Liên minh châu Âu đã chỉ định ông Didier Seeuws làm người đứng đầu nhóm chuyên trách đàm phán để thúc đẩy Anh rời khỏi EU (Brexit). Trong khi đó, nội bộ Anh bất đồng về chuyện người đứng đầu Công đảng (đối lập) phải ra đi.
EU muốn sớm bắt đầu đàm phán
Ông Didier Seeuws là người Bỉ, có thời gian dài làm cố vấn của ông Herman Van Rompuy, cựu chủ tịch EU.
Thông tin thành lập “Nhóm chuyên trách điều 50” và bổ nhiệm ông Seeuws phụ trách nhóm đã được ông Preben Aamann, người phát ngôn của Chủ tịch EU Donald Tusk chính thức công bố vào tối ngày 25.6
Ông Donald Tusk cho biết ông Seeuws và nhóm chuyên trách đã bắt đầu công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, để có thể tiến hành đàm phán thì phải chờ Anh chính thức gửi quyết định lên Ủy ban châu Âu thông báo rõ ràng rằng nước Anh muốn rời khỏi EU.
Đánh giá về tính khả thi của quá trình đàm phán, ông Donald Tusk cho rằng mặc dù sẽ rất khó khăn nhưng cuộc đàm phán nên được bắt đầu càng sớm càng tốt để giảm thiểu tình trạng bất ổn gây ra bởi Brexit.
Nội bộ Anh bất ổn
Trong khi đó, sau cuộc trưng cầu ý dân dẫn đến quyết định Brexit, nội bộ nước Anh đã xào xáo vì phải hứng chịu nhiều hệ quả chính trị.
Ngoài việc Thủ tướng Anh David Cameron công bố quyết định từ chức, ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng Anh, cũng đang phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vì thất bại trong việc vận động cử tri chọn ở lại EU.
Ngày 25.6, ông Corbyn đã thông báo sa thải Hilary Benn, bộ trưởng Ngoại giao của phe đối lập, vì có tin đồn ông này khuyến khích các bộ trưởng khác từ chức nếu ông Corbyn không chấp nhận bỏ phiếu tín nhiệm.
Việc ông Benn bị sa thải đã lập tức phát đi tín hiệu tiêu cực. Bà Heidi Alexander, bộ trưởng Y tế của phe đối lập. đã từ chức vì bất đồng với quyết định sa thải ông Benn.
Về phía đảng Bảo thủ Anh, sau khi ông Cameron tuyên bố từ chức thủ tướng, ông Boris Johnson, thủ lĩnh chiến dịch Brexit, nổi lên trở thành ứng cử viên thay thế.
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ đang muốn ngăn chặn ông Johnson lên làm thủ tướng bằng cách đưa ra đến 5 ứng viên khác. Trong số này bà Theresa May có khả năng sẽ thay ông Johnson trở thành ứng cử viên thủ tướng của đảng Bảo thủ. Khảo sát của Daily Mail cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà của những người trong và ngoài đảng đều nhỉnh hơn.
Scotland muốn bỏ Vương quốc Anh, về với EU
Với việc Anh chọn rời EU, số lượng người dân Scotland ủng hộ rời bỏ Vương quốc Anh để giữ lại tư cách thành viên EU đã tăng vọt.
Theo khảo sát của trang Sunday Times, đã có 52% người được hỏi ủng hộ tách khỏi Vương quốc Anh trong khi chỉ 48% người phản đối. Kết quả này trái ngược với kết quả của cuộc khảo sát năm 2014, lúc đó có đến 55% người chọn ở lại Vương quốc Anh.
Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy có đến 52% người dân Scotland muốn hoàn toàn độc lập trong 5 hoặc 10 năm tới, cao hơn con số 30% trong cuộc khảo sát vào tháng 4.
Phát biểu sau cuộc họp khẩn ngày 25.6, bà Nicola Sturgeon, thủ hiến Scotland, cho biết nhiều khả năng nước này sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề độc lập để có thể ở lại EU.
Cẩm Bình