TP.HCM hiện còn 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng, trong đó có 23 dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, 29 dự án đã giải phóng mặt bằng dưới 80% diện tích, nhưng phần diện tích còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được.

Hiệp hội BĐS TP.HCM đề xuất giải quyết phần chìm của 'tảng băng tồn kho'

Phan Diệu | 10/05/2016, 17:38

TP.HCM hiện còn 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng, trong đó có 23 dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, 29 dự án đã giải phóng mặt bằng dưới 80% diện tích, nhưng phần diện tích còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được.

Theo Hiệp hội bất động sản TP.HCM, toàn thành phố hiện có 1.219 dự án với quy mô 4.921 ha và 315.506 căn nhà. Trong đó, có 549 dự án đã hoàn thành (chiếm 45%) với 78.140 căn nhà, 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%), 353 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư 231 dự án đã khởi công xây dựng.

Đáng chú ý, trong 231 dự án đã khởi công xây dựng, có đến 51 dự án đang ngưng thi công với quy mô 28.312 căn. Chưa kể, có 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư (chiếm 7%).

Như vậy, toàn thành phố có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư, chiếm 11,2% tổng số dự án.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản đánh giá đây cũng là nguồn hàng hóa dự án tiềm năng cho thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án (M&A) nếu có chính sách và cơ chế phù hợp.

Bên cạnh các dự án trên, TP.HCM cũng còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng, trong đó, có 23 dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80% diện tích, 29 dự án đã giải phóng mặt bằng dưới 80% diện tích, nhưng phần diện tích còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được.

“Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản cần phải có giải pháp hợp lý, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng trên 80%, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã kiến nghị UBND TP cho phép chủ đầu tư và các hộ dân thuê 2 đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất theo giá thị trường, để thỏa thuận việc bồi thường với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước, UBND quận, huyện trình thành phố để hỗ trợ chủ đầu tư về các thủ tục hành chính trong việc thu hồi đất.

Còn đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng dưới 80%, kiến nghị UBND TP cho phép điều chỉnh ranh để thực hiện dự án, hoặc tạo điều kiện doanh nghiệp hợp tác đầu tư, hoặc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư có năng lực để tiếp tục giải phóng mặt bằng. Hoặc có cơ chế giao cho tòa án xem xét quyết định để đảm bảo tính khách quan và các bên có liên quan đều phải chấp hành quyết định của tòa án.

Ngoài ra, ông Châu cũng cho biết hiệp hội đã đề nghị cho chuyển nhượng dự án sau khi đã giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, khoản 2 điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định: “Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng”.

Mặc dù quy định này có giảm nhẹ hơn một chút về điều kiện chuyển nhượng so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006, thế nhưng vẫn chưa thông thoáng, chưa tạo điều kiện thúc đẩy thị trường chuyển nhượng dự án (M&A) để giải quyết các dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư trên địa bàn TP.HCM.

Do đó, Hiệp hội bất động sản đề nghị coi chuyển nhượng dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư có nhu cầu. Nếu bên chuyển nhượng dự án chưa làm xong thủ tục thì bên nhận chuyển nhượng sẽ tiếp tục hoàn tất các thủ tục còn lại theo quy định.

“Hiệp hội nhất trí với đề xuất của Sở Xây dựng là khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện việc hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư có kinh nghiệm và năng lực tài chính tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ cho chuyển nhượng dự án kể từ giai đoạn sau khi đã giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư mới có điều kiện đẩy nhanh việc thực hiện dự án, góp phần giải quyết hàng tồn kho trên thị trường bất động sản”, ông Châu cho biết thêm.

Phan Diệu

Ảnh minh họa, nguồn: Internet
Bài liên quan
An Giang: Dự án nâng cấp đường tỉnh 948 gặp khó về giải phóng mặt bằng
Tuyến đường tỉnh 948 có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa hai huyện Tịnh Biên - Tri Tôn; kết nối hai thành phố Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) và tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là tuyến đường chính phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện nâng cấp, mở rộng khẩn cấp tuyến đường này hiện đang gặp khó về công tác giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp hội BĐS TP.HCM đề xuất giải quyết phần chìm của 'tảng băng tồn kho'