Chiều ngày 16.5, tại trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu “Phòng chống nguy cơ sức khoẻ mùa hè cho trẻ em” do báo Thế Giới Tiếp Thị, Một Thế Giới và BSA phối hợp tổ chức. Sau đây là lược ghi một số nội dung của buổi giao lưu với hai khách mời: BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM và BS Đinh Tấn Phương, phó trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM.

Hè và sức khoẻ trẻ em

19/05/2014, 06:54

Chiều ngày 16.5, tại trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu “Phòng chống nguy cơ sức khoẻ mùa hè cho trẻ em” do báo Thế Giới Tiếp Thị, Một Thế Giới và BSA phối hợp tổ chức. Sau đây là lược ghi một số nội dung của buổi giao lưu với hai khách mời: BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM và BS Đinh Tấn Phương, phó trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM.

Để phòng bệnh tay chân miệng tôi nghe nói phải lau nhà bằng cloramin B, vậy một ngày tôi phải lau nhà mấy lần? (Bảo Ngọc, quận 4)

Lau nhà bằng cloramin B thường chỉ áp dụng khi chung quanh nhà hoặc trong nhà có người bệnh tay chân miệng. Khi pha cloramin B, cần làm theo hướng dẫn, pha đúng nồng độ và chỉ lau một lần thôi. Quan trọng nhất trong ngừa tay chân miệng là lau đồ chơi trẻ cho sạch, rửa tay thường xuyên.

Con trai tôi 5 tuổi, hiếu động, mùa hè cháu không đi học và dù ở nhà có người trông coi, nhưng tôi vẫn rất lo. Xin hỏi tôi phải cảnh giác với những loại tai nạn nào cho con tôi? (thanhnga@...)

Tai nạn đầu tiên là dị vật đường thở. Bất kỳ đồ vật nào, ngay cả thức ăn hay chất lỏng, nếu rơi vào đường thở trẻ đều dẫn đến co thắt đường thở. Lúc này trẻ sẽ ho sặc sụa, khó thở, trợn mắt, tím tái và nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể tử vong.

Lúc này, người lớn phải bình tĩnh để nhận định trẻ có bị hóc sặc dị vật đường thở hay không. Nếu nghi ngờ, phải nhanh chóng sơ cứu để cho trẻ thở lại được. Tuyệt đối không được dùng tay móc họng trẻ, vì điều này có thể làm dị vật rơi vào sâu hơn trong đường thở, làm trầy xước hay chấn thương hầu họng trẻ.

Để tống xuất dị vật khỏi đường thở trẻ dưới 2 tuổi, người lớn đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái và giữ chặt đầu và cổ bằng bàn tay trái. Dùng gót tay phải vỗ năm cái thật mạnh vào lưng trẻ ở giữa khoảng hai bả vai. Sau đó lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu thấy trẻ còn khó thở, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh năm cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối hai vú một khoát ngón tay. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (5-6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Với trẻ lớn hơn, ta dùng thủ thuật Heimlich: đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ, nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ngay dưới chóp xương ức phía trên rốn. Ấn 5 cái theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở. Nếu không đạt kết quả, phải đưa trẻ đến bệnh viện để gắp dị vật ra.

Gần đây có quyết định không chích ngừa cho trẻ dưới 9 tháng vì không hiệu quả. Bé dưới 9 tháng bị sởi thường bị lây bởi người nhà. Vì thế phải triệt để cách nguồn lây.

Loại tai nạn khác là điện giật. Khi trẻ bị điện giật, cần ngắt ngay nguồn điện bằng cách tắt công tắc, cầu dao điện hoặc rút phích cắm điện. Nếu không làm được, phải dùng cây hay cán chổi đẩy tay chân trẻ ra khỏi nguồn điện. Nếu trẻ bất tỉnh và ngừng thở, ngừng tim phải tiến hành ép tim ngoài lồng ngực bằng cách dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim khoảng 100 lần/phút. Sau đó đặt trẻ lên nền cứng, nới lỏng quần áo để trẻ dễ thở, tiến hành hà hơi thổi ngạt. Rồi đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Tai nạn cũng đáng quan tâm là chết đuối. Nhiều bệnh nhi chết đuối trong nhà chỉ vì trẻ té ngã úp mặt vào một xô, thau hay lu đựng nước.

Gặp trường hợp này, người lớn phải vớt trẻ ra ngay rồi thực hiện hà hơi thổi ngạt. Nếu trẻ ngừng tim, phải ép tim ngoài lồng ngực. Thực hiện xong các cách này, trẻ thở lại, giãy giụa thì đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để tiếp tục được cấp cứu.

Con tôi 9 tháng tuổi, hay ra nhiều mồ hôi đầu, mọi người cho là bé thiếu canxi, điều này có đúng không? (Thu Hiền, quận 7)

Đa số trẻ 9 tháng tuổi hay ra mồ hôi đầu vào mùa nóng, đây chỉ là phản xạ cơ thể với môi trường chứ không phải do thiếu canxi. Ở lứa tuổi này, hệ thần kinh thực vật của trẻ chưa phát triển hoàn toàn nên trẻ ra mồ hôi đầu nhiều hơn, lớn hơn sẽ ít đi. Để giảm bớt hiện tượng này, nên cho trẻ ở môi trường thoáng mát.

Con tôi 6,5 tháng tuổi, tôi rất sợ cháu bị sởi, nhưng phải đến 9 tháng tuổi mới được chích ngừa sởi. Nghe nói Bộ Y tế đang tính giảm độ tuổi chích ngừa sởi cho trẻ còn 6 tháng, vậy sắp tới tôi cho con đi chích được không? (Hải Nguyệt, quận 1, TP.HCM)

Bệnh sởi năm nay bùng phát, mọi năm không nhiều. Nhà nước đang tính toán kinh phí, khả năng bảo vệ, để có quyết định có lợi cho người dân. Gần đây có quyết định không chích ngừa cho trẻ dưới 9 tháng, vì chích trong thời gian này không hiệu quả nhiều trong ngừa bệnh. Em bé dưới 9 tháng bị sởi thường bị lây bởi người nhà. Vì thế phải triệt để cách nguồn lây: xem các trẻ lớn hơn chích ngừa chưa, đi đâu về cũng phải rửa tay, phải chắc những người lớn không bị sởi.

Khi trẻ bị phỏng, lấy nước đá chườm lên vết bỏng được không bác sĩ? (Bạn đọc tại chỗ)

Nhiệt độ ở chỗ phỏng rất cao, ở đó tiết ra các chất viêm gây đau và nhiễm trùng. Bạn có thể làm mát vết phỏng, nhưng phải bảo đảm chất làm mát là chất sạch. Tuyệt đối không dùng kem đánh răng, nước mắm... vì sau đó để làm sạch các chất này khỏi vết phỏng, nhân viên y tế xử lý rất cực, có thể làm trẻ đau đớn. Cũng không được dùng cồn để sát trùng vết phỏng vì làm trẻ đau rát, có thể dùng dung dịch povidine.

Bình Yên - TGTT

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hè và sức khoẻ trẻ em