Để thành công chương trình cây mác ca (có văn bản gọi là mắc ca) ở Việt Nam chắc chắn còn quá nhiều vấn đề phải bàn, nhiều việc phải làm... Với những hiểu biết của mình về lý thuyết cũng như trong thực tiễn, tôi xin mạo muội có vài ý kiến nhỏ.

Hiến kế giúp cây mác ca thành lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam

22/09/2020, 16:52

Để thành công chương trình cây mác ca (có văn bản gọi là mắc ca) ở Việt Nam chắc chắn còn quá nhiều vấn đề phải bàn, nhiều việc phải làm... Với những hiểu biết của mình về lý thuyết cũng như trong thực tiễn, tôi xin mạo muội có vài ý kiến nhỏ.

Cây mác ca sẽ là thế mạnh của Việt Nam - Ảnh: Internet

Cây mác ca là tên gọi tắt theo phiên âm của tên chính thức macadamia, thuộc họ Proteaceae. Mác ca là cây có xuất xứ địa lý ở bang New South Wales, Úc. Người thổ dân của xứ chuột túi đã phát hiện ra nó trong rừng. Mác ca là cây hạt cứng, như hạt dẻ ta vẫn thấy, vẫn ăn. Loại hạt này có những chất dinh dưỡng rất cao. Theo phân tích thì trong hạt mác ca lượng a xít béo không no cao và có lẽ là cao nhất nếu so với lạc, hạt điều, hạnh nhân..., chiếm trên 75%, trong đó a xít béo omega 7 chính là a xít palmitoleic lên tới 22%. Hàm lượng protein cao 9% cũng là đáng kể. Vì thế hạt mác ca rất quý, rất tốt để làm thực phẩm cho mọi người, nhất là người tu hành, ăn kiêng, người béo phì, suy dinh dưỡng...

Cũng chính vì giá trị dinh dưỡng của nó mà giá cả cũng rất cao, trong khi sản lượng toàn cầu không nhiều, không đáp ứng nhu cầu. Sản lượng hạt thương phẩm hiện tại trên dưới 200.000 tấn/năm. Hạt cây mác ca không chỉ dùng ăn bình thường, sau khi sấy tách vỏ còn là nguyên liệu làm sữa mác ca, nhân của bánh kẹo và socola, dầu ăn mác ca. Dầu mác ca dùng tốt trong công nghiệp sản xuất các dầu dưỡng da, dưỡng tóc. Ở nơi trồng nhiều mác ca người ta kết hợp nuôi ong lấy mật từ hoa mác ca... Vì nhiều lý do khác nữa mà người ta vinh danh hạt mác ca là NỮ HOÀNG HẠT CỨNG, hay NỮ HOÀNG QUẢ KHÔ. Riêng ở Úc hằng năm kim ngạch xuất khẩu hạt mác ca khoảng 300 triệu USD.

Từ cây rừng hoang dã, thổ dân hái lượm, nhặt về làm thức ăn, rồi các nhà thương gia người Anh, phương tây... thu mua và tiến tới thuần hóa, di thực về trồng trong vườn, trong trang trại và phát triển ra các vùng khác trên thế giới. Có lẽ đầu tiên ở Úc, sau đó sang Hawaii rồi Brazil, Costa Rica, Israel, Kenya, Bolivia, Colombia, Guatemala, New Zealand... và các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan...

Về đặc điểm sinh thái, hình thái, mác ca là cây thân gỗ sống lâu năm, lá diệp dày, mép lá cong xoắn nhiều cutin nên khả năng chịu hạn, chịu gió khá tốt. Với tính hoang dã cây rừng mới di thực trên 200 năm nay, mác ca cũng là cây dễ thích nghi, thích ứng trong trồng trọt. Là loài thực vật hạt kín, thụ phấn chéo nên nếu mác ca được trồng đơn lẻ thì khó có năng suất cao, dù cây có ra hoa kết quả mà gặp mưa thì không thụ phấn, đậu quả tốt được... Mác ca cần nhiệt độ tự nhiên không quá 27 độ C và tốt nhất là khoảng 17 - 18 độ. Vì thế các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc và hải đảo ở Việt Nam thích hợp với trồng mác ca (tất nhiên phải dùng công nghệ GIS, điều tra đánh giá kỹ tính thích nghi, thích ứng rất chi tiết cho cho các tiểu vùng trước khi quyết định trồng).

Năm 1994, ông Nguyễn Công Tạn khi đó là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn từng đưa cây mác ca vào trồng thử nghiệm tại Việt Nam, tại Trung tâm Ba Vì, Hà Nội. Chỉ 5 năm sau đã có kết quả khả quan về sinh trưởng, phát triển và triển vọng kinh tế, có thể nhân ra trồng rộng rãi ở Tây Nguyên, Tây Bắc. Với sự tham gia của các chuyên gia kinh nghiệm như các GS-TS Hoàng Hòe, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Hùng..., cây mác ca đã được đưa ra trồng thử nghiệm tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng từ sau năm 2000.

Tôi cũng có may mắn được tiếp cận ông Nguyễn Công Tạn và là chỗ rất thân quen mấy chục năm với các chuyên gia kể trên nên khi đó tỉnh Đắk Lắk nhận thử nghiệm nhiều nhất Việt Nam, trồng tại Krông Năng, Đắk Rlấp, Tuy Đức..., trực tiếp chỉ đạo và tổ chức hội nghị khoa học về gây trồng kinh doanh cây mác ca tại Đắk Lắk với ông Nguyễn Công Tạn và các ông Hoàng Hòe, Nguyễn Lân Hùng và ông Bùi Chí Bửu (lúc đó là Viện trưởng Viện Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam). Tôi cũng tham gia trực tiếp, có bài trình bày tại Hội nghị Phát triển mác ca Tây Nguyên hồi năm 2015 do Ban Kinh tế trung ương khi ấy ông Vương Đình Huệ làm Trưởng ban, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khi ấy ông Trần Đại Quang làm Trưởng ban, đồng chủ trì tại Đà Lạt. Từ đó, Công ty Him Lam xây dựng, quy hoạch phát triển ngành mác ca Tây Nguyên đầy tham vọng. Với quy hoạch đó thì tương lai cả vùng Tây Nguyên và Tây Bắc sẽ có tới 200.000 hecta mác ca. Thật mạnh dạn và đồ sộ. Nếu làm được như thế thì Việt Nam thành cường quốc số 1 thế giới về mác ca...

Rồi chiến dịch triển khai ào ạt, từ xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch vùng trồng, lập Viện Nghiên cứu mác ca tại Lâm Đồng. Công ty Him Lam cho thiết kế nhà máy chế biến, lập trung tâm tạo giống thuần chủng mác ca tại đây. Ở phía bắc thì nhiều doanh nghiệp đã xây dựng các dự án mác ca rất lớn tại vùng Tây Bắc. Hiệp hội Mác ca Việt Nam ra đời. Mác ca được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ra văn bản công nhận là cây trồng chủ lực trong danh sách các cây trồng tiềm năng cần phát triển của đất nước. Đúng là rất hiếm cây trồng ngoại nhập nào được ồn ào, rầm rộ phát triển nóng như mác ca ở Việt Nam...

Tôi chưa có số liệu cụ thể chính thức nhưng được biết sơ bộ cả nước tới lúc này diện tích mác ca quy lại có lẽ trên dưới 5.000 hecta và sản lượng hạt mác ca cũng có lẽ hàng ngàn tấn. Mác ca Việt Nam đã có trong các siêu thị trong nước và quốc tế, đã có trên bàn ăn, trong tủ thực phẩm của nhiều gia đình Việt. Đó là tín hiệu mừng, sau 25 năm nó được du nhập vào nước ta.

Để thành công chương trình cây mác ca ở Việt Nam chắc chắn còn quá nhiều vấn đề phải bàn, nhiều việc phải làm... Với những hiểu biết của mình trong lý thuyết, cũng như thực tiễn, tôi xin mạo muội có mấy ý kiến nhỏ như sau:

- Trước hết nên tổ chức điều tra, thống kê, đánh giá lại toàn bộ hiện trạng thực tế về chương trình mác ca 25 năm qua, từ đó rút ra được các kết luận khả thi về việc nên mở rộng quy mô trồng, chế biến, tiêu thụ hạt cây mác ca Việt Nam trong tương lai và quy mô định hình cả chuỗi giá trị của cây mới này. Từ đó có điều chỉnh định hướng lâu dài với mác ca trong bản đồ hệ thống canh tác cây trồng lâu năm ở Việt Nam.

- Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cùng các địa phương, với các nhà khoa học, các doanh nghiệp ngồi lại lên một mô hình chuẩn cho gieo ươm, trồng, quản trị, thu hái, chế biến, quảng bá và mở rông thị trường đảm bảo chắc chắn đầu ra cho nông dân và doanh nghiệp... trồng mác-ca.

- Các cơ quan chức năng của nhà nước từ trung ương tới địa phương phải giúp cho nông dân, doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm theo thông lệ quốc tế cho cây mác ca...

- Không nên hô hào phát triển quá nóng, hội chứng đám đông trong việc phát triển mác ca, mà phải từng bước, chậm nhưng chắc chắn... vì nếu sai thì việc sửa chữa sẽ khó khăn tốn kém và mất niềm tin.

- Việc trồng thuần loại mác ca nên thận trọng, nhất là ở Tây Nguyên, nơi các loài cây công nghiệp lâu năm như cà phê, chè, cao su, hồ tiêu và cây ăn quả có thế mạnh như sầu riêng, bơ, chanh dây... đang ổn định. Có chăng, nên đưa cây mác ca vào trồng xen trong các lô cây công nghiệp, ăn quả nói trên để tạo ra một hệ sinh thái, canh tác mới cả theo chiều thẳng đứng và chiều ngang để khai thác, tận dụng không gian dinh dưỡng tự nhiên, cũng như tận dụng nước tưới, phân bón cho cây trồng chính - phụ. Theo tôi biết, nhiều hộ dân ở Lâm Hà (Lâm Đồng), Đắk Rlấp (Đắk Nông), Krông Năng (Đắk Lắk) khá thành công với mô hình trồng xen mác ca với cà phê. Điều này cần được phổ biến nhân rộng...

Với những gì tôi biết và tìm hiểu về cây mác ca, tôi cho rằng nó là cây trồng cần và nên được quan tâm đúng mức, góp phần cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân miền núi Tây Nguyên, Tây Bắc.

TS Nguyễn Văn Lạng

(Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiến kế giúp cây mác ca thành lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam