Học và học thêm mà không theo thiên hướng và năng khiếu của đứa trẻ sẽ không khác gì như nuôi heo cho ăn thức ăn tăng trọng hoặc như nuôi gà công nghiệp cả.
Thưa các thầy, cô giáo kính mến, tôi chống kịch liệt việc lương của các cô các thầy còn thấp so với mặt bằng chung và quá thấp so với sứ mệnh thiêng liêng mà các cô các thầy đang lãnh hội truyền đạt kiến thức văn hóa và kiến thức làm người cho tuổi trẻ.
Nhưng để tăng thu nhập bằng việc dậy thêm thì tôi cũng như không ít người khác đắn đo vô cùng.
Gần nhà tôi cũng có mấy lớp học thêm. Lũ trẻ sau giờ ở trường phải gồng mình, cong lưng ngồi học thêm. Tôi nghe những tiếng đếm đồng thanh từ một đến một trăm. Rồi từ một trăm đến hai trăm và cứ thế những con vẹt khản cổ ra rả lượm thóc và đếm.Thương lũ trẻ quá! Tôi xin nói thẳng thương các cô, các thầy một thì thương lũ trẻ mười.
Tôi tin chắc rằng nếu được quyền chọn lựa thay bố mẹ chúng sẽ chả có đứa trẻ nào chọn học thêm như kiểu chúng đang phải học thêm thay vì chạy chơi hoặc xem bộ phim mà chúng thích...
Vậy vấn đề đặt ra là, ai đã bắt lũ trẻ học thêm?
Trước nhất chính là bố mẹ chúng. Nhưng ai đã buộc bố mẹ lũ trẻ bắt lũ trẻ học thêm?
Rõ ràng là do chất lượng nền giáo dục mà các cô các thầy không thể nói là không dính tẹo nào trách nhiệm làm cho bố mẹ lũ trẻ lo lắng cho tương lai của con cái họ.
Cái gốc là ở đây, ai cũng thấy rồi.
Tôi có xem sách giáo khoa và tìm hiểu ít nhiều tình trạng dậy và học hiện nay. Tôi phải công nhận rằng nó tốt và tiến bộ hơn cái thời tôi đi học . Ấy lạ, thời tôi có đứa nào học thêm đâu? Thực ra hồi đó cũng mấy ai có tiền cho con học thêm. Vậy thì cái gì đã làm cho tôi nên người? Cuộc sống. Chính cuộc sống.
Lũ trẻ bây giờ đã vô cùng thiếu sự hòa nhập cuộc sống lại còn bị tước đoạt nốt thời gian còn lại trong ngày để tiếp tục ê a “rắn là một loài bò ...sát”. Nhiều ông bố bà mẹ cho rằng chính cuộc sống hiện giờ quá bất an, quá nhiều cạm bẫy đối với đứa trẻ, thậm chí cả internet cả truyền hình, vì vậy cho chúng đi học thêm, học được thêm cái gì tốt cái đó vẫn còn hơn thả chúng vào môi trường không kiểm soát được.
Vậy thì lời giải của quá nhiều bài toán đan xen là gì?
Không thể lấy gia đình và giáo viên là chủ thể của việc học thêm dẫn đến dậy thêm được. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng, thậm chí cả về đạo đức nếu xác định sai chủ thể. Rõ ràng gia đình và giáo viên thấy có lợi ích cho mình theo quan niệm của mình đối với việc học thêm dẫn đến dậy thêm hoặc có không ít trường hợp có giáo viên có nhu cầu dậy thêm nên gây áp lực cho gia đình để đưa con em đi học thêm. Vấn đề học thêm không thể giải quyết được nếu tính sai chủ thể.
Chủ thể của việc học thêm không ai khác chính là những đứa trẻ đi học thêm. Bằng biện pháp hành chính có thể cấm được việc dậy thêm nhưng không thể cấm được việc học thêm. Muốn việc học thêm không còn là vấn đề xã hội đang rất bức xúc nữa thì việc quyết định là phải rõ ràng việc học thêm là học thêm cái gì, thời gian nào, bao lâu và việc học thêm ấy có tác dụng thực sự cho chủ thể - những người học thêm không? Đồng thời phải xác định rõ việc học thêm này có là nhu cầu và gây hứng thú cho những chủ thể học thêm không?
Việc học thêm cái gì phải do xuất phát thực sự từ nhu cầu của đứa trẻ thông qua người đại diện là gia đình chứ không thể từ việc bắt buộc hay hướng dẫn chủ quan của người dậy thêm được. Trách nhiệm, lương tâm, nhân cách của người dậy thêm chính là ở công đoạn xác định nhu cầu này để đáp ứng.
Muốn biết nhu cầu và niềm hứng thú của lũ trẻ thì phải hiểu chúng, thì phải tôn trọng chúng và hỏi ý kiến của chúng. Đứa nào nói con thích học thêm lắm nhưng không phải học thêm toán, thêm vật lý mà học thêm Anh văn cơ. Vậy thì đứa trẻ đó có niềm hứng khởi tìm hiểu ngoại ngữ. Cho nó học thêm ngoại ngữ.
Đứa nào nói con không thích học thêm hóa học, sinh vật mà chỉ thích tìm hiểu về văn chương, nghệ thuật. Vậy là nó có thiên hướng về văn chương nghệ thuật cho nó học thêm bằng cách mua nhiều sách văn học cho nó đọc, cho nó đi dự các buổi nói chuyện văn chương, cho nó đi xem kịch, ca nhạc, mua đĩa ca nhạc cho nó nghe vv... Cũng là học thêm đấy nhưng tự giác học.
Hoặc ngược lại đối với những đứa trẻ có năng khiếu về sáng tạo công nghệ, kĩ thuật thì cho chúng học thêm về tư duy sáng tạo, về sáng chế phát minh ở các câu lạc bộ.
Nền giáo dục của nước nhà đang phần nào có tội với dân tộc đó là để phí phạm thời gian và năng khiếu của đứa trẻ, đã bóp chết những thiên hướng và đam mê của đứa trẻ bởi những đê bao định sẵn của các giá trị lỗi thời.
Học và học thêm mà không theo thiên hướng và năng khiếu của đứa trẻ sẽ không khác gì như nuôi heo cho ăn thức ăn tăng trọng hoặc như nuôi gà công nghiệp cả. Những người làm cha, làm mẹ có lỗi trước tiên khi đẩy con mình đi học thêm mà không cần biết con mình cần và thích cái gì, con mình có năng khiếu gì?
Các nhà điều tra xã hội học hãy thử làm một cuộc điều tra xem, hiệu quả của việc nhai lại kiến thức trong nhà trường nhân danh cái gọi là củng cố và nâng cao hiểu biết trong các lớp học thêm đại trà hiện nay có tác dụng và tác hại thế nào đối với tâm sinh lý và tâm hồn đứa trẻ?
Tôi có thể không sợ bị ném đá mà nói rằng: Nước mắt đấy các quý vị ơi!
Kiến thức có thể được tăng thêm. Trẻ có vẻ bớt hư hơn, bớt dính tệ nạn hơn. Gia đình có thể yên tâm về việc học theo một khuôn mẫu của con mình hơn. Đời sống của giáo viên được cải thiện hơn.
Nhưng có một điều chắc chắn là đứa trẻ bị ẻo lả về sức khoẻ, bớt năng động trong cuộc sống vì không gian cuộc sống bị thu hẹp lại và điều nguy hại nhất là què cụt tính hồn nhiên và trí tưởng tượng - hai tài sản quý giá nhất của một đứa trẻ mà Tạo hoá ban tặng cho chúng.
Thưa các quý vị. Cái được quá nhỏ so với cái mất.
Vậy thì không cấm học thêm, nhưng khuyên các gia đình đừng cho con cái học thêm những cái vô bổ.
Không cấm giáo viên giỏi ngoài giờ lên lớp ở trường mở thêm các lớp năng khiếu cho từng đối tượng thích hợp, với điều kiện tất cả phải được đăng ký kinh doanh và được các hội đồng chức năng chuyên môn giám sát giáo trình, chất lượng.
Còn đối với học trò yếu kém của các trường công thì nhà nước phải bỏ ngân sách để giáo viên bổ túc, phụ đạo ngoài giờ ở ngay trường các em học.
Lưu Trọng Văn
Ảnh minh họa