Cứ sau 3 ngày Tết, các gia đình thường hay làm lễ hóa vàng, coi như hết Tết và có nhiều người cho rằng lúc đó là tiễn tổ tiên đi sau 3 ngày ăn Tết cùng gia đình.

Hóa vàng sau 3 ngày Tết: Người Việt đang hiểu sai quan niệm

11/02/2016, 13:01

Cứ sau 3 ngày Tết, các gia đình thường hay làm lễ hóa vàng, coi như hết Tết và có nhiều người cho rằng lúc đó là tiễn tổ tiên đi sau 3 ngày ăn Tết cùng gia đình.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới vào sáng 11.2 (tức mùng 4 Tết Nguyên đán) Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng người Việt đang hiểu sai quan niệm về hóa vàng sau 3 ngày Tết. Thông thường, lễ hóa vàng thường được các gia đình làm từ mùng 3 đến mùng 10 âm lịch, tùy theo từng điều kiện gia đình. Tuy nhiên, bản chất của việc hóa vàng đó chính là đón thần tài, thần lộc về cho gia đình chứ không phải lễ tiễn gia tiên về trời.
Việc đốt vàng mã chính là phương pháp làm lễ hỏa tịnh, đàn hỏa thực dùng lửa đốt đồ cúng để chuyển đồ cho thần linh hay chư Phật tại các gia đình. Có một vấn đề người dân chưa thực sự biết đó chính là tổ tiên lúc nào cũng ở cạnh chúng ta, dù chúng ta có đốt nhiều vàng mã nhưng thật sự thì tổ tiên đang ở nhà và việc đốt vàng mã đó cũng không có "tác dụng" nhiều đối với những người đã khuất. Có lễ tạ với tổ tiên thì đó cũng chính là minh chứng cho lòng thành của các gia chủ trong gia đình của văn hóa Việt. Đó mới chính là điều quan trọng nhất trong việc hóa vàng 3 ngày sau Tết.
Sau khi lễ, các gia chủ sẽ hóa vàng và phần tiền, vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau. Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài cây mía dài. Dân gian cho rằng đây là đòn gánh để các linh hồn dùng làm gậy chống, hay mang hàng hóa. Người chết không phải là hết, chính vì vậy quan trọng nhất đó chính là hành động và các nghi lễ đốt vàng mã chứ không phải đốt càng nhiều tiền vàng thì càng được lộc - Giáo sư Ngô Đức Thịnh khẳng định.
Hành động đốt vàng mã là một trong các nghi lễ, mà nghi lễ nào cũng có cơ sở nhận thức và được thực hiện trên một nền tảng quan niệm vững chắc, trở thành một tập quán xã hội. Đồ vàng mã cũng vậy, dân gian quan niệm chết không phải đã hết mà linh hồn tồn tại ở một thế giới siêu nhiên nào đó nên họ tư duy “trần sao âm vậy”, có nghĩa là người sống cần gì, người âm cũng cần cái đó. Bằng rất nhiều cách, người sống cố gắng liên hệ với thế giới linh hồn. Họ đốt tiền, vàng mã là để tin rằng người chết cũng có được cuộc sống đủ đầy. Vì thế, đồ vàng mã khó có thể tách rời khỏi văn hóa tín ngưỡng của người Việt.
Tuy nhiên, cứ hết 3 ngày Tết thì người Việt lại thi nhau đốt vàng mã, cho rằng đốt thật nhiều thì càng thể hiện lòng thành, hiểu như vậy là sai. Ở nhiều nơi, việc đốt vàng mã đang bị người ta thực hiện một cách thái quá vì cho rằng dâng cúng càng nhiều thì càng được thánh thần hay người âm phù hộ. Thực chất, đây chỉ là sự “phô trương” với người trần, hơn thế nữa là để thỏa mãn thói thường “con gà tức nhau tiếng gáy”, dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết, điều này đáng phê phán.
"Tổ tiên chỉ cần đốt một ít vàng mã và hương khói đầy đủ trong 3 ngày Tết cho ấm lòng, vậy là đủ chứ không phải sau 3 ngày Tết đem ra đốt hết một loạt, như vậy là hủy hoại môi trường chứ không phải mang ý nghĩa cảm ơn, rước tổ tiên về chứng giám lòng thành. Người Việt đang hiểu sai quan niệm đốt vàng mã thật nhiều sau 3 ngày Tết thì tổ tiên mới đầy đủ, phù hộ cho gia chủ phát tài".
Chính vì thế, sau những ngày Tết âm lịch, người dân nên hạn chế việc đốt vàng mã. Tuy đốt vàng mã là một trong các nghi lễ đã trở thành một tập quán xã hội nhưng tập quán xã hội cũng cần xây dựng trên nền tảng hiểu đúng, hiểu đủ về vấn đề tâm linh này thì mới có sự phát triển bền vững được - Giáo sư Ngô Đức Thịnh trao đổi.
Chỉ dẫn sắm lễ hóa vàng

Lễ vật dâng cúng trong lễ tạ năm mới gồm:

- Nhang, hoa, ngũ quả,

- Trầu cau, rượu, đèn nến, bánh kẹo,

- Mâm lễ mặn hoặc chay cùng các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết.

Văn khấn lễ tạ năm mới (lễ hóa vàng)

- Nam mô A di đà Phật (3 lần)

- Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị tôn thần

- Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị Tôn thần

- Con kính lạy ngài Đương niên hành khiển, ngài Bản cảnh Thành hoàng, các ngài Thổ địa, Táo quân, Long mạch Tôn thần.

- Con kính lạy các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, nội ngoại tiên linh.

Hôm nay là ngày mùng 3 tháng giêng năm …………………

Chúng con là: ……………………………tuổi………………....

Hiện cư ngụ tại....................................................................

Thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, phù tửu lễ nghi, cung bày trước án. Kính cẩn thưa trình: tiệc xuân đã mãn, Nguyên đán đã qua, nay xin thiêu hóa kim ngân, lễ tạ Tôn thần, rước tiễn âm linh trở về âm cảnh.

Kính xin lưu phúc, lưu ân, phù hộ độ trì dương cơ âm trạch, mọi chỗ tốt lành, con cháu được bách sự như ý, vạn sự bình an, tài lộc song toàn, gia đạo hưng vượng.

Lòng thành kính cẩn, lễ bạc tiến dâng, lượng cả xét soi, cúi xin chứng giám.

Nam mô A di đà Phật (3 lần)
Minh Khuê (tổng hợp)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hóa vàng sau 3 ngày Tết: Người Việt đang hiểu sai quan niệm