thành Cát Tư Hãn cũng nghĩ đến việc trường sinh. Đó là sau khi ông vừa thống nhất các bộ lạc Mông Cổ. Năm 1222, Khưu Xứ Cơ theo lời mời của Thành Cát Tư Hãn, đã dẫn 18 đệ tử vượt hơn 1 vạn dặm đường đến Đại Tuyết Sơn thuộc Tây Vực (nay là vùng Afghanistan) để yết kiến Đại Hãn. Khưu Xứ Cơ đạo hạnh cao thâm, Thành Cát Tư Hãn rất kính trọng, tôn xưng là “Thần Tiên”.

Khi Khưu Xứ Cơ vừa đến, Thành Cát Tư Hãn đã bày tỏ lòng cảm kích nói: “Các vị vua khác mời Thần Tiên đến mà ngài đều từ tạ. Nay ngài lại vượt vạn dặm đến với trẫm, đây là đại hạnh của trẫm. Nghe đồn Khưu Thần Tiên năm nay đã 300 tuổi rồi, phải không?”.

Khưu Xứ Cơ cười đáp: “Đó là lời đồn không đúng sự thật. Bần đạo năm nay mới 73 tuổi thôi. Con người có ai lại sống được đến 300 tuổi chứ!”.

Khưu Xứ Cơ cũng khẳng định trên đời không có thuốc trường sinh mà chỉ có thuật dưỡng sinh. Ông nói: “Đạo gia chia thành mấy phái. Trong đó có một phái Phương Sĩ thường cho rằng uống linh đơn thì có thể thành Tiên, có thể hóa thành chim mà bay lên trời. Đó đều là những chuyện gạt mình gạt người. Thí dụ như Tần Thủy Hoàng, Hán Võ Đế đã tin loại tà đạo đó, làm hại sức dân, tổn hao tiền bạc, rốt cuộc lại hại chính mình. Vua tôi đời Đường cũng có rất nhiều người vì muốn tìm thuốc trường sinh mà bị ngộ độc chết vì thuốc. Bần đạo từ trước tới nay không hề tin những tà thuật đó. Trong đời chỉ có phép dưỡng sinh, chứ không có thuốc trường sinh”.

Khi Thành Cát Tư Hãn gặng hỏi về phép dưỡng sinh thì Khưu Xứ Cơ phân tích:

“Dân dĩ thực vi thiên, cái ăn đối với người dân là quan trọng nhất. Ngũ cốc, rau cải, cá thịt, các loại thực phẩm từ sữa, đều là những thứ dùng để nuôi sống con người. Phật môn thi hành tám điều cấm kỵ, không ăn mặn. Cổ nhân thường nói người ăn thịt đều hèn hạ, hoặc nói ăn chay thông minh sáng suốt và có thể sống tới trăm tuổi. Thật ra không phải vậy. Tất cả những loại thực phẩm đều có thể nuôi sống con người. Nhưng, ăn sang mặc đẹp, suốt ngày no nê thì lại không có ích cho đời. Ăn không cần quá no, ở không cần quá đầy đủ tiện nghi, thì sẽ không có hại gì cho đời sống. Do vậy cần thanh tâm quả dục, việc tiết chế sự ham muốn chính là để bảo vệ cho sức khỏe, biết sống thích hợp theo hoàn cảnh thì mới đúng là cái phép dưỡng sinh”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình đi tìm thuốc trường sinh của vua chúa thời xưa