Mùng 6 Tết, kết thúc đợt nghỉ lễ dài ngày, nhiều người lại cùng gia đình sửa soạn đồ lễ chuẩn bị cho lễ dâng sao giải hạn đầu năm với mong muốn có được một năm an lành, làm ăn thuận buồm xuôi gió.
Những ngày này tại nhiều đền, chùa, phủ, miếu... không khó để nhận thấy những bàn đăng ký dâng sao giải hạn nhằm “giúp” người dân xua tan đi nỗi lo bị sao xấu chiếu mệnh. Và từ sáng sớm, tại điện của một thầy cúng ở Hà Nội đã đông người ngồi chờ đến lượt để được làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm.
Ngồi chờ đến lượt làm lễ, chị Bích Trà (phố Định Công) cho biết hầu như năm nào gia đình cũng làm lễ dâng sao giải hạn với mong muốn giải tỏa được nỗi lo trong lòng, tốt thì không sao, xấu thì biết đường để tránh, tránh gặp xui xẻo trong năm mới.
Được biết, nhiều gia đình không chỉ đi một mình đến các điện, nơi cửa đền, chùa làm lễ dâng sao giải hạn cho gia đình mà nhiều người còn đi cùng cả gia đình gồm ba, bốn thế hệ đến khấn, lễ. Theo những người có mặt tại buổi lễ cho biết giá của một buổi lễ sẽ dao động vài trăm nghìn đồng và được thầy viết sẵn sớ, làm đủ nghi lễ.
Là người làm ăn buôn bán, chị Minh Hương (phố Bùi Xương Trạch) rất coi trọng những điều thiêng, để tránh được sao xấu chiếu mệnh trong năm tới, chị Hương cũng tìm đến điện của thầy quen để làm lễ.
Chị Hương chia sẻ: “Đầu năm, để tránh những điều không may và gặp được những điều tốt, gia đình tôi thường đi làm lễ dâng sao. Vật phẩm dâng lên cũng không nhiều, chỉ có hoa, quả, túi bánh như mọi năm. Chủ yếu vẫn là sự thành tâm của mình”.
Một điện thờ làm lễ dâng sao giải hạn tại Hà Nội cũng không có quá nhiều đồ cúng như mọi năm - Ảnh: Thu Anh
Theo quan niệm trong tử vi, mỗi người đều có một sao chiếu mệnh, người biết năm hạn của mình thì sẽ cẩn thận hơn những năm trước. Cùng một tuổi, cùng một năm nhưng đàn ông và đàn bà lại có sao chiếu mệnh khác nhau. Trong 9 ngôi sao có sao tốt, sao xấu, năm nào sao xấu chiếu mệnh con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật. . . gọi là vận hạn.
Để giảm nhẹ vận hạn người xưa thường làm lễ cúng dâng sao giải hạn tại nhà ở ngoài trời hoặc tại chùa với mục đích cầu xin Thần Sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình đều được khoẻ mạnh, bình an, vạn sự tốt lành, may mắn, thành đạt và thịnh vượng.
Theo chị Hương, việc người dân đi làm lễ dâng sao không chỉ với mong muốn biết sao nào chiếu mệnh để tránh những điều xấu mà chủ yếu là cầu xin cho gia đình được bình an, làm ăn thuận buồm xuôi gió, con cái học hành thuận lợi… Hơn hết là trong lòng thấy thanh thản, nhẹ nhàng, giải tỏa được nỗi lo sợ nếu không may bị sao xấu trong năm đó chiếu mệnh.
Nói về điều này, khi trao đổi cùng báo điện tử Một Thế Giới, TS Nguyễn Văn Vịnh - chuyên gia phong thủy giải thích: “Các sao chiếu mệnh gồm: Sao Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Vân Hớn, Thổ Tú, Thái Bạch, Thủy Diệu, La Hầu và Kế Đô. Trong thuật dâng sao, mặc định có những sao xấu và sao tốt, nhưng mỗi sao đều có thời điểm thuận lợi hoặc không thuận lợi riêng. Vì vậy, trong một năm không phải sao nào cũng xấu”.
Đồng thời, theo TS Vịnh, mỗi sao sẽ phụ trách một giai đoạn nhất định trong tháng nên chúng đều được định cho một ngày cúng. Nếu như con người cho rằng việc cúng dâng sao có thể giải được hạn thì đó là quan điểm sai lầm và hoàn toàn không phải. Nhưng vì từ lâu nó đã trở thành một thói quen văn hóa nên thực tế phần nào chỉ giải quyết được mặt về tâm lý, còn giải quyết triệt để đến đâu thì phải thẳng thắn nói rằng: Không giải quyết được gì.
Thay vì mọi năm, nhiều người sẽ dâng lễ với mâm cao cỗ đầy thì năm nay, theo quan sát, đồ lễ của người dân dâng lên đã được giản lược đi rất nhiều, chủ yếu là hoa, quả và gói bánh… Điều đáng mừng nhất là theo nhiều người dân, việc đi dâng sao giải hạn đầu năm không nên dựa hẳn vào những lễ nghi giải sao mà tự bản thân con người phải có ý thức phấn đấu. Nghi lễ dâng sao chỉ nhằm giúp mọi người có thêm nghị lực trong cuộc sống, yên tâm làm những việc khó khăn trong năm.
Thu Anh