Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, cơ chế tạm hoãn hay thí điểm trong ban hành và thực thi chính sách. phản ánh sự bất lực hơn là thận trọng.
Doanh nghiệp khó ứng phó
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết nghị định quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT chưa thể ban hành.
Trong khi đó, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2018. Về nguyên tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo.
Ông Thịnh lý giải rằng quá trình xây dựng dự thảo nghị định này gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến nhiều vấn đề, quy định pháp luật khác như: đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát.
Việc luật đã có hiệu lực mà dự thảo nghị định chưa được ký ban hành sẽ làm xuất hiện khoảng trống pháp lý. Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, các nhà đầu tư tham gia dự án BT sẽ gặp nhiều rủi ro trong việc bàn giao mặt bằng công trình dự án BT, quỹ đất thanh toán đi kèm…
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, hiện là thành viên NHQuang và Cộng sự và trọng tài viên VIAC, cơ chế tạm hoãn hay thí điểm trong ban hành và thực thi chính sách. phản ánh sự bất lực hơn là thận trọng.
“Doanh nghiệp và người dân sẽ ứng phó thế nào khi lập kế hoạch cũng như xử lý các vấn đề phát sinh từ hoạt động kinh doanh và đời sống của họ, một khi không thể trông cậy vào sự nhất quán và ổn định của môi trường chính sách vĩ mô?”, ông Lập nói.
Do vậy, ông cho rằng nếu nhận định một chính sách nào đó sai hay khiếm khuyết thì hãy ban hành một chính sách mới, đúng đắn thay thế, trong đó phải tính đến và dám chấp nhận cả độ trễ của việc thực thi cái mới lẫn hậu quả từ cái cũ đã xảy ra. Các cơ quan lập chính sách buộc phải tự nâng cao năng lực để có thể đảm nhiệm được.
Cần thay đổi động cơ phát triển
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực từ 1.1.2018 nghĩa là về mặt nguyên tắc, những dự án chưa có chữ ký hoặc nếu ký rồi nhưng chưa triển khai cũng có thể dừng.
Trong đó, việc đổi đất lấy hạ tầng xuất hiện rất nhiều lỗ hổng trong quản lý, đặc biệt là việc định giá các tài sản công, trong đó có đất đai, quyền sử dụng đất. Đất đai theo đó được định giá rất rẻ và đằng sau có thể có sự móc ngoặc, ăn chia, giành phần cho các doanh nghiệp thân hữu. Nhiều ý kiến cũng yêu cầu phải thực hiện dự án thông qua đấu thầu nhưng nhiều nơi vẫn viện lý do để chỉ định thầu.
Ông Thịnh khẳng định, đất đai là tài sản công, vì thế việc quản lý tài sản công phải được thực hiện theo quy chế mới. Việc định giá đất phải công khai, minh bạch, phải có đấu thầu và sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp đấu thầu. Cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, giám sát một cách sòng phẳng.
Về BT, luật sư Lập cho rằng về mặt chính sách, Việt Nam đang tập trung quá lớn các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chiếm tới 5,7% GDP, vào mức cao nhất Đông Nam Á. Trong khi các cấp các ngành vẫn muốn đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng nhưng lại thiếu nguồn vốn ngân sách,thì liệu có phương cách nào khác nếu không bám lấy và tiếp tục níu kéo loại hình BT?
“Đơn giản là loại hình đầu tư này rất tiện lợi cho nhiều phía: Chính quyền phê duyệt nhanh vì coi đó là nguồn vốn xã hội hoá lại giúp có điểm cộng về thành tích GDP; ngân hàng cho vay yên tâm có ngay tài sản an toàn để bảo đảm; chủ đầu tư thì dễ kiếm lời bằng đầu cơ đất và ngay cả người dân nói chung, trừ đối tượng bị tác động trực tiếp do thu hồi đất, cũng hoan nghênh khi thấy bộ mặt địa phương thay đổi tích cực”, ông Lập nói.
Còn các hậu quả tiêu cực như thất thoát tài sản nhà nước và hiệu quả đầu tư kém hay thiếu giá trị lan toả, ông Lập cho rằng điều này chỉ mang tính gián tiếp và sau đó thì nhiệm kỳ của cấp lãnh đạo phê duyệt dự án đã qua rồi.
“Tôi muốn nói rằng, nếu cái động cơ của chính sách phát triển theo hướng này không thay đổi thì quả thật khó có cách nào khác đề chúng ta tạm biệt hay thậm chí hạn chế các dự án BT. “Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” vốn đã từng và vẫn luôn luôn là giải pháp tình thế chứ không dựa trên cơ sở lý luận nào”, ông Lập nói.
Ông Lập cũng đề cập đến tình trạng các chủ đầu tư BT sử dụng cơ chế “lấy mỡ nó rán nó”, tức sử dụng quyền sử dụng đất được cấp để thế chấp vay vốn, sau đó lại tìm cách sử dụng vốn đầu tư để làm các công trình nhất định có tác dụng sẽ làm tăng giá đất ở khu vực có dự án hoàn vốn của mình đã được phê duyệt. Như vậy là xung đột về lợi ích.
Bên cạnh đó, người dân bị thu hồi đất để làm dự án được đền bù rất thấp và họ sẽ chịu thiệt thòi trong khi chủ đầu tư lại kiếm lời lớn, như thế là không công bằng.
Do đó, chính quyền cần thực hiện cơ chế công khai, minh bạch cho các dự án BT, thông qua vừa tham vấn người dân vừa giải trình đối với họ, đồng thời bảo đảm lợi ích hài hoà giữa cả chủ đầu tư, người bị tác động và lợi ích công cộng.
Lam Thanh