Giấc mơ có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của người Mỹ cuối cùng đã vỡ tan. Hillary Clinton một lần nữa thua cuộc. Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận bà vẫn là một người phụ nữ rắn rỏi đã ngồi vào những vị trí rất đặc biệt, đặc biệt đến nỗi khó có thể tìm thấy ai giống như bà trên trái đất này.

Hillary Clinton, người phụ nữ hai lần vấp ngã trước cửa Nhà Trắng

Tri thuc tre | 10/11/2016, 11:40

Giấc mơ có nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử của người Mỹ cuối cùng đã vỡ tan. Hillary Clinton một lần nữa thua cuộc. Thế nhưng, không ai có thể phủ nhận bà vẫn là một người phụ nữ rắn rỏi đã ngồi vào những vị trí rất đặc biệt, đặc biệt đến nỗi khó có thể tìm thấy ai giống như bà trên trái đất này.

Lần đầu tiên kể từ thời cố Tổng thống Roosevelt , nước Mỹ có một Đệ nhất phu nhân đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách. Người phụ nữ ấy có cả văn phòng riêng ở khu West Wing, là "gái có công" đã góp phần không nhỏ để có thể cứu lấy chiếc ghế Tổng thống cho chồng, là người từng đại diện cho nước Mỹ "đối nhân xử thế" với thế giới.

Ngày 26.10.1947, cô bé Hillary Diane Rodham chào đời ở Park Ridge, vùng ngoại ô của Chicago với những con đường rợp bóng cây, các trung tâm thương mại khá sầm uất và những chóp nhọn nhà thờ điểm xuyết trên bầu trời. Gia đình hạnh phúc của một chủ doanh nghiệp nhỏ và một bà nội trợ sống trong một ngôi nhà gạch hai tầng ở góc giao giữa hai con phố Wisner và Elm, được thành phố đặt tên là Rodham Corner. Đây là nơi lũ trẻ trong khu phố thường tụ tập.

Từ thời là đệ nhất phu nhân đến khi làm Ngoại trưởng và sau này là ứng viên kiên cường của đảng Dân chủ đã chiến đấu với bao đối thủ sừng sỏ, người ta luôn nhìn thấy hình ảnh một Hillary cứng rắn và quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Thực ra những tính cách này đã bộc lộ từ khi bà còn là cô học trò bé nhỏ. Có thể nhìn thấy nét cứng rắn ấy trong ước mơ trở thành nhà du hành vũ trụ hoặc vận động viên bóng chày, trong dáng vẻ năng động của cô gái ưa thể thao hay trong nỗ lực học hành chăm chỉ để khẳng định bản thân khi không được bố ghi nhận thành tích học tập.

Trong cuốn sách tự bạch, bà Clinton chia sẻ khi còn là sinh viên ĐH Wellesley, bà bắt đầu rời xa những giá trị bảo thủ của cha mình và do đó hai người thường xuyên tranh luận. Tại buổi lễ trao bằng, bà vứt bài phát biểu đã chuẩn bị trước sang một bên và thẳng thắn chỉ trích những lời bình luận vừa được một thượng nghị sĩ đưa ra trước đó.

Ngay lập tức bà xuất hiện trên tạp chí TIME và sau đó tới trường luật Yale với cái tiếng là một người hết sức táo bạo. Đây cũng là nơi bà đã gặp gỡ người chồng Bill Clinton.

Bỏ dở tương lai để theo Bill

Đó là năm 1974. Hillary Rodham ngồi trong chiếc xe Buick cũ kỹ đang hướng tới Interstate 81. Cô trầm ngâm nhìn ra ngoài khung cửa sổ, ngắm những cây vân sam, rặng núi Blue Ridge và cả những gì mình đã bỏ lại phía sau.

Nữ luật sư 26 tuổi đang có một chút tiếng tăm trong ngành và chắc chắn sẽ tỏa sáng ở Washington , nhưng cô đã quyết định từ bỏ tất cả vì mong muốn được ở bên cạnh bạn trai Bill Clinton – người đang dạy luật ở Arkansas . Người chủ nhà trọ Sara Ehrman quá tiếc nuối với quyết định này và đã quyết định sẽ chở cô về Arkansas bằng ô tô. Bà dự định dùng 2 ngày đi đường và 1.193 dặm để thuyết phục Rodham thay đổi quyết định.

Đêm đó họ dừng chân tại một nhà nghỉ rẻ tiền và dốc bầu tâm sự. Bà Ehrman không thể tin rằng Rodham quyết định từ bỏ sự nghiệp đầy triển vọng để chọn một tương lai bất ổn với Bill Clinton. Tuy nhiên bất cứ khi nào bà động chạm đến vấn đề, cô gái trẻ đều đáp lại một cách lịch sự: "Cháu yêu anh ấy, và muốn ở bên cạnh anh ấy". Hillary Clinton đã kiên định với tình yêu của mình như thế.

Tình yêu ấy cũng là thứ giúp Hillary đứng vững trước những cơn bão luôn rình rập trước cửa nhà. Khi Bill vấp phải bê bối tình ái khiến chiếc ghế Tổng thống bị lung lay, bên cạnh ông luôn là một hậu phương vững chắc đủ thông minh, đủ nhạy cảm để bảo vệ chồng bằng mọi giá.

Bà chủ nhà trọ tốt bụng Sara Ehrman đã đánh giá thấp Bill Clinton so với năng lực của ông. 18 năm sau, Bill trở thành người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ. Và, Hillary vẫn có sự nghiệp sáng chói của riêng mình. Bà từng là phu nhân Thống đốc bang Arkansas rất năng nổ tham gia hoạt động xã hội, từng là Đệ nhất phu nhân ghi được nhiều dấu ấn, từng là Ngoại trưởng Mỹ.

Nữ ngoại trưởng đã đi 38 vòng quanh trái đất

Trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên hôm 19/10, Donald Trump nói rằng Hillary Clinton đã chẳng làm được gì sau 30 năm phục vụ chính trường Mỹ. Tuy nhiên, nhìn vào những gì người phụ nữ bé nhỏ đã làm được trong nhiệm kỳ 4 năm làm Ngoại trưởng sẽ thấy nhận định này là hoàn toàn sai lầm.

Theo số liệu thống kê, vị Ngoại trưởng đi lại nhiều nhất trong lịch sử nước Mỹ đã tới thăm 112 quốc gia trong vòng 4 năm, vượt qua tổng quãng đường 956.733 dặm và có tới 401 ngày di chuyển.

Bà là một "con ong chăm chỉ" cần mẫn sửa chữa những mối quan hệ quốc tế đã bị tổn thương bởi một chính quyền Bush hiếu chiến. Dưới thời của bà, nước Mỹ phản ứng với phong trào Mùa xuân Ả Rập ở các nước Trung Đông, tham gia hoạt động can thiệp quân sự ở Libya, thực hiện sứ mệnh tiêu diệt trùm khổng bố Osama Bin Laden…

Chiến lược xoay trục châu Á là sản phẩm mà bà Clinton cùng Tổng thống Obama đã kỳ công xây dựng. Năm 2009, Đối thoại kinh tế và hợp tác chiến lược Mỹ Trung diễn ra. Năm 2011, bà là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Myanmar kể từ năm 1955. Khi rời khỏi ghế Ngoại trưởng, tỷ lệ ủng hộ Hillary Clinton lên tới 70% - cao nhất kể từ năm 1948.

Từ nỗi thất vọng 2008 đến sự tiếc nuối tột độ 2008

Ngày 7.6.2008, Hillary Clinton "gục ngã" trước Barack Obama trong nỗ lực trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ chạy đua vào Nhà Trắng. Tròn 8 năm sau đó, niềm hi vọng đặt vào bà Clinton lớn hơn bao giờ hết và rồi nhiều người lại phải tiếc nuối.

Trong lịch sử bầu cử của nước Mỹ, hiếm khi nào các cử tri lại đứng trước sự lựa chọn khó khăn đến vậy và cũng hiếm khi nào họ phải đặt cược lớn đến vậy. Cuộc tranh tài giữa Hillary Clinton và Donald Trump giống như một vở kịch lúc nào cũng ở cao trào, được tô điểm bởi các bê bối của hai ứng viên.

Donald Trump đối đầu với Hillary Clinton. Sau hơn 1 năm của giai đoạn tranh cử khốc liệt nhất, người ta nhận thấy vị tỷ phú bất động sản giống như một người kịch sĩ, còn người phụ nữ bé nhỏ vẫn sống sót dù đã đi qua nhiều trận chiến.

Hillary Clinton khiến con đường đến cánh cửa Nhà Trắng trở nên gập ghềnh hơn khi từ chối xin lỗi vì sử dụng email cá nhân để trao đổi những thông tin tuyệt mật của Bộ Ngoại giao. Khi mà chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến ngày bầu cử chính thức, Giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tuyên bố đang điều tra về một bằng chứng mới có liên quan đến bê bối sử dụng email cá nhân của bà Clinton . Nguy hiểm hơn, nguồn cơn của sự việc xuất phát từ một thiết bị thuộc sở hữu của Anthony Weiner, người chồng bị ruồng bỏ của Huma Abedin, phụ tá thân cận nhất của bà Hillary Clinton. Thế nhưng Hillary Clinton vẫn tỏ ra kiên cường.

Bà nhận được cái nhìn hoài nghi của các cử tri trẻ tuổi, những người đàn ông da trắng và các cử tri độc lập. Tuy nhiên Hillary đã phá tan sự hoài nghi ấy.

Bà thiếu "ngọn lửa" của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hay đối thủ Donald Trump để có thể phản ứng với những nỗi sợ và sự giận dữ bao trùm cuộc bầu cử 2016. Nhưng bà đã cố gắng hết sức mình.

Donald Trump liên tiếp sỉ nhục đối thủ của mình. Nhưng cựu Ngoại trưởng vẫn vững vàng trên chiến tuyến.

Sự bền bỉ trong mọi hoàn cảnh - dù dính "đòn đau" trước ngày bầu cử, bị kẻ địch tấn công từ mọi phía hay phải đối mặt với những vấn đề hóc búa đang đón chờ vị Tổng thống tiếp theo - chính là hạt nhân tạo nên bản sắc chính trị của Hillary Clinton. Trong cuộc tranh cử tại đảng Dân chủ năm 2008, thất bại tại bang Iowa và sự kiện Thượng nghị sĩ Senator Edward M. Kennedy bất ngờ ủng hộ ông Obama khiến nhiều người suy nghĩ bà Clinton sẽ từ bỏ cuộc đua. Trái lại bà đã không làm như vậy. Sau này Hillary chia sẻ những tháng ngày đó giúp nhận ra mình là một chiến binh không chỉ đấu tranh vì lợi ích chính trị của bản thân mà còn vì người dân Mỹ.

Khi những người đối lập hô hào "hãy bỏ tù Hillary Clinton", họ tin rằng bà ấy đáng phải chịu hình phạt này vì những lỗi lầm đã phạm phải. Nhưng theo một góc nhìn khác, cũng có thể coi đó là lời thú nhận họ chẳng thể tìm được cách nào khác để ngăn cản bà bước tới Nhà Trắng. Donald Trump cũng phải thốt lên rằng "bà ấy không từ bỏ, bà ấy không thoái lui".

Giấc mơ Mỹ, giấc mơ chung của cả những người nhập cư và các công dân Mỹ , đang trở nên nhòe nhoẹt. Tầng lớp trung lưu Mỹ phải chịu cảnh thắt lưng buộc bụng trong thời gian dài đồng thời chứng kiến nhóm 1% ngày càng giàu có hơn. Chủ nghĩa dân túy khiến nước Mỹ phân cực hơn bao giờ hết.

Cuộc bầu cử năm nay cũng diễn ra trong một hoàn cảnh đặc biệt. Trật tự đã được thế giới duy trì suốt 70 năm qua đang lung lay và đứng thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Sự kiện Anh bỏ phiếu rời EU hồi tháng 6 làm châu Âu mất đi một trụ cột, Trung Đông là một mớ hỗn loạn trong khi châu Á đang đứng trước nhiều thách thức.

Vị Tổng thống mới phải hàn gắn chính những vết thương đã định hình nên cuộc bầu cử 2016. Sau nhiều năm bế tắc, chương trình nghị sự trong nước đã trở nên rõ ràng: thực hiện cải cách thuế, cải cách luật nhập cư và tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đối chiếu với những tiêu chí này, Hillary có một kế hoạch hợp lý.

Hillary Clinton có đủ hành lý để lấp đầy chiếc Air Force One và sẵn sàng cùng nước Mỹ cất cánh. Nhưng đáng buồn là chuyến bay ấy lại chẳng bao giờ cất cánh.

Theo Thu Hương/ Tri Thức Trẻ/ CafeF
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hillary Clinton, người phụ nữ hai lần vấp ngã trước cửa Nhà Trắng