Sáng 19.11, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tổ chức tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Là người khởi xướng, sáng tạo mô hình hội quán tại Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT từng khẳng định “Hội quán là một thiết chế cộng đồng, chính sự hài hòa, gần gũi nhau, chia sẻ với nhau, hiểu được giá trị cộng đồng, tư duy cộng đồng... tạo sức mạnh giúp nhà nông tốt hơn”.
Từ mô hình hội quán đầu tiên được thành lập vào năm 2016, đến nay Đồng Tháp đã có 145 hội quán với hơn 7.500 thành viên. Từ nền tảng hội quán, Đồng Tháp đã thành lập mới 38 hợp tác xã, mở ra hướng đi mới theo mô hình kinh tế tập thể.
Hội quán được đông đảo người dân ủng hộ, tự nguyện tham gia, phát huy tốt vai trò là trung tâm kết nối cộng đồng, góp phần từng bước chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp và hướng đến xây dựng giá trị thương hiệu.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, Đồng Tháp tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị, hiệu quả bền vững và thân thiện với môi trường. Để làm được điều đó, Đồng Tháp xác định trước tiên phải thay đổi nhận thức của người dân.
“Mô hình hội quán ra đời đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp bà con nông dân, ngồi lại với nhau để cùng thay đổi tư duy, thay đổi cách làm ăn từ sản xuất manh mún nhỏ lẻ sang hợp tác cùng nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Song song đó, tỉnh đã phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn”, ông Nghĩa nhận định.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, nông nghiệp đã giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng 4,51%/năm; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực ĐBSCL và cả nước.
“Ước đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và dự kiến sẽ có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn nông thôn, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Tỉnh cũng có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, và 1 sản phẩm đạt 5 sao”, ông Nghĩa thông tin.
Tại buổi tọa đàm, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, những người làm công tác dân vận và đặc biệt là những người trực tiếp tham gia quản lý, điều hành các hội quán đã cùng nhau chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp thúc đẩy hội quán nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần vào xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của Đồng Tháp.