Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, sửa đổi năm 2013 (gọi tắt là Hiến pháp 2013) bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Cộng đồng người đồng tính nên nhìn nhận Hiến pháp mới là cơ hội hay trở ngại với quyền kết hôn bình đẳng? Các nhà làm luật có thể nhìn nhận và lý giải như thế nào về những quy định mới trong Hiến pháp 2013, đó là sự “mở đường”, “đóng cửa”, hay “khép hờ” với hôn nhân cùng giới?

Hiến pháp 2013 không đóng cửa hôn nhân cùng giới

Một Thế Giới | 21/01/2014, 08:31

Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, sửa đổi năm 2013 (gọi tắt là Hiến pháp 2013) bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Cộng đồng người đồng tính nên nhìn nhận Hiến pháp mới là cơ hội hay trở ngại với quyền kết hôn bình đẳng? Các nhà làm luật có thể nhìn nhận và lý giải như thế nào về những quy định mới trong Hiến pháp 2013, đó là sự “mở đường”, “đóng cửa”, hay “khép hờ” với hôn nhân cùng giới?

Hien phap 2013 khong dong cua hon nhan cung gioi
Ảnh: một cảnh trong sự kiện "Bước Tới Tự Do" thể hiện khát khao bình đẳng của cộng đồng LGBT (Hình có tính minh họa) 
Hiến pháp đang cản luật hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới?
Câu hỏi trên được nhiều người đặt ra khi khoản 1 Điều 36 của Hiến pháp 2013 quy định: “Nam, nữ có quyền kết hôn, ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhiều người cho rằng quy định như vậy đồng nghĩa với việc chỉ có các cặp khác giới mới có quyền kết hôn.
Cũng trong năm 2013, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng được thảo luận lấy ý kiến. Một trong các đề xuất là bỏ điều cấm kết hôn cùng giới, tuy nhiên cũng ghi rõ là “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.” Quy định này được các nhà làm luật cho là phù hợp với thời điểm hiện tại, và cũng không vi phạm hiến pháp; một số khác lại cho rằng đây là quy định “nửa vời”, “lơ lửng” vì không cấm mà lại ghi không thừa nhận.
Câu hỏi đặt ra là chúng ta nên hiểu quy định về quyền kết hôn trong Hiến pháp 2013 thế nào, có thật sự là với quy định như vậy thì sẽ “đóng cửa” với hôn nhân cùng giới hay không?
- Hiến pháp 2013 không hề quy định “hôn nhân là giữa một nam và một nữ” mà là “nam, nữ có quyền kết hôn.” Thay vì định    nghĩa hôn nhân, Hiến pháp 2013 chỉ quy định về quyền kết hôn. Thực tế thì người đồng tính nam là nam giới, người đồng tính nữ là nữ giới, thì có nghĩa họ cũng có quyền kết hôn theo quy định hiện hành của Hiến pháp 2013. Quy định về quyền kết hôn của “nam, nữ” không ảnh hưởng hay ngăn cản quyền kết hôn của người đồng tính.
- Nguyên tắc “một vợ một chồng” mà Hiến pháp 2013 nhắc tới cần được hiểu là “đơn hôn”, với nội hàm là “không ai được kết hôn với người khác khi đang ở trong tình trạng hôn nhân với một người”, nói nôm na là không được phép “hai vợ” hoặc “hai chồng.” Nguyên tắc này cũng không có nghĩa rằng hôn nhân phải là giữa một nam và một nữ. Cái nhấn mạnh ở đây là “một – một” chứ không phải “vợ - chồng”, và vì vậy, hôn nhân giữa hai người cùng giới tính cũng đáp ứng được được nguyên tắc này.
Xem xét tính kế thừa của các quy định trong quá khứ

Điều thú vị là cho tới tận bản Hiến pháp 1992 thì vẫn không có điều khoản nào quy định về việc ai có quyền kết hôn. Năm 2000 khi luật Hôn nhân và gia đình thêm vào khoản 5 Điều 10 về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính; thì Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 vẫn không hề có quy định về quyền kết hôn.
Như vậy, chúng ta nên hiểu quy định “nam, nữ có quyền kết hôn” là một quy định để công nhận quyền kết hôn của công dân hơn là một quy định để định nghĩa hôn nhân hay để giới hạn người thụ hưởng quyền này.
Hiến pháp 1959 không có quy định về nguyên tắc “một vợ, một chồng”, và trên thực tế thì trước năm 1959, đa hôn (mà cụ thể thể là đa thê) vẫn không bị cấm trong quy định pháp luật. Chỉ tới khi luật hôn nhân và gia đình đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 1959 thì đa hôn mới bị cấm, bằng quy định “một vợ một chồng” (Điều 1), “cấm lấy vợ lẽ” (Điều 3) và “cấm người đang có vợ, có chồng kết hôn với người khác.” (Điều 5) Đây là thời kỳ mà pháp luật mong muốn bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong hôn nhân nhiều hơn, và có những quy định chi tiết về cả việc “quyền tái giá” của phụ nữ góa chồng, xóa bỏ “trọng nam khinh nữ”... Từ Hiến pháp 1980, nguyên tắc “một vợ một chồng” chính thức được đưa vào và giữ nguyên cho tới bản Hiến pháp 2013 hiện hành.
Như vậy xuất phát từ tính kế thừa và nguồn gốc lịch sử, chúng ta nên hiểu quy định “một vợ một chồng” là quy định về chế độ đơn hôn, chứ không phải là quy định có mục đích ngăn cản hôn nhân cùng giới. 
Hien phap 2013 khong dong cua hon nhan cung gioi
 Sự kiện "Thức tính đón cầu vồng" tại Hồ Chí Minh (Ảnh chỉ có tính minh họa)
Giải quyết bài toán “vợ chồng” trong hôn nhân cùng giới như thế nào?

Thực tế pháp luật nhiều quốc gia đã dần dần thay thế các thuật ngữ tiềm ẩn phân biệt về giới như “nam, nữ” hay “vợ, chồng” ra khỏi hiến pháp và luật của mình. Và điều này trước hết là để không tạo sự phân biệt về giới tính nữa. Đối với quy định về hôn nhân, khi tiến tới hợp pháp hóa hôn nhân không phân biệt giới, các quốc gia thường thực hiện hai bước. Bước một, bỏ đi điều khoản quy định giới tính của hai phối ngẫu, và trung tính hóa các thuật ngữ về giới.
-    Bộ luật Dân sự Pháp 1804 (sửa đổi 2013) của Pháp, Điều 143 ghi: “Hôn nhân được kết hợp bởi hai người khác giới tính hoặc cùng giới tính.”
-    Luật Hôn nhân 1955 (sửa đổi 2013) của New Zealand giải thích: “Hôn nhân là sự kết hợp của hai người, không phân biệt giới tính, xu hướng tính dục hay nhận dạng giới của họ.”
-    Bộ luật Hôn nhân 1987 (sửa đổi 2009) của Thụy Điển, Điều 1 ghi: “Bộ luật này quy định về việc chung sống trong quan hệ hôn nhân. Hai người trong quan hệ hôn nhân trở thành phối ngẫu của nhau.” Bằng cách không nói gì về giới tính, Thụy Điển xem mọi quyền lợi và nghĩa vụ giữa các cặp cùng giới và khác giới là áp dụng hoàn toàn như nhau.
-    Đáng lưu ý, Bộ luật Dân sự Tây Ban Nha 1889, Điều 44 từng ghi rất giống với Hiến pháp 2013 của Việt Nam, Điều 44: “Nam, nữ có quyền kết hôn theo quy định của Bộ luật này.” Vào năm 2005 khi tiến hành hợp pháp hóa hôn nhân không phân biệt giới tính, họ chỉ cần thêm vào một câu ngay sau đó: “Việc kết hôn có cùng điều kiện và hiệu lực bất kể là đối với những người cùng giới hay khác giới.” Điều này thể hiện rằng việc quy định quyền kết hôn của “nam, nữ” là không ảnh hưởng tới quyền kết hôn của những cặp cùng giới.
Bước thứ hai, trung tính hóa các thuật ngữ “vợ, chồng”, “cha, mẹ” bằng những thuật ngữ như “phối ngẫu, phụ huynh.” Trong một số trường hợp việc trung tính hóa thuật ngữ trở nên quá phức tạp, có thể giữ nguyên các thuật ngữ đang sử dụng, và thêm quy định rằng “khái niệm vợ, chồng trong luật này cũng được áp dụng tương tự đối với các bên trong quan hệ hôn nhân giữa hai người cùng giới tính.” Như vậy sẽ không cần sửa quá nhiều chỗ chi tiết.
Trên thực tế các mẫu giấy tờ cũng phải được sửa đổi cho phù hợp, nhưng không tách riêng giấy tờ cho các cặp cùng giới và khác giới, mà áp dụng một mẫu thống nhất. Các thuật ngữ “vợ, chồng”, “cô dâu, chú rể” được thay bằng “phối ngẫu” (“spouse”) hoặc đánh thứ tự “bên A, bên B” (party) , “đối tác 1, đối tác 2” (partner).
Các thuật ngữ này đôi khi được cho là quá khô khan (“Bên”), dễ gây hiểu lầm như một thương vụ (“Đối tác”) hoặc khó hiểu khi dịch ra tiếng Việt (“Phối ngẫu”, mặc dù thật ra từ này từng được sử dụng phổ biến bởi những người thuộc thế hệ trước đây). Trong trường hợp đó cũng khá đơn giản, các biểu mẫu chỉ cần ghi “vợ/chồng” hay “vợ hoặc chồng” cho cả hai bên và đánh thứ tự (A, B, 1, 2) và giải thích trong luật “phối ngẫu là vợ hoặc chồng.”
Trên thực tế nhiều người đồng tính nam xem nhau là “chồng”, nhiều người đồng tính nữ xem nhau là “vợ”, hoặc có thể thỏa thuận phân vai với nhau. Việc này hoàn toàn không liên quan tới vấn đề nhận diện giới tính như đối với người chuyển giới, mà đơn giản đó là sự vay mượn các khái niệm đang được dùng mà thôi.
Lời kết

Hiến pháp 2013 của Việt Nam là bản hiến pháp có nhiều thay đổi quan trọng, đặc biệt lần đầu tiên thừa nhận quyền kết hôn của công dân. Một số nguyên tắc, khái niệm được sử dụng trong Hiến pháp có thể gây trở ngại cho việc lập pháp sau này để bảo vệ quyền lợi của các cặp cùng giới. Tuy nhiên nếu chúng ta nhìn nhận đó chỉ là những khó khăn về mặt kỹ thuật, và hoàn toàn có những giải pháp thỏa đáng, những kinh nghiệm quốc tế sẵn có, thì việc vượt qua những trở ngại đó không phải là quá khó.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, cái vạn biến ở đây chính là những giải pháp phù hợp với thực tế, và cái bất biến chính là con người, tình yêu và hạnh phúc của con người. Những quyết định trong kỳ sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình vào tháng 5/2014 sắp tới sẽ cho chúng ta biết các nhà làm luật đang thật sự quan tâm và trân trọng điều gì.
Thế Huy (Theo Dienngon.vn)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiến pháp 2013 không đóng cửa hôn nhân cùng giới