Bộ sưu tập hàng trăm bức tranh lụa và màu nước của họa sĩ thế hệ Đông Dương Đặng Quý Khoa sẽ được triển lãm tại Sài Gòn. ,

Họa sĩ Hà Nội thế hệ Mỹ thuật Đông Dương mở triển lãm tại Sài Gòn

Tiểu Vũ (thực hiện) | 01/10/2022, 19:21

Bộ sưu tập hàng trăm bức tranh lụa và màu nước của họa sĩ thế hệ Đông Dương Đặng Quý Khoa sẽ được triển lãm tại Sài Gòn. ,

Bộ sưu tập hàng trăm bức tranh lụa và màu nước của họa sĩ thế hệ trương Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Đặng Quý Khoa được các nhà sưu tập thuộc The World ArtSpace cất công từ Sài Gòn ra Hà Nội sưu tập từ nhiều năm qua, sẽ mang đến chút hương mùa thu giữa trời Sài Gòn tại triển lãm giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật, khai mạc ngày 1.10.2022.

img_6657.jpg
Tọa đàm về tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa được tổ chức tại không gian triển lãm - Ảnh: Tiểu Vũ 

Không gian trưng bày tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa, đặc biệt là tranh lụa, đã mang đến cho người xem nhiều cung bật cảm xúc. Đề tài trong tác phẩm của ông luôn gần gũi, bình dị, mô tả đời thường ở Hà Nội như thiếu nữ, phong cảnh bằng những đường nét điệu luyện giàu chất thơ lãng mạn nhưng cũng đâm chất hiện thực. Không chỉ dừng lại ở cái nhìn trực quan, thủ pháp nghệ thuật của họa sĩ Đặng Quý Khoa còn mang thông điệp về triết lý nhân sinh được ông gửi gắm mềm mại vào những mảng màu hình khối trong tác phẩm. Tranh của họa sĩ Đăng Quý Khoa cũng cho người xem thấy được nét thanh lịch của người Tràng An đã thấm vào con người ông để làm nên hồn cốt của tác phẩm.

khoa-7.jpg
Tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa 

Tranh của của PGS - họa sĩ Đặng Quý Khoa được giới chuyên môn đánh giá cao, bởi bên cạnh hội họa, ông còn nghiên cứu các nền văn hóa, nhất là triết học Phương Đông, tinh thông kiến thức về lịch sử mỹ thuật, yêu nghệ thuật và thơ ca. Ông từng nhận chức vụ Trưởng khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, giảng dạy các học phần về lý thuyết, nhưng niềm đam mê của ông vẫn là vẽ tranh, không ngừng sáng tạo và đều đặn trưng bày triển lãm cá nhân.

Tại triển lãm, bà Đặng Thị Bích Ngân, GĐ NXB Mỹ thuật đã dành riêng cho Một Thế Giới những nhận xét về tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa: 

Cũng trong dịp này, NXB Mỹ thuật cho phát hành ấn bản giới thiệu 160 tác phẩm của họa sĩ đa tài Đặng Quý Khoa. Cuốn sách được phân chia theo các mảng đề tài phong phú, đa dạng để người xem thấy được mạch sáng tác và lối nhìn riêng, không ngừng sáng tạo của một họa sĩ lão thành - một người thầy kính yêu của bao thế hệ học trò.

Để hiểu sâu hơn về họa sĩ Đặng Quý Khoa, Một Thế Giới  giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Đặng Phong Lan con gái của ông, hiện là Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam

Đặng Quý Khoa - Họa sĩ của đam mê và nghị lực: 

Họa sĩ Đặng Quý Khoa sinh ngày 17 tháng 10 năm 1936 trong một dòng họ khoa bảng, hiếu học tại Cự Đình, Văn Lâm, Hưng Yên. Sống trong một gia đình có nề nếp, truyền thống đã nuôi dưỡng tâm hồn và định hình trong họa sĩ một nhân cách sống trọng thực, nhân hậu. Yêu văn chương, nhạc họa, đam mê vẽ và nghiên cứu triết học đã mang đến cho ông những tri thức sâu sắc trong sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy.

Tốt nghiệp chuyên khoa Sơn dầu, trường Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam khóa 1 (1957-1962) (tiền thân làTrường Mỹ thuật Đông Dương), họa sĩ Đặng Quý Khoa học cùng khóa với các hoạ sĩ thành danh như Vũ Giáng Hương, Phạm Công Thành, Nguyễn Trọng Cát, Ngọc Thọ... Theo nhận xét của đồng nghiệp, “Tranh của hoạ sĩ Đặng Quý Khoa khai thác được vẻ đẹp đặc thù của chất liệu, giàu chất thơ, chất hiện thực... Đề tài trong mỗi tác phẩm tuy bình dị, thường nhật nhưng đều hàm chứa trong đó những triết lý nhân sinh. Ở đó luôn thể hiện cảm thức nhớ thương, hoài tưởng về những gì đã qua”.

khoa1.jpg

Sự nghiệp của họa sĩ Đặng Quý Khoa gắn bó với sáng tác và giảng dạy mỹ thuật. Trong sáng tác ông thể hiện sự đam mê, không ngừng tìm tòi, sáng tạo trên nhiều chất liệu từ sơn dầu, lụa, sơn mài đến sơn khắc, giấy dó... Hoạ sĩ đã đi thực tế khắp mọi miền đất nước, từ nông thôn, đồng bằng đến miền biển, vùng núi và có nhiều sáng tác về phong cảnh, con người nơi đây. Các tác phẩm của ông thể hiện tâm hồn, tình cảm của một họa sĩ trọng thực, nhân hậu, giàu cảm xúc, hết mình cho sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật. Họa sĩ đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, có tranh lưu giữ trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như trong bộ sưu tập tranh của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

khoa-2.jpg
Tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa 

Am tường văn hóa, triết học Phương Đông cùng kiến thức sâu sắc về lịch sử mỹ thuật, hoạ sĩ Đặng Quý Khoa theo đuổi lối vẽ hiện thực lãng mạn trong các sáng tác về đề tài phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật, chân dung. Trong đó tranh phong cảnh và tranh sinh hoạt chiếm số lượng nhiều hơn cả. Dưới nét bút của họa sĩ, phong cảnh làng xóm, đồng ruộng dưới chân núi xen lẫn kiến trúc đền, chùa vùng trung du Bắc Bộ hiện lên, mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng sông nước nông nghiệp. Người xem có thể cảm nhận được trong tranh của họa sĩ nỗi hoài niệm về sự yên bình, vẻ đẹp của của làng quê Bắc Bộ truyền thống qua hình ảnh con đò, quán hàng dưới gốc đa, chiếc cầu đá cong cong, những đứa trẻ chăn trâu tóc để trái đào, những bà mẹ nón thúng quai thao.

khoan-5.jpg
Tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa 

Ở tranh phong cảnh miền núi, sự tĩnh mịch, hoang sơ của tạo hóa được tác giả nhấn mạnh ở vẻ tự nhiên của đá núi, cây cỏ, thác nước, một vài con thuyền neo đậu bên bờ tạo cảm giác u tịch... Phong cảnh làng bản được diễn tả từ điểm nhìn trên cao, trong buổi hoàng hôn hay dưới ánh trăng... Tất cả như hiện lên trong ký ức mờ ảo, thấp thoáng những mái nhà, cây cỏ, đá núi đang chìm trong sự tĩnh tại của không gian, núi rừng, thiên nhiên. Núi non trùng điệp được thu gọn trong tầm nhìn với ruộng bậc thang, cánh đồng lúa chín vàng, thấp thoáng bóng những cô gái Thái đang gặt lúa, vài cành mai trắng tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên. Tranh “Dưới trăng” (lụa), “Ngày mùa” (lụa), “Chợ vùng cao” (màu nước trên giấy) , “Bản làng”, “Xuống chợ” (Màu nước trên giấy), “Làng quê”, “Mùa gặt”, “Xuống chợ”...

Với tranh phong cảnh vịnh Hạ Long, tác giả khai thác sự tương phản của cảnh vật, giữa vẻ đồ sộ, tĩnh tại của núi, yên ả của sông với hình ảnh những mái nhà nhỏ lô xô, những con thuyền rực rỡ sắc màu để gợi nên sức sống vùng ven biển. Phong cảnh và sinh hoạt nhộn nhịp vùng sông nước Nam Bộ cũng được họa sĩ thể hiện trong một số tác phẩm gặt lúa, chợ nổi trên sông. Một số tác phẩm tiêu biểu: “Hạ Long” (màu nước trên giấy), “Chợ nổi” (lụa)..

hoa-23.jpg

Trong tranh sinh hoạt, họa sĩ đưa người xem trở về với đời sống, lễ hội đặc trưng của từng vùng miền hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên và kiến trúc. Nơi thành thị là cảnh sinh hoạt gia đình, đi chợ Tết, hát xẩm trên phố cổ Hà Nội, đi lễ chùa, rước đèn Trung thu... Ở nông thôn Bắc Bộ là sinh hoạt đầm ấm của những ông bà già vui đùa cùng con cháu hay trong công việc thường ngày như đan giỏ, vá lưới, buông câu, hút điếu cày... Ở tranhsinh hoạt miền núi, ngoài cảnh gặt lúa quen thuộc, còn có những sinh hoạt bên suối như thiếu nữ tắm, thiếu nữ khoả thân... Ngoài ra còn có tranh sinh hoạt của người dân Tây Nguyên như cưỡi voi, uống rượu... Tác phẩm tiêu biểu: “Hát xẩm” (sơn dầu), “Trung thu”, “Bên Hồ Gươm” (lụa), “Chợ quê”, “Cổng chùa Kim Liên”, “Lễ hội” (lụa), “Hai bà lão ăn trầu” (lụa)…

Ở thể loại tranh sinh hoạt lịch sử, họa sĩ Đặng Quý Khoa khá thành công với những chủ đề như: Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long, Hồ Xuân Hương, Mỵ Châu, Trọng Thủy, Vua Hùng, Sự tích bánh chưng, bành dày... Trong thể loại tranh này, họa sĩ khai thác nét đẹp cổ kính của kiến trúc kinh thành Thăng Long cùng những mô típ hoa văn truyền thống như tiên, rồng, phượng..., trang phục dân tộc, đồ thờ, đồ rước như trống, kiệu, cờ quạt, võng lọng... như tác phẩm: “Quang Trung, chén rượu đầu xuân” (lụa), “Vinh quy” (lụa), “Lớp học thầy đồ” (lụa)... Ngoài ra họa sĩ vẽ khá nhiều tranh tĩnh vật với hình ảnh những chú mèo xinh xắn cùng đồ vật hay hoa trái... Tranh thiếu nữ khỏa thân cũng là mảng đề tài được tác giả thể hiện trên nhiều chất liệu như lụa, giấy dó, sơn dầu, bột màu...

khoa-3.jpg

Về chất liệu, ngoài tranh sơn dầu, họa sĩ Đặng Quý Khoa còn vẽ tranh lụa, tranh giấy dó và tranh sơn khắc. Trong các chất liệu thì lụa và giấy dó hợp với lối vẽ và tâm hồn của tác giả hơn cả. Đó là lối vẽ mơ màng sử dụng độ loang nhòe tự nhiên của màu trên lụa, trên giấy. Trên những mảng màu loang tự nhiên ấy, tác giả sẽ tùy hứng sáng tác. Triết lý sắc không cùng tinh thần thiền định đã ảnh hưởng sâu sắc trong sáng tác của họa sĩ ở lối bố cục với khoảng trống hư ảo, không gian tĩnh tại. Đặc biệt là tranh lụa về phong cảnh chùa Thầy, chùa Hương ảnh hưởng của tranh sơn thủy Trung Quốc với cách diễn tả núi non trùng điệp, dòng suối uốn lượn, cây cối mềm mại gợi nên cảnh sắc thanh tịnh. Trên nền thiên nhiên đó, hình ảnh con người trong trang phục truyền thống áo tứ thân, nón thúng quai thao gợi nên vẻ đẹp đậm văn hóa, tín ngưỡng dân tộc. Phong cảnh làng bản, núi non thường được họa sĩ vẽ với điểm nhìn từ trên cao, tạo không gian mênh mang trên đó hiện lên dáng cây, tán lá mềm mại. Một số tranh tiêu biểu: “Chùa Thầy”, “Suối yến, chùa Hương” (màu nước, trên giấy), “Hành hương” (màu nước, trên giấy)...

Những kiến thức về kiến trúc truyền thống, cùng những nghiên cứu về lịch sử dân tộc, lịch sử mỹ thuật thế giới đã tạo nên sự thành công và nét riêng trong tranh lụa đề tài lịch sử của họa sĩ Đặng Quý Khoa. Trong đó có sự kết hợp giữa cách thể hiện không gian phối cảnh Phương Tây với yếu tố trang trí, ước lệ của hình, màu, nét tạo nên vẻ đẹp truyền thống mà hiện đại.

Một số tranh màu trên giấy đen được tác giả lấy cảm hứng từ tượng gỗ Tây Nguyên, chạm khắc trang trí đình làng với lối vẽ cách điệu, màu sắc tương phản gợi không khí lễ hội. Tranh khỏa thân được thể hiện nhiều trên giấy dó với lối vẽ hư thực dùng độ loang của màu tạo gợi chất sần sùi của đá núi, cây cỏ, trên nền đó tác giả dùng nét đen gợi hình ảnh thiếu nữ khỏa thân đang nằm hay ngồi nghỉ ngơi giữa thiên nhiên. Một số tác phẩm tiêu biểu: “Cảm hứng Tây Nguyên”, “Thiếu nữ” (màu nước, trên giấy), “Thiếu nữ với thiên nhiên”, “Tắm suối” (màu nước, trên giấy) ...

Ở tranh sơn khắc, tác giả thường thể hiện đề tài về sinh hoạt, lễ hội, tận dụng nền đen của vóc tạo hình núi non, sông nước, trên đó dùng nét gợi hình kiến trúc, cây cỏ, con người như tranh lễ hội chùa Thầy, lễ hội dân gian tại các làng quê Bắc Bộ... Ngoài ra họa sĩ còn ký họa trên giấy hàng trăm tác phẩm gồm chì và màu nước về phong cảnh thiên nhiên, con người và chân dung thiếu nữ...

Bên cạnh sáng tác, họa sĩ Đặng Quý Khoa còn được biết đến là một Phó Giáo sư, họa sĩ, nhà giáo hết lòng vì đồng nghiệp, vì các thế hệ sinh viên. Họa sĩ đã đóng góp nhiều công sức xây dựng nhà trường, đào tạo các thế hệ sinh viên tiếp tục sự nghiệp sáng tạo và giảng dạy mỹ thuật. Nhiều sinh viên của ông nay đã đảm nhiệm những cương vị lãnh đạo nhà trường cũng như các trường mỹ thuật trong cả nước, nhiều người trở thành những họa sĩ tên tuổi trong giới mỹ thuật, được phong các danh hiệu Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Cách dạy của họa sĩ là truyền đến sinh viên sự nhiệt huyết, say mê, cảm hứng trong sáng tác, nghiên cứu mỹ thuật.

khoa-26.jpg

Không chỉ có uy tín trong giảng dạy, ông còn là một nhà nghiên cứu, quản lý có uy tín trong Trường Đại học Mỹ thuật và ngành Kiến trúc. Trước khi gắn bó sự nghiệp giảng dạy với Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ có duyên với ngành Kiến trúc. Năm 1956 đỗ Đại học Bách khoa ngành Kiến trúc, học được 02 năm thì ngành dừng đào tạo, họa sĩ Đặng Quý Khoa đã thi sang Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm 1957. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm 1962, họa sĩ được mời về giảng dạy môn Kiến trúc Cơ sở cho ngành Kiến trúc Trường Đại học Bách Khoa. Họa sĩ đã cùng những thế hệ giảng viên kiến trúc sư, kỹ sư, nhà điêu khắc xây dựng cơ sở vật chất, nhân lực cho ngành Kiến trúc Trường Đại học Bách Khoa, tiền thân của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội ngày nay. Trong 16 năm gắn bó với ngành Kiến trúc, ngoài giảng dạy, hoạ sĩ Đặng Quý Khoa còn tham gia cùng các họa sĩ, các kiến trúc sư trang trí cho Bảo tàng Lịch sử, thiết kế Lăng Bác, tham gia các Triển lãm Mỹ thuật, các cuộc thi Thiết kế tem. Ngoài ra họa sĩ còn tham gia viết bài nghiên cứu và minh hoạ cho Tạp chí Kiến trúc của Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam...

khoa-45.jpg
Tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa 

Từ năm 1978, họa sĩ Đặng Quý Khoa được Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam mời về giảng dạy. Năm 1980, họa sĩ được giao chức vụ Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học của trường, năm 1987 giữ chức vụ Trưởng Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật. Vừa sáng tác , ông vừa tham gia nghiên cứu lý luận mỹ thuật, viết giáo trình cho ngành Hội họa, Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật. Họa sĩ còn tích cực tham gia các Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, Triển lãm Khu vực, triển lãm cá nhân và đạt nhiều giải thưởng. Hoạ sĩ Đặng Quý Khoa có tác phẩm tranh lụa “Nguyễn Trãi” sáng tác năm 1969 được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà trường trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Họa sĩ là tấm gương lao động sáng tạo cho nhiều thế hệ sinh viên noi theo. Quá trình giảng dạy, nghiên cứu, sáng tác đã tạo cho họa sĩ kinh nghiệm nghề nghiệp, sự vững vàng về kỹ thuật, chất liệu, tạo hình thể hiện trong sáng tác. Những kiến thức đó đã được họa sĩ đúc kết trong bài giảng về Mỹ thuật học, trong cuốn “Giáo trình Bố cục” của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho các thế hệ sinh viên, giảng viên học tập nghiên cứu.

khoa-27.jpg
Tác phẩm của họa sĩ Đặng Quý Khoa 

Bên cạnh giảng dạy, vẽ tranh, hoạ sĩ Đặng Quý Khoa còn đam mê văn chương và sáng tác nhiều bài thơ thể hiện những suy tư, cảm xúc, chiêm nghiệm về cuộc sống. Thơ của ông mang tính ngẫu hứng, đầy màu sắc hội họa với những cái tên rất đỗi giản dị như: Ấm trà; Mưa; Suy ngẫm; Xuân; Họa và yêu; Vội vàng; Thu đến; Thanh thản; Phù du; Tiếng mõ; Bốn mùa... Xin được giới thiệu một vài bài thơ trong số hơn một trăm bài thơ của hoạ sĩ Đặng Quý Khoa để thấy được phần nào tâm hồn đầy lãng mạn nhưng đậm triết lý sống của ông.

Sáng tác, giảng dạy, nghiên cứu, làm thơ mọi việc cứ tiếp diễn không ngừng theo nguồn cảm hứng và sự đam mê trong họa sĩ. Hàng trăm tác phẩm trên nhiều chất liệu được sáng tác, 05 triển lãm cá nhân và rất nhiều tác phẩm tham gia triển lãm do Hội Mỹ thuật tổ chức đã được công bố. Tuy nhiên tuổi cao, công việc dồn dập vừa giảng dạy, đưa sinh viên đi thực tập, hướng dẫn Nghiên cứu sinh, chuẩn bị cho triển lãm cá nhân, năm 2014, họa sĩ Đặng Quý Khoa bị tai biến, sức khỏe suy yếu, tay phải không còn đủ lực để đi những nét tinh tế trên tranh, việc sáng tác giảm đi và cũng là lúc ông cho phép mình tạm nghỉ ngơi. Với sự kiên trì luyện tập, cùng ý chí vượt qua bệnh tật cho đến nay khi đã 86 tuổi, sức khỏe có suy giảm nhưng tình yêu với nghệ thuật không bao giờ vơi cạn trong tâm hồn của họa sĩ Đặng Quý Khoa.

Bài liên quan
Vụ xử phạt tiêu hủy tranh của họa sĩ Bùi Chát: Sở VH-TT TP.HCM nói gì?
Sở VH-TT TP.HCM khẳng định những bức tranh họa sĩ Bùi Chát không có vấn đề gì về nội dung vì vậy cơ quan chức năng sẽ tạo điều thuận lợi cho họa sĩ được tự tiêu hủy thay vì trực tiếp tiêu hủy có giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
11 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họa sĩ Hà Nội thế hệ Mỹ thuật Đông Dương mở triển lãm tại Sài Gòn